Sản phụ Nguyễn Thị P (26 tuổi), trú tại Xã Thanh Lân, huyện Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh mang thai lần 4. Khi thai được 29 tuần tuổi, chị P có dấu hiệu đau bụng âm ỉ, ra máu âm đạo màu, niêm mạc da nhợt, xuất hiện cơn co tử cung, ngôi ngược ối vỡ hoàn toàn, có hình ảnh sa dây rau.

Nhận định đây là ca bệnh khó, kíp trực Trung tâm Y tế Cô Tô tiến hành hội chẩn trực tuyến với đầu cầu Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh qua hệ thống Telemedicine. Sản phụ được chỉ định mổ cấp cứu lấy thai. Sau mổ trẻ khóc yếu, suy hô hấp nặng, non tháng, cân nặng 1000gr, hồi sức tại phòng mổ, tuy nhiên trẻ đáp ứng chậm, phổi thông khí kém, bụng mềm.

Trung tâm Y tế huyện Cô Tô đã kết nối hội chẩn trực tuyến lần 2 với đầu cầu Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, trẻ được chỉ định bóp bóng qua Mask chuyển đến Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh để tiếp tục theo dõi điều trị. Đồng thời, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cũng bố trí trí kíp cấp cứu ngoài viện sẵn sàng phương án cấp cứu và đón bé ngay tại Cảng tàu khách Vân Đồn.

Tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, trẻ được chẩn đoán suy hô hấp, nhiễm khuẩn sơ sinh và chỉ định nhâp Khoa Sơ sinh điều trị tích cực.

Hiện tại sức khỏe của bé đã ổn định trở lại.

Bác sĩ Nguyễn Phú Nhuận, Giám đốc TTYT huyện Cô Tô cho biết: Trường hợp của sản phụ Nguyễn Thị P.(26 tuổi) nếu không được chị định mổ đẻ cấp cứu kịp thời nguy cơ tử vong rất cao.

Việc triển khai thực hiện tốt hoạt động hội chẩn, tư vấn khám bệnh từ xa đã phát huy được hiệu quả khám, chữa bệnh cho người dân; giúp người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới, đặc biệt các trường hợp cấp cứu của bệnh nhân ở vùng miền núi, hải đảo.