“Cháu ở nhà hay tự mở điện thoại chơi điện tử với xem TikTok...Sau một thời gian thấy mắt cháu cứ nheo nheo với nháy mắt liên tục hay cáu gắt....”

Đó là chị sẻ của chị N.T.T. ở tỉnh Bắc Ninh khi đưa con đi khám tại Bệnh viện Nhi TƯ. Ban đầu, chị T. nghĩ rằng con bị cận nên đã cho con đi khám mắt và đeo kính, tuy nhiên hiện tượng nháy mắt vẫn không giảm mà ngày một tăng lên. Sau khi được bác sỹ thăm khám và chẩn đoán, lần đầu tiên chị T. biết đến hội chứng TIC ở trẻ.

"Chưa nghe đến hội chứng này bao giờ. Đến khi bác sỹ nói thì mình mới biết là hóa ra do mình cho con xem điện thoại quá nhiều nên cháu mới bị như vậy...", chị T. chia sẻ.

Theo Ths.BS Nguyễn Mai Hương - Phó trưởng Khoa Tâm Thần, Bệnh viện Nhi TƯ, các biểu hiện bất thường về nháy mắt, giật đầu cổ hay phát ra âm thanh lạ như trường hợp con chị T. là do sự ức chế thần kinh khi sử dụng quá nhiều các thiết bị điện tử.

BS Hương cho biết: “Xem tivi và điện thoại quá nhiều sẽ gây căng thẳng cho mắt và hệ thần kinh của đứa trẻ, khiến trẻ kém tập trung và ảnh hưởng đến kết quả học tập và như vậy cha mẹ và con cái lại xảy ra mâu thuẫn và chính những căng thẳng stress đó làm gia tăng hội chứng TIC ở trẻ…”.

Hiện trẻ sử dụng rất nhiều các thiết bị điện tử, dùng máy tính bảng, đặc biệt trào lưu bắt chước TikTok dẫn đến mắc hội chứng TIC ngày càng gia tăng, làm rung giật cơ, đặc biệt là TIC âm thanh không thể kiểm soát được.

Có khoảng 20% trẻ ở độ tuổi đi học mắc phải rối loạn TIC, thường trầm trọng khi trẻ ở độ tuổi 11-12, sau đó giảm dần khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Đối với một số trẻ, rối loạn này sẽ biến mất hoàn toàn sau khi lớn, nhưng cũng có trẻ đối mặt với nó đến khi trưởng thành. Tuy nhiên nhiều bậc cha mẹ vẫn chưa hiểu hết về căn bệnh này.

Có 2 loại TIC chính, đi kèm với những biểu hiện không giống nhau:

-TIC đơn giản liên quan đến một nhóm cơ hoặc âm thanh đơn giản. Trong đó, TIC âm thanh biểu hiện như thở dài, ho, lẩm bẩm, các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét… TIC vận động biểu hiện như nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm.

-TIC phức tạp liên quan đến nhiều nhóm cơ như nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh, tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn…

BS Hương cho biết, trong thực tế, nhiều cha mẹ nhầm tưởng các dấu hiệu của TIC là những thói quen xấu do trẻ tự hình thành và thường quát mắng khi trẻ nháy mắt, giật cổ hay phát ra âm thanh lạ. Tuy nhiên, trẻ không có ý thức về những hành động đó nên không tự điều chỉnh được. Để loại bỏ những hành vi bất thường này, cha mẹ cần đưa trẻ đi khám và có những biện pháp can thiệp kịp thời.