Chống dịch trên đảo Hải Tặc

Khoảng tháng 7, dịch Covid-19 dịch bùng phát ở các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Thay vì học tập trung, Nguyễn Thanh Nhựt (sinh viên năm 2, ngành Marketing, Trường ĐH An Giang) buộc phải học online ở nhà.

Cậu sinh viên 19 tuổi quyết định đăng ký tham gia trực chốt kiểm dịch ở cửa ngõ ra vào TP. Long Xuyên (An Giang). Một tháng sau, em về quê ở xã Tiên Hải, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) vừa học online vừa phụ gia đình. Nghe tin xã kêu gọi tình nguyện viên tham gia hướng dẫn người dân tiêm vaccine, không chần chừ Nhựt đăng ký đi ngay.

Chỉ sau đó ít lâu, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở TP. Hà Tiên. Xã đảo Tiên Hải mặc dù chưa có ca nghi nhiễm song vẫn có nguy cơ cao bởi ngư dân Hà Tiên thường xuyên đánh bắt, buôn bán trên vùng biển gần bờ trên đảo. Hàng hóa, nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm vận chuyển qua lại giữa đất liền về đảo nhộn nhịp.

Để đảm bảo an toàn của người dân địa phương, chính quyền đã thành lập những đội lấy mẫu xét nghiệm cộng đồng. Thanh Nhựt là một trong những tình nguyện viên đầu tiên của đội lấy mẫu.

Quần đảo Hải Tặc (Quần đảo Hà Tiên) thuộc xã đảo Tiên Hải, TP. Hà Tiên (Kiên Giang) có 16 đảo lớn, nhỏ. Trong đó 6 đảo có người dân sinh sống. Từ đảo lớn đến các đảo nhỏ, các cán bộ y tế, chiến sĩ, tình nguyện viên phải mất 30-45 phút di chuyển bằng ghe.

Chiếc ghe du lịch của người dân trên đảo được địa phương thuê lại để chở cán bộ. Đến đảo lớn, ghe cập lại cầu cảng cho đoàn công tác lên bờ. Nhưng với những đảo nhỏ, không có cầu cảng thì ghe phải đậu ngoài xa. Thanh Nhựt và các tình nguyện viên thay nhau chèo bè xốp chở cán bộ vào đảo.

Mùa này, giông lốc, sấm chớp trên biển thường xuất hiện không báo trước. Trong một lần đi lấy mẫu ở ấp Hòn Giang, chiếc ghe chở 10-15 cán bộ mới khởi hành được khoảng 15 phút thì trời bắt đầu chuyển mưa, giông lốc nổi lên, sóng đánh dập dềnh, ghe ra giữa biển thì mưa gió càng lúc càng lớn. Mưa làm khuất tầm nhìn, xung quanh chỉ một màu trắng xóa. Cũng may, lúc gần cập đảo thì mưa cũng ngớt dần.

Lên bờ, ai nấy đều thở phào nhẹ nhõm. Toàn bộ tình nguyện viên, công an, bộ đội, y bác sĩ dù đã mặc áo mưa nhưng người đều ướt sũng. Mặc đồ bảo hộ, họ sẵn sàng nhận nhiệm vụ, ai cũng hăng hái, không một lời than vãn.

Sinh ra và lớn lên trên đảo nên từ khi học lớp 5, lớp 6, Nhựt đã biết chèo thuyền. Ba Nhựt vốn là một thợ lặn, ngày nào ông cũng đi biển. Nhà neo người nên từ bé ba đã tập cho Nhựt bơi bè, bơi xuồng để chở ông ra vào ghe.

Đến giờ ba Nhựt không còn đi lặn nữa mà chuyển sang nuôi cá lồng bè. Những bè cá đậu cách xa bờ buộc Nhựt và những thành viên trong gia đình phải biết chèo bè ra khơi. Do đó, bơi xuồng, bơi bè với Nhật đã trở thành quen thuộc như bữa ăn, giấc ngủ của mình.

Sống trên đảo gặp không ít lần mưa bão nhưng nhớ lại những lần giông lốc trên đường đi lấy mẫu Nhựt vẫn còn cảm giác sợ.

“Công việc này không của riêng ai”

Xung phong tham gia lấy mẫu xét nghiệm ở những đảo nhỏ, di chuyển khó khăn, Nhựt và đồng đội lấy tổng cộng khoảng 400 mẫu/ngày. Công việc bắt đầu từ 6h sáng và kết thúc vào lúc 6-7 tối hằng ngày. Dù làm việc không ngơi tay nhưng những chuyến đi đã cho Nhựt những trải nghiệm khó quên trong đời.

Lưới điện đã bao phủ toàn xã đảo Tiên Hải nhưng ở những đảo nhỏ người dân vẫn phải dự trữ nước sinh hoạt. Cuộc sống khó khăn nhưng khi thấy đoàn công tác là người dân chào đón nhiệt tình.

“Có những hộ dân chuẩn bị cơm trưa mời đoàn ở lại để buổi chiều tiếp tục làm nhiệm vụ. Lần đầu tiên em được được ngồi cùng người dân và nhiều lực lượng cán bộ y tế, công an, bộ đội, dân quân. Tình quân dân rất ấm áp đã tạo thêm động lực để em hoàn thành tốt công việc”.

Nhưng không phải lúc nào Nhựt và các anh chị trong đội lấy mẫu cũng gặp thuận lợi. Đợt đầu tiên mọi người ai nấy đều hợp tác, nhưng đến đợt thứ 2-3-4 có người đã phản ứng “tại sao lấy nhiều như vậy?

"Lúc đó mình phải ôn tồn giải thích để người dân hiểu mục đích của việc lấy mẫu cộng đồng. Tụi em phải nhẫn nhịn để hoàn thành nhiệm vụ”, Nhựt không buồn khi gặp những tình huống như vậy, trái lại em cho rằng nhờ đó mà mình học được cách giao tiếp với người dân.

Lúc bắt đầu tham gia tình nguyện, Nhựt thành thật “em có chút lo lắng bởi mình không biết ai là F0 bí ẩn trong cộng đồng”. Hơn nữa, em cũng sợ mang dịch bệnh về nhà.

Tuy nhiên, đã là một đoàn viên thanh niên, lúc địa phương cần lực lượng xung kích em không suy nghĩ quá nhiều. "Nhìn gương các y bác sĩ , tình nguyện viên tuyến đầu ở nơi nguy hiểm hơn mình nhiều lần, họ vẫn hy sinh làm tốt nhiệm vụ, em cảm thấy mình có thêm động lực”.

Tình nguyện chống dịch, ngoài biết thêm nhiều vốn kiến thức y tế, chàng sinh viên 19 tuổi có nhiều góc nhìn mới mẻ.

“Nếu trước đây, em nghĩ rằng công việc này chỉ dành cho những người được trả lương như y bác sĩ, công an, bộ đội thì khi gia thiện nguyện em thấy đây là trách nhiệm của mỗi người dân, của người trẻ chứ không phải của riêng ai”, Nhựt chia sẻ.