Với U23 Việt Nam hiện tại, vượt qua vòng loại là nhiệm vụ đương nhiên, nhất là bảng đấu chỉ có sự góp mặt của những đối thủ bị đánh giá thấp hơn là U23 Đài Bắc Trung Hoa và U23 Myanmar. Đội tuyển được tập trung với số lượng lớn, sàng lọc qua nhiều đợt và có chuyến tập huấn nước ngoài trước khi tham dự vòng loại.

Thắng cả hai trận như mục tiêu đề ra để có ngôi nhất bảng, nhưng lối chơi lại là điều mà các tuyển thủ U23 hiện tại làm người ta phải lo lắng. Những trận đấu chật vật, có cách biệt chỉ 1 bàn không phải là điều người hâm mộ chờ đợi và điều không thể tránh khỏi là sự so sánh với lứa cầu thủ đã làm nên dấu mốc lịch sử ở Thường Châu, Trung Quốc tại VCK 2018.

“Các cầu thủ cũng như BHL chúng tôi đều cảm thấy một chút áp lực. Nhưng thay vì việc chúng ta so sánh lứa cầu thủ trước đây với lứa cầu thủ bây giờ, chúng ta hãy tin tưởng và hãy động viên để các cầu thủ U23 Việt Nam thi đấu đạt kết quả tốt nhất…”. Đó là chia sẻ của HLV Park Hang Seo từ trước khi giải đấu diễn ra. Nhưng trên thực tế, sự so sánh được nhắc đến ngay từ quá trình chuẩn bị của đội, qua những trận đấu giao hữu với Tajikistan, Kyrgyzstan và nhất là sau 2 trận đấu chính thức tại vòng loại U23 châu Á.

Vẫn biết mọi sự so sánh không hoàn toàn chính xác và so sánh sẽ tạo nên những áp lực không cần thiết cho các cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, sự chênh lệch là điều không phải chỉ các chuyên gia mới có thể chỉ ra. Song cũng phải nhìn nhận, lứa cầu thủ U23 hiện nay không có được những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” như các đàn anh từng mang về chức Á quân châu lục.

Tại giải đấu chính thức đầu tiên dẫn dắt các đội tuyển quốc gia, HLV Park Hang Seo đã may mắn có lứa cầu thủ hay nhất trong nhiều năm của bóng đá trẻ Việt Nam. Văn Hậu, Đình Trọng, Văn Thanh, Xuân Trường, Quang Hải, Văn Đức, Công Phượng hay Hà Đức Chinh… là kết quả đào tạo xuất sắc của bóng đá Hà Nội, SLNA, HAGL rồi PVF. Cho đến nay, vẫn không có lứa nào vượt qua về chất lượng chuyên môn.

Về yếu tố kinh nghiệm, điều vẫn thường thiếu nhất của các cầu thủ trẻ, đó lại là thời điểm mà “bầu” Đức mạnh dạn tung quân mới ở lứa tuổi U lên đá V.League, dù chật vật trụ hạng nhiều mùa, nhưng giúp các cầu thủ sớm trưởng thành. Đó cũng là giai đoạn Hà Nội FC đôn quân lên đội hình 1, giúp nhiều gương mặt trở thành trụ cột nơi hàng thủ khi mới 19-20 tuổi…

Lứa U23 Việt Nam hiện tại không có được những điều thuận lợi đó khi được “nhặt” từ nhiều đội bóng, với những gương mặt thậm chí là còn xa lạ, bởi chẳng mấy khi được ra sân đá chính ở V.League hay giải hạng Nhất quốc gia. Hai năm ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, các giải đấu thuộc hệ thống quốc gia liên tục bị hoãn, hủy. Những chuyến tập huấn ở nước ngoài để tăng cơ hội học hỏi và cọ xát với các đối thủ mạnh cũng phải hủy bỏ do ảnh hưởng của dịch bệnh đã lấy đi cơ hội để các cầu thủ trẻ có thể ra sân và tập chay hay đấu nội bộ không đủ để thay thế.

Chính nhà cầm quân người Hàn Quốc thừa nhận, ông cảm thấy có phần thất vọng về trận đấu với U23 Đài Bắc Trung Hoa còn sau trận gặp U23 Myanmar thì trả lời rằng: “Tôi cũng không có nhiều điều để chia sẻ về cảm xúc trong trận đấu ngày hôm nay”. Đương nhiên, cảm giác hoài nghi là điều khó tránh khỏi đối với các CĐV, bởi với người hâm mộ, họ luôn chờ đợi thành công tiếp tục đến với các ĐTQG, nhất là sau những thành công quá lớn của lứa Thường Châu 2018.

Theo HLV Phạm Minh Đức, tài sản quý nhất của các cầu thủ lúc này là thời gian, thứ mà họ cần hơn cả là bệ phóng với những trận đấu thực sự để cọ xát "cái tích cực nhất ở vòng loại này là BHL và các cầu thủ sẽ nhìn lại chính mình để làm tốt hơn nữa ở những giải đấu tiếp theo như Vòng chung kết hay SEA Games. Đây là cơ hội để những người làm bóng đá Việt Nam chuẩn bị kỹ hơn, cho các em thi đấu, giao hữu nhiều hơn với những đội bóng mạnh hơn để các em cải thiện và tiến bộ hơn…”.

Tích lũy kinh nghiệm là yếu tố đòi hỏi thời gian, nhưng với U23 Việt Nam hiện tại, vẫn có nhiều điều phải thay đổi ngay, một trong số đó là phải tránh những va chạm không cần thiết, vẫn được nói vui là bệnh “chân tay miệng”. Tình huống rõ nét nhất là Văn Đạt, với hình ảnh không đẹp ở phút thứ 8 trận đấu với U23 Myanmar, khi cố ý húc vai vào mặt cầu thủ đội bạn. Sự non kinh nghiệm trong xử lý tình huống của Văn Đạt suýt chút nữa khiến U23 Việt Nam gặp rắc rối. Bởi nếu là một thẻ đỏ dành cho Văn Đạt, U23 Việt Nam chơi thiếu người từ phút thứ 8 thì hậu quả sẽ rất lớn.

Đừng quên, chính những cầu thủ đàn anh đang chơi ở ĐTQG cũng đã mắc những sai lầm như vậy tại vòng loại World Cup 2022 khu vực châu Á, khiến tuyển Việt Nam phải nhận hàng loạt quả phạt penalty. Mang thói quen như ở V.League ra đấu trường quốc tế là điều phải tránh, nhất là với các cầu thủ trẻ càng tuyệt đối phải sửa thói quen đó.

Dù là nền bóng đá nào, sau thế hệ đỉnh cao vẫn có những “nốt trầm”, thậm chí mất hàng chục năm để tìm lại vinh quang xưa. U23 Việt Nam sau đỉnh cao Thường Châu 2018 cũng đã phải dừng bước ngay tại vòng bảng của giải đấu 2020. Để tái lập thành tích là điều rất khó, khi chúng ta không thuận lợi ở cả những yếu tố khách quan lẫn chủ quan. Nhiệm vụ của lứa cầu thủ hiện tại cũng rất nặng nề khi chúng ta chỉ còn 6 tháng tính đến SEA Games 31 cho mục tiêu bảo vệ tấm HCV bóng đá nam và chỉ một tháng sau đó là VCK U23 châu Á tại Uzbekistan. Nỗ lực của BHL, quyết tâm của riêng từng cầu thủ vẫn chưa đủ, mà cần sự chung tay từ các CLB, phải đặt niềm tin vào các cầu thủ trẻ, tạo cơ hội cho họ ra sân tại các giải đấu quốc gia vào năm sau, điều đó mới giúp lứa U23 hiện tại trưởng thành, có hành trang bước vào những giải đấu lớn trong tương lai.