Trên thực tế, việc cấp thẻ BHYT được thực hiện đồng loạt vào các đợt trong năm với số lượng lớn nên việc sai sót các thông tin người tham gia BHYT là điều khó tránh khỏi. Sai sót hay gặp phải nhiều nhất là sai sót về họ tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính của người tham gia BHYT. Sai sót phổ biến tiếp theo là sai sót về về việc người tham gia BHYT đã đổi quyền lợi theo đối tượng có mức hưởng cao hơn nhưng thẻ BHYT ghi không đúng mức hưởng. Hoặc trường hợp thẻ BHYT ghi sai thời điểm tham gia đủ 05 năm liên tục cũng không phải là trường hợp hiếm gặp.

Theo luật sư Trần Xuân Tiền – Văn phòng Luật sư đồng đội, căn cứ khoản 1 Điều 19 Luật bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung năm 2014, thẻ BHYT được đổi trong trường hợp thông tin ghi trong thẻ không đúng. Về hồ sơ, căn cứ vào Khoản 4 Điều 27 Quyết định 595/QĐ-BHXH và quy định của Bảo hiểm xã hội Việt Nam về hồ sơ cấp, đổi lại thẻ BHYT thì người dân cần chuẩn bị các giấy tờ sau:

- Trường hợp thẻ BHYT chưa ghi đúng họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính: Người tham gia không phải cung cấp các giấy tờ chứng minh; cơ quan bảo hiểm xã hội sẽ đối chiếu lại thông tin với Tờ khai của người tham gia BHYT, điều chỉnh và đổi lại thẻ BHYT cho người tham gia.

- Trường hợp thẻ BHYT cũ còn giá trị sử dụng và đã đổi quyền lợi theo đối tượng có mức hưởng cao hơn, nếu được đổi thẻ mới nhưng ghi không đúng mức hưởng như thẻ cũ, người tham gia cần liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ mới để điều chỉnh theo thẻ đã cấp trước đó mà không phải cung cấp giấy tờ chứng minh.

-Trường hợp thẻ BHYT ghi sai thời điểm tham gia đủ 05 năm liên tục: Người tham gia cung cấp thêm thông tin về họ tên; nơi đã tham gia BHYT trước đó hoặc thẻ cũ cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cấp thẻ. Cơ quan này sẽ kiểm tra lại Danh sách, dữ liệu quản lý thu và kết hợp thêm với thông tin người tham gia cung cấp để điều chỉnh dữ liệu và in thẻ BHYT mới cho người tham gia.

Ngoài ra, người dân có thể thay đổi thông tin cá nhân trên thẻ BHYT trên Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam trong những trường hợp sai: Họ tên, giới tính, ngày sinh, số CCCD/CMND/Hộ chiếu, điện thoại, email, địa chỉ liên hệ, ảnh chân dung, ảnh mặt trước - mặt sau CCCD/CMND/Hộ chiếu.

Để thực hiện việc thay đổi thông tin, luật sư Trần Xuân Tiền – Văn phòng Luật sư đồng đội hướng dẫn người dân làm theo các bước sau:

Bước 1: Truy cập Cổng Dịch vụ công BHXH Việt Nam, chọn đăng nhập bằng tài khoản Cá nhân, nhập mã số Bảo hiểm xã hội, mật khẩu, mã kiểm tra rồi nhấn "Đăng nhập"

Bước 2: Nhấn chọn "Thông tin tài khoản", chọn thông tin cần thay đổi, bổ sung thông tin. Sau khi cập nhật các thông tin cần thay đổi hoặc bổ sung, nhập mã kiểm tra rồi nhấm "Ghi nhận".

Sau đó, mã OTP sẽ gửi về số điện thoại người dân đã đăng ký, người dân nhập mã sau đó nhấn "Xác nhận". Thông tin thay đổi sẽ được cập nhật ngay sau khi hồ sơ điều chỉnh thông tin được phê duyệt.

Về thời hạn giải quyết, trường hợp thay đổi thông tin trên thẻ BHYT, căn cứ vào khoản 2 Điều 30 Quyết định 595/QĐ-BHXH, trong vòng 03 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ đổi lại thẻ BHYT cho người dân.

Tuy nhiên, theo yêu cầu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam tại Công văn 238/BHXH-CNTT năm 2018, trong trường hợp thẻ BHYT ghi sai thời điểm tham gia đủ 05 năm liên tục, cơ quan bảo hiểm xã hội phải thực hiện đổi thẻ BHYT sai thông tin ngay trong ngày làm việc khi đơn vị quản lý đối tượng hoặc người tham gia BHYT đến làm thủ tục.

Trong thời gian chờ cấp lại thẻ BHYT, người dân hoàn toàn được hưởng tất cả các quyền lợi khám chữa bệnh BHYT như bình thường. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, theo quy định về thủ tục khám chữa bệnh tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP, trong thời gian chờ cấp lại thẻ, người tham gia BHYT phải xuất trình giấy hẹn cấp lại thẻ, đổi thẻ BHYT do cơ quan BHXH cấp và giấy tờ chứng minh nhân thân khi đến khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế.