Những người mắc bệnh lý “kép” đi đâu, về đâu?

Cũng như nhiều bệnh nhân Covid-19 khác, bà Nguyễn Thị C. (ở phố Phan Đình Giót, quận Thanh Xuân, Hà Nội) trải qua các triệu chứng: sốt nhẹ, ho, viêm họng, tiêu chảy…Nhưng điều mà bà và gia đình lo lắng không phải ở các triệu chứng này mà là bệnh lý tăng huyết áp.

“Huyết áp của tôi có hôm lên cao nhất là 200, còn hầu hết là 170, người rất mệt, chân tay co rút lại, mặt mũi đỏ bừng, cảm giác chóng mặt”, bà C. chia sẻ.

Nếu bình thường bà C. sẽ lập tức được các con cháu đưa đi bệnh viện, bởi trước đó, bà cũng đã từng nhiều lần phải cấp cứu tại bệnh viện Bạch Mai. Thế nhưng, vì đồng thời bị nhiễm Covid-19 nên gia đình không thể tự quyết định.

Bệnh viện mà tôi hay khám bảo hiểm không điều trị Covid-19, tôi gọi lên y tế phường thì họ bảo là sẽ chuyển đến một bệnh viện xa, nơi điều trị bệnh nhân mắc Covid-19”, bà C cho biết.

Chính vì thế, bà và các con quyết định tự điều trị tại nhà. Rất may sau đó huyết áp của bà C. dần ổn định trở lại.

BS Trần Văn Phúc, hiện công tác tại Bệnh viện Đa khoa Xanh – Pôn (Hà Nội) cho biết, thực tế có rất nhiều trường hợp triệu chứng do Covid-19 gây ra không nặng nhưng trùng hợp lúc đó các bệnh lý toàn thân như tiểu đường, huyết áp, tim mạch…lại đang rất nghiêm trọng. Hoặc có trường hợp bệnh nhân cấp cứu nhưng tình cờ phát hiện nhiễm Covid-19. Tuy nhiên, việc phân luồng thu dung bệnh nhân Covid-19 một cách chuyên biệt như hiện nay đã khiến nhiều bệnh nhân mất đi cơ hội điều trị bệnh lý khác.

“Ở thời điểm hiện tại Omicron càn quét qua rồi, nếu vẫn duy trì cách thức như thế thì không còn phù hợp nữa. Nếu chúng ta thay đổi cách tiếp nhận bệnh nhân, sẽ tiết kiệm được kinh phí, nguồn lực, đưa xã hội trở về bình thường”, bác sỹ Phúc phân tích.

Đồng quan điểm, PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải - Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, nêu thực tế: hiện nay do được tiêm phòng Covid-19 nên bệnh nhân bị tổn thương nặng rất ít, trong khi đó, bệnh nhân lại cần được điều trị đa khoa, hoặc cấp cứu, phẫu thuật thì các cơ sở chuyên điều trị cho bệnh nhân Covid-19 không thể đáp ứng được tốt như các Bệnh viện đa khoa.

Cách làm 2 trong 1

Hiện bệnh viện Đại học Y Hà Nội có 2 cơ sở, trong đó cơ sở 2 dành riêng để điều trị các bệnh nhân Covid-19 nặng. Tuy nhiên, trước nhu cầu điều trị các bệnh lý đa khoa khác, bệnh viện đã thiết lập mô hình hai trong một. Cụ thể là tại cơ sở 1 hiện bệnh viện tiếp nhận cả những bệnh nhân Covid-19 nhưng mắc bệnh lý toàn thân nặng, hoặc cấp cứu. Và trong trường hợp bệnh nhân ở cơ sở 2 (cơ sở chuyên điều trị Covid-19) cần phải phẫu thuật hay điều trị bệnh lý khác nặng cũng đều được linh hoạt chuyển sang Cơ sở 1. Các bệnh nhân này được bố trí tại một khu vực riêng.

PGS.TS.BS Hoàng Bùi Hải - Trưởng Khoa Hồi sức - Cấp cứu, kiêm Phó giám đốc Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho rằng: vốn dĩ là một bệnh viện rất mạnh về đa khoa thì không thể vì nhiễm Covid-19 mà lại chuyển bệnh nhân đi. Điều đó không hợp lý.

“Một bệnh nhân vào Khoa cấp cứu chúng tôi khâu vết thương nhưng phát hiện nhiễm Covid-19 thì sau đó phải cho họ về chứ sao lại để họ vào Bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19”, bác sỹ Hải nêu một trường hợp điển hình để cho thấy, chúng ta hiện nay cần coi Covid-19 như một “mặt bệnh”. Bệnh nào nặng hơn sẽ được ưu tiên điều trị bệnh đó, chứ không phải chỉ dồn về các cơ sở điều trị Covid-19.

Bác sỹ Hải khẳng định đây là cách thức mà các bệnh viện lớn khác tại Hà Nội có thể tham khảo thực hiện vừa để tận dụng được nhân lực mà cũng mang đến hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Cũng theo hướng thích ứng linh hoạt với việc Covid-19 đã suy giảm độc lực, bác sỹ Trần Văn Phúc, công tác tại bệnh viện Xanh – Pôn, đề xuất: nên coi Covid-19 là bệnh lý lây truyền đường hô hấp và các bệnh viện đa khoa có đơn nguyên về Covid-19.

“Chẳng hạn 1 bệnh nhân phẫu thuật viêm ruột thừa thì sẽ nằm điều trị tại Khoa phẫu thuật ổ bụng nhưng là đơn nguyên Covid-19”, bác sỹ Phúc nêu ví dụ.

Hiện nay, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng chống dịch COVID-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Nghĩa là sẽ không còn những hạn chế trong các hoạt động xã hội và đặc biệt, việc tiếp nhận bệnh nhân nhiễm Covid-19 cũng sẽ giống như các bệnh lý truyền nhiễm thuộc nhóm B khác chẳng hạn như: cúm, ho gà, lao phổi.

Tuy nhiên, chúng ta đều chưa biết đến thời điểm nào thì điều này được triển khai, đặc biệt là khi Tổ chức Y tế thế giới hiện vẫn giữ nguyên mức độ đại dịch toàn cầu với Covid-19. Chính vì thế, mô hình tiếp nhận bệnh nhân tại các cơ sở y tế theo hướng linh hoạt và thích ứng với tình hình mới là điều cần thiết lúc này. Vấn đề là cần sớm có cơ chế rõ ràng để các bệnh viện thực hiện mà không bị "tuýt còi".