Từ nhiều năm qua chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia đã tiêm vaccine miễn phí phòng 12 bệnh cho các nhóm tuổi. Trong đó, tiêm cho trẻ 0 - 60 tháng tuổi là các vaccine phòng bệnh lao, viêm gan B, bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm phổi/viêm màng não mủ do Hib; sởi, rubella, viêm não Nhật Bản; và các vaccine tiêm miễn phí cho vùng nguy cơ cao như: tả, thương hàn.

Theo Nghị quyết 104/NQ-CP của Chính phủ, trong năm nay đưa thêm vaccine phòng bệnh do virus Rota vào chương trình tiêm chủng mở rộng. Tiếp đó là vaccine phòng bệnh do phế cầu từ năm 2025, vaccine phòng bệnh ung thư cổ tử cung từ năm 2026 và vaccine phòng bệnh cúm mùa từ năm 2030.

Nghị quyết nêu rõ phạm vi và số lượng thụ hưởng theo đề xuất của Bộ Y tế. Trong trường hợp huy động được nguồn viện trợ, hỗ trợ trong nước, hoặc được bổ sung ngân sách nhà nước, Bộ Y tế quyết định việc có thể thực hiện lộ trình này sớm hơn.

Các tỉnh, thành có khả năng cân đối ngân sách mua phòng bệnh ung thư cổ tử cung nếu có thể tiếp cận với mức giá ưu đãi cho các nhóm đối tượng nguy cơ cao khác ngoài Chương trình tiêm chủng mở rộng ngay từ giai đoạn 2022 - 2025 nhằm khuyến khích người dân tham gia tiêm chủng phòng bệnh.

Về kinh phí thực hiện, ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí mua vaccine theo lộ trình. Ngân sách địa phương bố trí kinh phí tổ chức triển khai tiêm chủng tại địa phương; nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác; và nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vaccine tự nguyện chi trả…

Nghị quyết 104/NQ-CP có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành (15/8/2022).