Chiều tối ngày 11/1, hơn 40 y bác sĩ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh (Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam) đã xuống đường căng băng rôn, khẩu hiệu với dòng chữ “Hãy cứu lấy Blouse trắng”. Nguyên nhân là do từ năm 2019 đến nay, bệnh viện thực hiện cơ chế tài chính tự chủ, 100% nguồn thu đều phụ thuộc vào lượng bệnh nhân đến khám. Tuy nhiên, từ đó đến nay, nguồn thu của bệnh viện đã không thể đáp ứng đủ chi dẫn đến tình trạng trong suốt 8 tháng qua, toàn bộ cán bộ nhân viên y tế ở đây đều bị nợ 50% số lương cơ bản, thậm chí tháng 12 còn chưa được trả lương khiến cuộc sống bị ảnh hưởng rất nhiều.

Chị Lê Thùy Giang - Điều dưỡng tại khoa xoa bóp bấm huyệt cho biết, chị ký hợp đồng viên chức với Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam từ năm 2009, mỗi tháng lương được khoảng hơn 8 triệu đồng. Nhưng sau khi Bệnh viện Tuệ Tĩnh thực hiện cơ chế tự chủ, lương của chị và nhiều đồng nghiệp khác chỉ còn khoảng 5 triệu đồng. Từ khi bị nợ lương, chị phải làm đi làm thêm ngoài giờ để có thêm thu nhập “Từ 16h30 đến 20h00 mỗi ngày, tôi đi làm thêm ở phòng khám sản. Từ khi nợ lương mới phải làm thêm ngoài giờ kiếm sống nuôi con, chứ trước đó thì tôi không phải đi làm thêm” – chị Lê Thùy Giang chia sẻ.

Thậm chí, có những cán bộ phải làm thêm cả những công việc không phải chuyên môn y tế. Đó là trường hợp của bác sĩ Nguyễn Đình Liệu ở khoa chẩn đoán hình ảnh. “Tôi làm hơn chục năm rồi. Vợ còn đi học, nhà đi thuê, con nhỏ. Ngoài giờ làm, tôi đi bán hương và nhang, ngoài ra ai gọi đi xe ôm thì tôi cũng đi để kiếm tiền chứ tôi là trụ cột gia đình, không có tiền thì tiền sữa tiền nhà ai cho. Cầm băng rôn ra ngoài cầu cứu thế này cũng nhục lắm, nhưng Tết dương rồi Tết nguyên đán sắp nơi rồi mà không lương, không thưởng, không tiền thì vợ chồng và con nhỏ biết sống làm sao”.

Theo ghi nhận của PV VOV2, ngày hôm nay, 12/1, tại Bệnh viện Tuệ Tĩnh, các hoạt động tiếp đón, khám và điều trị bệnh nhân vẫn diễn ra bình thường. Tuy nhiên, tâm lý của hơn 153 cán bộ, nhân viên y tế ở đây vẫn chưa ổn định, thậm chí họ rất bức xúc bởi chưa nhận được câu trả lời thỏa đáng từ ban lãnh đạo Bệnh viện.

Với tư cách là tổ trưởng tổ công đoàn, chúng tôi đứng lên đấu tranh tập thể nhưng về cơ bản vẫn chưa giải quyết được gì, chỉ chỉ nhận lời hứa hẹn của các ban, bộ ngành và nội bộ của Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Họ đòi hỏi cán bộ phải đoàn kết, chia sẻ, cùng nhau vượt qua khó khăn nhưng nguồn cơm nuôi sống cán bộ để chúng tôi tiếp tục công việc thì không ai bàn tới và không ai có hướng giải quyết như thế nào” – chị Lê Thanh Bình – Tổ trưởng tổ công đoàn 1 cho biết.

Cũng theo chị Lê Thanh Bình, Bệnh viện Tuệ Tĩnh trực thuộc Học viện Y dược học cổ truyền Việt Nam. Toàn bộ cán bộ nhân viên y tế đều ký hợp đồng lao động với Học viện. Năm 2019, Bệnh viện Tuệ Tĩnh xin tự chủ tài chính nhưng không công khai, lấy ý kiến cán bộ y bác sĩ ở đây. Điều này đã gây bức xúc trong đội ngũ cán bộ.

Từ khi thành lập, Bệnh viện Tuệ Tĩnh chỉ là một đơn vị thực hành cho sinh viên và các khối bác sĩ thực hành tại bệnh viện để nâng cao tay nghề. Bệnh viện không có chức năng kiếm tiền. Chính vì điều đó để nói là Bệnh viện Tuệ Tĩnh sống bằng nguồn thu khám chữa bệnh là không thể. Nhưng không hiểu vì lý do gì, Ban lãnh đạo bệnh viện đã tự ý đi xin tự chủ một cách không công khai, không minh bạch. Trong đội ngũ chúng tôi, không ai được hỏi hay bàn về vấn tự chủ- chị Lê Thanh Bình cho biết.

Theo tìm hiểu của PV VOV2, tại cuộc họp đột xuất của cán bộ công nhân viên bệnh viện, có tới 84% số phiếu không đồng ý với chủ trương tự chủ. Tập thể cán bộ bệnh viện cũng đã có văn bản kiến nghị tới lãnh đạo bệnh viện yêu cầu xử lý, nhưng suốt 3 năm qua vẫn không giải quyết được.

Liên quan đến sự việc ở Bệnh viện Tuệ Tĩnh, chiều ngày 12/1, Bộ trưởng Bộ Y tế đã yêu cầu lãnh đạo Học viện Y Dược cổ truyền Việt Nam, lãnh đạo Bệnh viện Tuệ Tĩnh phối hợp ngay với các đơn vị liên quan của Bộ Y tế giải quyết dứt điểm việc nợ lương, đảm bảo quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật và báo cáo về Bộ Y tế trước ngày 20/1/2022.