Sốt xuất huyết - vì sao đến hẹn lại lên?

Những ngày qua các bệnh viện nhi đồng trên địa bàn TP.HCM đã tiếp nhận nhiều trẻ sốt xuất huyết, trong đó có những ca bị sốc nặng, nguy kịch đến tính mạng.

Bác sĩ Nguyễn Trần Nam – Phó Giám đốc BV Nhi đồng Thành phố cho biết, từ đầu năm đến nay, số bệnh nhi sốt xuất huyết đến khám và điều trị có xu hướng tăng nhanh và cao hơn so với cùng kỳ hai năm trước. Nguyên nhân là do mùa mưa đến sớm hơn mọi năm.

Trong vòng một tháng qua, bệnh viện tiếp nhận khoảng 400 trẻ sốt xuất huyết, trong đó tỉ lệ trẻ phải nhập viện chiếm khoảng 20%. Trong số bệnh nhi điều trị nội trú có một số trẻ bị biến chứng nặng do gia đình tự chăm sóc điều trị tại nhà, chỉ nghĩ đến Covid-19 mà không đưa trẻ đi khám và phát hiện sớm bệnh sốt xuất huyết.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM cũng cho hay, từ khi bệnh viện chuyển đổi công năng trở lại khám chữa bệnh bình thường thì số bệnh nhân mắc sốt xuất huyết đến khám và điều trị cũng tăng nhanh. “Trung bình mỗi ngày có khoảng vài chục bệnh nhân sốt xuất huyết đến khám và điều trị, trong đó có từ 2 -3 bệnh nhân nặng nằm điều trị.” – BS Nguyễn Văn Hảo thông tin.

Theo các chuyên gia y tế, sốt xuất huyết là bệnh lưu hành hàng năm và giai đoạn cao điểm thường từ cuối tháng 7 đến hết tháng 1 năm sau. Các biện pháp phòng chống sốt xuất huyết đã được ngành y tế truyền thông thường xuyên, rộng rãi tới cộng đồng nhưng tại sao sốt xuất huyết vẫn là nỗi lo thường trực hàng năm?

Qua nghiên cứu, bác sĩ Nguyễn Trần Nam, Phó Giám đốc BV Nhi đồng TP. Hồ Chí Minh cho rằng, một trong những nguyên nhân là do còn khoảng trống khá lớn giữa nhận thức và thực hành về việc phòng chống căn bệnh này.

Chúng tôi đã làm khảo sát rất nhiều về sốt xuất huyết và thấy rằng hơn 90% các bậc cha mẹ ai cũng biết sốt xuất huyết lây truyền ra sao, phòng chống sốt xuất huyết thế nào nhưng chỉ có 60% thực hành đúng. Ví dụ: ở nông thôn khi tôi hỏi xung quanh nhà có chỗ nào nước đọng không thì nhiều người khẳng định chắc chắn là không. Nhưng khi hỏi trước nhà có những vỏ dừa, mảnh sành vỡ hay những lá cây to đọng nước không thì lại bảo hình như là có. Tức là nó ở ngay trước mắt nhưng nhiều người không nhận ra. Rồi ở thành phố, nhiều người cũng nói nhà tôi không có chỗ nào đọng nước, xung quanh toàn nhà xây. Nhưng khi hỏi những nhà đang xây dựng đó có thùng phi đựng nước không, các hầm cầu có bị hở không thì lại trả lời hình như là có. Đặc biệt vùng ngoại vi thành phố có những khu công nghiệp, nhiều nhà trọ thì xung quanh đó là những vũng nước đọng từ nước thải sinh hoạt hay xô chậu đựng nước của công nhân trong khu trọ. Đó là những môi trường rất tốt để muỗi sinh sôi và truyền bệnh” – BS Nguyễn Trần Nam nêu ví dụ, đồng thời khuyến cáo mọi người nên chú ý vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, loại bỏ vỏ dừa, chai lọ, lốp xe, mảnh sành vỡ xung quanh nhà; úp các xô chậu không dùng đến hoặc đậy kín các vật dụng chứa nước để hạn chế, không cho muỗi đẻ trứng, diệt loăng quăng, bọ gậy. Các bậc cha mẹ nếu thấy những khu vực mà trẻ vui chơi, học tập, sinh hoạt chưa đảm bảo tốt việc phòng chống sốt xuất huyết thì có thể góp ý với người quản lý để thực hiện các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh.

Muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết thường hoạt động vào lúc chạng vạng tối hoặc sáng sớm. Vì vậy. BS Nguyễn Trần Nam hướng dẫn, các gia đình nên thực hiện ngủ màn, cho trẻ mặc quần áo sáng màu hoặc bôi các loại thuốc để chống muỗi đốt.

Phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19

Bên cạnh việc phòng ngừa thì phát hiện sớm và chăm sóc theo dõi bệnh nhân sốt xuất huyết đúng cách cũng rất quan trọng. Bởi diễn biến nặng của bệnh thường xảy ra từ ngày thứ 4 cho đến ngày thứ 7 - giai đoạn mà bệnh nhân đã giảm hoặc hết sốt. Do đó bệnh nhân cần được chẩn đoán sớm để có hướng theo dõi và điều trị phù hợp. Tuy nhiên, thời gian qua, một số bệnh nhân đã bị bỏ sót, không được chẩn đoán sớm sốt xuất huyết do nhầm tưởng là Covid-19.

BS Nguyễn Văn Hảo – Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu chống độc người lớn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TPHCM hướng dẫn cách phân biệt sốt xuất huyết và Covid-19 như sau:

Dấu hiệu điển hình của sốt xuất huyết là bệnh nhân sốt cao liên tục, khoảng 39- 40 độ, uống thuốc hạ sốt nhưng nhiệt độ rất khó hạ hoặc chỉ giảm chút ít rồi lại tăng cao.

Còn bệnh nhân Covid-19 cũng có sốt nhưng thân nhiệt thường chỉ ở mức 38,5-39 độ, và bệnh nhân chỉ cần uống loại thuốc thông thường như paracetamol là thể thể hạ sốt.

Bệnh nhân sốt xuất huyết rất ít khi bị các biểu hiện của viêm long đường hô hấp trên như ho, đau họng nghẹt mũi, sổ mũi. Trong khi đó, đây lại triệu chứng thường gặp của bệnh Covid-19 và các bệnh lý nhiễm siêu vi khác như cảm cúm.

Người mắc sốt xuất huyết cũng thường bị chán ăn, nôn ói, nếu bệnh nặng thì có dấu hiệu xuất huyết dưới da và niêm mạc.

Còn bệnh nhân mắc Covid-19, nhất là những trường hợp bệnh nhẹ hoặc trẻ em có thể bị sốt nhưng trẻ vẫn có thể ăn uống, chơi đùa bình thường.

Các dấu hiệu cảnh báo diễn biến nặng ở bệnh nhân sốt xuất huyết

Sốt xuất huyết thường diễn biến qua 3 giai đoạn:

-Giai đoạn thứ nhất là từ ngày 1 đến ngày thứ 3: bệnh nhân thường có biểu hiện sốt rất cao, chán ăn, nôn ói. Đây là giai đoạn virus đang nhân lên trong cơ thể song nguy cơ gặp biến chứng rất thấp.

-Giai đoạn thứ 2 của sốt xuất huyết là từ ngày thứ 4 đến thứ 6: Đây là giai đoạn nguy hiểm, người bệnh cần được theo dõi chặt chẽ để phát hiện sớm các dấu hiệu trở nặng của bệnh. Trong giai đoạn này, bệnh nhân có thể không còn sốt hoặc mức độ sốt giảm dần. Tuy nhiên nếu thấy bệnh nhân có biểu hiện nôn ói liên tục, đau bụng ở vùng gan, bị xuất huyết dưới da và niêm mạc, chảy máu cam, chảy máu chân răng, phụ nữ bị rong kinh hoặc kinh nguyệt bất thường thì cần đưa bệnh nhân đến bệnh viện ngay để được điều trị kịp thời. Bởi đó là các dấu hiệu cảnh báo có thể xảy ra biến chứng nặng như là thoát huyết tương, tụt huyết áp, sốc, chảy máu và tổn thương tạng, nguy hiểm đến tính mạng.

Tuy nhiên, trong 3 ngày đầu, những trẻ có tiền sử sốt cao, co giật hoặc một số trường hợp có thể bị virus dengue tấn công vào não gây viêm não, người bệnh sốt cao liên tục, co giật, nôn ói nhiều và bị mất nước thì cũng cần phải nhập viện ngay.” – BS Nguyễn Văn Hảo lưu ý.

- Giai đoạn thứ 3 là từ ngày thứ 7 trở đi: Đây là giai đoạn hồi phục, người bệnh hết sốt, toàn trạng tốt lên, thèm ăn, huyết động ổn định và tiểu nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo hướng dẫn, khi có các biểu hiện nghi ngờ sôt xuất huyết, ngay ngày thứ nhất hoặc thứ 2, bệnh nhân nên đến các cơ sở y tế để được bác sĩ thăm khám, thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết. Tùy từng trường hợp, các bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh nhập viện hoặc theo dõi, điều trị tại nhà và tái khám.

Bác sĩ Nguyễn Văn Hảo cho biết, số bệnh nhân vừa mắc sốt xuất huyết vừa nhiễm Covid-19 không nhiều. Tuy nhiên, nếu đồng mắc cả hai căn bệnh này thì bệnh nhân có nguy cơ diễn biến nặng rất lớn và việc điều trị sẽ vô cùng khó khăn.

Không chủ quan với Covid-19 và sốt xuất huyết

Hiện nay, mặc dù hàng ngày số bệnh nhân mắc Covid-19 mới ở nước ta đã giảm rất sâu so với giai đoạn trước và chúng ta đã xác định sống chung an toàn với dịch bệnh tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Văn Hảo khuyến cáo mọi người tuyệt đối không nên chủ quan trong việc phòng ngừa dịch bệnh. “ Các chuyên gia y tế trên thế giới vẫn lo ngại về nguy cơ xuất hiện những biến thể mới của SARS-CoV-2 có tốc độ siêu lây nhiễm như Omicron và độc lực mạnh khiến số người nhập viện và tử vong tăng cao. Điều đó chúng ta không biết trước được. Nên đối với bệnh Covid-19 chúng ta phải tuân thủ các biện pháp phòng bệnh cơ bản, ít nhất lầ 2K, tức là Khẩu trang và Khử khuẩn. Ngoài ra có thể Khai báo y tế nếu đơn vị nào đó yêu cầu. Cho nên chúng ta vẫn cần cẩn thận, cảnh giác với Covid-19” – BS Nguyễn Văn Hảo nhấn mạnh.

Còn với bệnh sốt xuất huyết, BS Nguyễn Văn Hảo cho rằng hiện các tỉnh miền Nam đang là mùa mưa và cũng là vùng dịch tễ sốt xuất huyết vì vậy bất cứ ai khi có dấu hiệu sốt cao liên tục thì cần nghĩ tới nguy cơ mắc căn bệnh này và đến ngay cơ sở y tế để được khám và xét nghiệm, chẩn đoán sớm, khi cần thì sẽ được nhập viện điều trị thích hợp. Người bệnh tuyệt đối không nên tự ý sử dụng thuốc hoặc truyền dịch tại nhà, ngoài cộng đồng để chữa trị sốt xuất huyết và Covid-19 vì làm như vậy sẽ rất nguy hiểm.