Bệnh nhân là bà Phan Thị T. 74 tuổi (quê Thừa Thiên - Huế), nhập viện với triệu chứng sốt, đau hạ sườn phải, vàng da. Qua thăm khám, các bác sĩ xác định bệnh nhân có sỏi đường mật trong gan. Đây là trường hợp sỏi khó mà phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng thông thường và mổ mở khó có khả năng lấy hết sỏi. Các y bác sĩ Khoa Nội soi của BV Trung ương Huế đã phối hợp với Liên chi hội Nội soi Tiêu hóa Việt Nam tiến hành tán sỏi cho bệnh nhân bằng laser qua hệ thống nội soi đường mật qua miệng. Sau khoảng 2 tiếng, bệnh nhân được lấy hết sỏi trong gan.

Bác sĩ CKII Trần Như Nguyên Phương, Trưởng Khoa Nội soi cho biết, trước đây với những trường hợp sỏi đường mật trong gan lớn hoặc gây biến chứng, các bác sĩ thường lấy sỏi qua dẫn lưu đường mật trong gan hoặc mổ hở để lấy sỏi, thậm chí phải cắt phân thùy gan nếu sỏi nhiều. Tuy nhiên, phương pháp này gây ảnh hưởng tới chức năng gan, bệnh nhân phải nằm viện lâu nếu mổ mở. Kỹ thuật nội soi tán sỏi đường mật trong gan bằng laser qua đường miệng đã khắc phục được những điểm hạn chế này.

“Ưu điểm của kỹ thuật này là cho hình ảnh trực tiếp viên sỏi và lòng đường mật lúc tán sỏi, do đó an toàn và tránh làm tổn thương đường mật. Thủ thuật xâm nhập tối thiểu, không để lại sẹo và thời gian phục hồi nhanh. Kỹ thuật này được chỉ định trong các trường hợp như: sỏi đường mật trong gan lớn hoặc gây biến chứng; Sỏi ống mật chủ, ống gan chung lớn, hoặc các trường hợp sỏi khó không thể lấy qua nội soi ngược dòng thông thường và mổ mở tiên lượng lấy sỏi khó khăn.” - bác sĩ Trần Như Nguyên Phương nói.

Nguyên lý của kỹ thuật nội soi tán sỏi đường mật trong gan bằng laser qua đường miệng cũng dựa trên nền tảng của phương pháp nội soi mật tụy ngược dòng đang được ứng dụng rộng rãi. Bác sĩ Trần Như Nguyên Phương mô tả, để lấy sỏi trong gan, các bác sĩ sẽ tiến hành đưa ống soi tá tràng qua miệng vào tá tràng, bộc lộ nhú tá lớn (nơi dịch mật, tụy đổ vào tá tràng). Tiếp theo đưa ống nội soi đường mật có kích thước nhỏ hơn đi trong lòng của ống soi tá tràng thông qua nhú tá lớn vào ống mật chủ, ống gan chung và đường mật trong gan. Sau khi xác định vị trí các viên sỏi ở đường mật trong và ngoài gan thì tiến hành tán sỏi bằng laser. Sau đó dùng rọ lấy sỏi ra ngoài đường mật thả vào tá tràng và viên sỏi tiếp tục được đào thải ra ngoài theo đường tiêu hóa.

Tuy nhiên, để thực hiện được kỹ thuật tán sỏi đường mật trong gan bằng laser qua đường miệng đòi hỏi cơ sở y tế phải có đầy đủ trang thiết bị, máy móc cũng như nhân lực có trình độ cao. “Kỹ thuật này đòi hỏi phải có 03 hệ thống hoạt động cùng lúc gồm: hệ thống nội soi tá tràng ERCP, hệ thống nội soi đường mật (spyglass) kèm máy tán sỏi laser và hệ thống màng tăng sáng X quang. Để thực hiện được kỹ thuật này, bác sĩ phải có nhiều năm kinh nghiệm làm nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) và được đào tạo bài bản mới có thể điều khiển được một lúc nhiều hệ thống trên, tránh làm tổn thương đường mật cũng như gây hư hỏng dụng cụ” – BS Trần Như Nguyên Phương cho biết thêm.

Việc triển khai thành công kỹ thuật nội soi tán sỏi đường mật trong gan bằng laser qua đường miệng tại BV TW Huế mở ra cơ hội cho các bệnh nhân mắc bệnh lý sỏi trong gan tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên được điều trị một cách triệt để và hiệu quả hơn.