V.League 2021 bị hủy cũng là lúc Công ty Cổ phần bóng đá Quảng Ninh tuyên bố dừng hoạt động, chủ tịch Phạm Thanh Hùng nộp đơn trả đội bóng về cho UBND tỉnh. Tuy nhiên, chế độ cầu thủ thì chưa biết khi nào giải quyết được. Các cầu thủ của CLB Than Quảng Ninh vừa đồng loạt đăng thông điệp lên mạng xã hội sẽ kiện đội bóng chủ quản do bị nợ lương kéo dài. Tiết lộ Than Quảng Ninh còn nợ mình gần 1 tỷ đồng, đội trưởng Nguyễn Hải Huy cho biết: “Để đến khi mà mình kêu gọi anh em cầu thủ đứng lên để đòi lại quyền lợi của mình thì cũng rất là buồn. Mình thi đấu cho Than Quảng Ninh rất là nhiều năm rồi, nhưng quá giới hạn của anh em rồi, rất là khổ, mình chấp nhận phải viết những dòng đấy”.

Hải Huy lúc này cũng chỉ biết ở nhà phụ giúp nhặt tôm nhặt cá trong công việc kinh doanh hải sản của gia đình. Tiền vệ Hoa Hùng cho biết thời gian tới sẽ đi bán bảo hiểm nhân thọ cùng em trai. Còn Nghiêm Xuân Tú tiết lộ đã nhận được nhiều tin nhắn “nhờ hỗ trợ” từ các cầu thủ trẻ.

“Tôi rất là đồng cảm với các cầu thủ trẻ, lương cũng không được nhiều, trong khi đó giải đấu bị như này thì chắc chắc sẽ bị cắt lương, chuyển nhượng, sẽ còn cắt nhiều thứ nữa, bởi đây là khó khăn chung. Từ giờ đến tháng 2 năm sau hoàn toàn nghỉ ở nhà, chưa kể không biết làm gì, không biết tập luyện ở đâu, khi mà nhiều nơi đang cấm hết, không được ra ngoài đường nếu không cần thiết, ảnh hưởng rất nhiều đến phong độ” - Nghiêm Xuân Tú cho biết.

Rõ ràng, việc “đóng băng” các hoạt động bóng đá từ tháng 5 vừa qua cho đến tận đầu năm sau như dự kiến, đang khiến giới cầu thủ khó khăn trăm đường. “Với VĐV sống nhờ tiền lương, không có những hợp đồng quảng cáo thì đây là vấn đề ảnh hưởng không nhỏ, chúng tôi sẽ về nhà, vừa tự tập để duy trì phong độ, vừa nghe ngóng thông tin từ CLB. Trong thời gian đấy thì chúng tôi có thể nghĩ đến công việc tạm thời để kiếm thêm thu nhập” - Tiền vệ Đặng Văn Trâm của CLB Topenland Bình Định, bày tỏ.

Đồng đội của Văn Trâm ở đội bóng đất Võ là tiền đạo Nguyễn Xuân Nam đang thu hút nhiều sự chú ý. Chân sút từng thi đấu ở giải VĐQG Lào vừa được triệu tập bổ sung lên đội tuyển Việt Nam, thậm chí còn ghi bàn trong trận đấu tập mang tính “tổng duyệt” với đội U22. Nhưng đáng nói là ngay trước khi lên tuyển, Xuân Nam gây sốt trên mạng xã hội khi chia sẻ hình ảnh cùng bố đi thu mua phế liệu ở quê nhà Hải Dương, đồng thời tiết lộ mỗi ngày được trả công 200.000 đồng.

Dòng trạng thái của Xuân Nam mang đến một câu chuyện vui, nhưng đúng là nếu thời gian dài không có bóng đá, rất đông các cầu thủ chuyên nghiệp buộc phải tìm cho mình công việc khác. Khổ nỗi, hầu hết cầu thủ ngoài đá bóng gần như chẳng biết làm gì.

Dưới góc nhìn của khán giả, bóng đá đơn thuần là một loại hình giải trí. Nhưng trái bóng lăn mang đến sinh kế cho các HLV, cầu thủ chuyên nghiệp, nhân viên đội bóng… Nếu không có bóng đá, cuộc sống của họ sẽ ra sao. Số ít các ngôi sao biết tích lũy tài sản có thể yên tâm, phần đông còn lại sẽ đối diện cảnh túng quẫn. Cựu tuyển thủ Vũ Như Thành nêu quan điểm: “Trong mùa dịch bệnh này thì thực sự cuộc sống của anh em cầu thủ gặp rất nhiều khó khăn, như chúng ta biết thì không phải cầu thủ nào cũng có bản hợp đồng vài năm, có những bạn chỉ ký một năm, sau một mùa giải thì các bạn đấy lại phải đi tìm CLB mới. Và trong quá trình đi kiềm CLB mới thì phải kiếm công việc phụ để có thu nhập duy trì cuộc sống. Thực ra thì không phải cầu thủ nào cũng được trang bị đầy đủ kỹ năng trong cuộc sóng, vì thế tôi nghĩ là anh em cầu thủ nên biết tích góp, đầu tư những khoản tiền của mình theo cách hữu ích nhất cho cuộc sống của mình sau này”.

Dù V.League đã gắn danh chuyên nghiệp, song giới cầu thủ cho tới CLB vẫn còn “nghiệp dư” nên đầy bị động trước cú sốc lớn. Covid-19 gây ra thách thức, song phần nào đó cũng là thước đo cho tính chỉn chu của nền bóng đá.