Các CLB bóng đá châu Âu đang xem xét các quy định mới: Cấm các đội bóng dự Champions League mua/bán cầu thủ của nhau.

Ý tưởng bất ngờ đặc sắc này được đưa ra bởi Andrea Agnelli, Chủ tịch Hiệp hội các CLB châu Âu (ECA), sau Hội nghị thành viên lần thứ 25 của tổ chức này.

Agnelli, cũng là Chủ tịch của Juventus, cho biết kế hoạch này có thể giúp tạo ra sự cân bằng cạnh tranh hơn trong bóng đá châu Âu.

Trả lời câu hỏi sau cuộc họp ECA từ một nhà báo người Đức về giới hạn tiền lương, Agnelli nói về việc tìm ra những cách thay thế để đảm bảo cuộc chơi công bằng tài chính trong bóng đá.

“Các CLB đủ điều kiện đến các hạng cụ thể [ở trong nước] để tham dự các giải đấu quốc tế sẽ không được phép mua cầu thủ của nhau”, Agnelli cho biết.

“Điều đó sẽ cải thiện tình đoàn kết gián tiếp đối với các CLB khác. Vì vậy, không có con số chuyển nhượng khổng lồ [gấp ba lần] giữa các CLB tham dự Champions League. Đây là những yếu tố chúng tôi đang thảo luận”.

Nếu một lệnh cấm được đưa ra trong tương lai, nó sẽ ngăn cản một số vụ chuyển nhượng kỷ lục thế giới có thể xảy ra trong tương lai gần, liên quan tới các tài năng trẻ như Kylian Mbappe, Erling Haaland hay Jadon Sancho.

Một vị Chủ tịch CLB thành viên của ECA bày tỏ: “Nếu điều này tồn tại trước đây, sẽ không việc Neymar chuyển từ Barcelona sang Paris Saint-Germain [với giá 198 triệu bảng] vào năm 2017, hoặc Kylian Mbappe chuyển từ Monaco sang PSG [với giá 165 triệu bảng] một năm sau đó, sau thời gian cho mượn tại Parc des Princes”.

Các vụ chuyển nhượng khác có thể cũng đã bị ngăn chặn xảy ra, theo quy định này, bao gồm vụ chuyển nhượng năm 2016 của Paul Pogba từ Juventus sang Manchester United với giá 89 triệu bảng, và vụ chuyển nhượng năm 2019 của Antoine Griezmann từ Atletico Madrid sang Barcelona với giá 108 triệu bảng.

Nhu cầu duy trì sự cân bằng cạnh tranh trong bóng đá châu Âu đã được tập trung vào các cuộc đàm phán, liên quan tới một Champions League mở rộng ở giai đoạn nâng cao, cũng như các đề xuất mới cho một siêu giải vô địch châu Âu xuất hiện vào năm ngoái.

Nhiều lời chỉ trích đã được đưa ra về thực tế là các CLB lớn nhất châu Âu đang trở nên giàu có hơn, và khoảng cách giữa họ với phần còn lại về năng lực chi tiêu và khả năng thu hút tài năng hàng đầu ngày càng mạnh mẽ.

Đề xuất mở rộng Champions League từ 32 lên 36 đội, dưới cái gọi là “mô hình Thụy Sĩ” với 10 trận trong vòng bảng, quyền tham dự nghiễm nhiên cho một số CLB lớn nhất…, đã làm dấy lên lo ngại về khoảng cách ngày càng lớn hơn giữa các đội bóng.

Đại diện các Liên đoàn châu Âu, một tổ chức bao gồm 5 giải hàng đầu châu Âu (Anh, Pháp, Italia, Đức và Tây Ban Nha) và các giải VĐQG châu Âu khác, đã gợi ý rằng một giải siêu Champions League có thể tăng thêm 100 trận đấu, sẽ tạo ra nhiều tiền hơn so với mô hình hiện tại, nhưng lại ảnh hưởng tiêu cực tới doanh thu phát sóng từ giải đấu trong nước.

Các Liên đoàn bóng đá châu Âu cũng lo sợ rằng kết quả là những CLB thường xuyên góp mặt ở Champions League sẽ ngày càng giàu có hơn và trở nên không thể chạm tới.

Ý tưởng “cấm chuyển nhượng qua lại giữa các CLB dự Champions League”, được Agnelli đưa ra, có nghĩa là các CLB lớn nhất sẽ phải tìm kiếm tài năng từ các cấp độ thấp hơn, do đó, sức mạnh tài chính và năng lực chi tiêu sẽ không ảnh hưởng trực tiếp tới các đối thủ cạnh tranh với đội bóng tại Champions League.

Đó không phải là ý tưởng duy nhất đang được xem xét.

Agnelli cho biết cuộc khủng hoảng Covid đã đặt các CLB dưới áp lực tài chính và việc xem xét các cách sáng tạo để thực hiện kiểm soát chi phí là rất quan trọng.

Trong khi đó, Agnelli nói rằng thỏa thuận về Champions League được cải tổ sắp xảy ra.

Ông tiết lộ rằng điểm mấu chốt cuối cùng là cách phân bổ 4 suất phụ trong cuộc đấu, dự kiến ​​sẽ tăng từ 32 lên 36 đội từ năm 2024.

Cuộc tranh luận là liệu những vị trí đó có nên dành cho nhà vô địch hay không, hay liệu chúng có nên được phân bổ theo bảng xếp hạng của UEFA dựa trên thành tích trong quá khứ hay không.

Agnelli nói với các nhà báo hôm thứ Hai, sau Hội nghị ECA lần thứ 25, rằng cá nhân ông hy vọng mọi thứ sẽ được hoàn thành trong vài tuần tới.

“Có những chi tiết phải được giải quyết - một trong số đó là quyền tham dự vào giải đấu. Tôi sẽ nói rằng trong một vài tuần, nó sẽ được sắp xếp khá nhiều”, Agnelli tiết lộ.

Agnelli cho biết trọng tâm kế hoạch là đạt được thỏa thuận về Champions League mới và không tham gia vào các cuộc thảo luận về giải European Super League, vốn có thể gây tranh cãi lớn hơn.

European Super League trị giá 4,6 tỷ bảng, được cho là do các CLB lớn nhất châu Âu, bao gồm Real Madrid, AC Milan và Manchester United, thúc đẩy sẽ tạo ra một giải đấu gồm tới 20 câu lạc bộ, với 15 thành viên sáng lập được đảm bảo quyền nghiễm nhiên có mặt hàng năm.

Trước đó, Tổng thư ký UEFA Giorgio Marchetti, đã phát biểu khai mạc Hội nghị ECA lần thứ 25 bằng ý tưởng về một Super League.

“Chúng tôi nhận ra rằng sự thống nhất có thể dễ dàng bị tiêu tan khi những ý tưởng quỷ quyệt được theo đuổi với lý do nhu cầu sinh tồn, tăng trưởng hoặc kinh doanh”, truyền thông Anh dẫn lời ông Marchetti phát biểu tại Hội nghị.

“Thật không may, phần còn lại của bóng đá, khoảng 99% trong số đó, sẽ không có cơ hội được mời thưởng thức siêu giải vô địch mới này.

“Sống sót sau cơn đau này không chỉ là những biện pháp khắc phục nhanh chóng hay những biện pháp khắc phục hiệu quả phù hợp với những người giàu có nhất và những người có đặc quyền mà là quan tâm đến tất cả mọi người, toàn bộ bóng đá, cả giải vô địch bóng đá lớn và nhỏ, kẻ yếu và kẻ mạnh”.

Ông Marchetti cũng nhấn mạnh: “Những ý tưởng và nỗ lực kết hợp của chúng tôi đã tạo ra sự cải tiến lớn nhất trong các thể thức thi đấu câu lạc bộ trong nhiều thập kỷ.

“Những cải cách sẽ cung cấp sức mạnh mới và sự phấn khích chưa từng có trong tương lai.

“Với dự án mà chúng tôi đang có, giải đấu cấp CLB hàng đầu châu Âu sau năm 2024 sẽ thậm chí còn hấp dẫn hơn và sẵn sàng đối mặt với một bối cảnh mới về NHM [trực tiếp tại SVĐ] và người xem truyền hình”.