Thở phào vì công sức tập luyện không bị bỏ phí, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lại phải vất vả giải bài toán bài toán thể trạng, tâm lý cũng như thiếu hụt lực lượng, để giờ đây có thể gác lại âu lo, tăng tốc đến ngày tranh tài.

Bóng chuyền nữ tại SEA Games 31 quy tụ các VĐV Indonesia, Malaysia, Philippines, nhà vô địch Thái Lan và đương kim Á quân Việt Nam. Năm đội bóng thi đấu theo thể thức đấu vòng tròn tính điểm. Hai đội cao điểm nhất thi đấu Chung kết, còn hai đội đứng thứ 3-4 sẽ tranh HCĐ. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đội Malaysia xem như chỉ có mục tiêu trau dồi kinh nghiệm, ngược lại tuyển Thái Lan với đẳng cấp châu lục vẫn là ứng viên số 1 cho ngôi vô địch, còn ngôi á quân là cuộc tranh chấp giữa 3 đội ngang sức là Philippines, Indonesia cùng chủ nhà Việt Nam.

“Tại SEA Games sắp tới thì em với toàn đội đặt ra mục tiêu là giữ vững huy chương bạc đã giành được ở SEA Games 30” - đối chuyền Hoàng Thị Kiều Trinh cho biết.

Cùng quan điểm, HLV Thái Thanh Tùng nhận định: “Thái Lan vẫn là đội đẳng cấp châu Á và thế giới rồi, đội hình rất nhuyễn, chiến thuật linh hoạt, vẫn là đối thủ cực mạnh ở Đông Nam Á. Trong các kỳ SEA Games gần đây, đặc biệt năm 2019 nổi lên đội Indonesia và Philippines, họ tiến bộ rất mạnh. Chúng ta thắng họ đều với tỷ số 3-2, trong tình thế phải nó là ngàn cân treo sợi tóc, 50-50. Đội Philippines, qua nắm bắt thì tôi thấy VĐV số 1 của họ cũng thi đấu ở Nhật Bản, SEA Games này quay về, sức mạnh của đội Philippines tăng lên. Hy vọng các em chuẩn bị tốt tâm lý để thi đấu trên sân nhà”.

Trong bối cảnh cuộc đua vào chung kết chắc chắn sẽ rất quyết liệt, đội chủ nhà gặp bất lợi đáng kể do không có điều kiện cọ xát với những đội trình độ cao để đột phá về chuyên môn. Chưa hết, đợt hội quân kéo dài hai tháng vừa qua gặp khó khăn vô cùng lớn khi liên tiếp ghi nhận các ca dương tính với Covid-19.

“Khi bị mắc Covid thì bản thân em cũng bị khá nặng, khó thở, nên là mới đầu ra sân để tập luyện thì thầy cũng cho em tập nhẹ nhàng để khôi phục lại phổi của mình. Em sẽ tiếp tục cố gắng” - phụ công Lưu Thị Huệ, một trong nhiều tuyển thủ đang nỗ lực tối đa trong thời kỳ hậu Covid, chia sẻ.

Biến cố Covid khiến đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia lỡ nhịp tập luyện tới cả tháng trời. Để chạy đua với thời gian, đoàn quân của HLV Thái Thanh Tùng là một trong những đội có guồng tập luyện hối hả nhất tại Trung tâm Huấn luyện Thể thao Quốc gia Hà Nội. Để rồi, đến thời điểm này, những âu lo đang dần nhường chỗ cho sự tự tin và hứng khởi.

Và tin vui mới nhất là đội trưởng Trần Thị Thanh Thúy sẽ hội quân vào ngày 10/04, đúng vào giai đoạn rèn kỹ chiến thuật quan trọng. Thanh Thúy vừa trải qua mùa giải thành công cùng CLB Blue Cats khi xếp ở vị trí thứ 8 giải bóng chuyền Nhật Bản, có điều Thanh Thúy được đội bóng Nhật Bản xếp thi đấu ở vị trí phụ công chứ không phải vị trí chủ công sở trường.

“Trần Thanh Thúy là VĐV tốt, năm nay em là trụ cột chính của đội tuyển Việt Nam. Khi Thanh Thúy về thì chắc chắn là các thành viên của đội tuyển cũng sẽ hưng phấn hơn, khí thế sẽ tốt và chúng tôi có điều kiện để hoàn thiện đội hình, để gắn kết và sắp xếp Thúy đúng vị trí sở trường của em. Hy vọng là thời gian tới sẽ gắn kết được các thành viên trong đội tuyển, để chúng tôi củng cố thể lực và hoàn thiện đội hình. Sau một tuần thì chúng tôi đi tập huấn tại Ninh Bình, rồi có thể di chuyển xuống Quảng Ninh sớm để quen sân bãi, chuẩn bị điều kiện tốt nhất” - HLV Thái Thanh Tùng thông báo.

Bóng chuyền nữ Việt Nam chưa có chiến thắng nào trong 8 lần liên tiếp lọt vào Chung kết. Năm nay, mục tiêu vàng có lẽ vẫn nằm ngoài tầm tay, bảo vệ ngôi Á quân là nhiệm vụ không tạo áp lực cho đoàn quân của HLV Thái Thanh Tùng. Nhưng với một đội hình đang trẻ hóa với sự xuất hiện của những tài năng như Thanh Thúy, Thu Hoài hay Lâm Oanh, đương nhiên những người yêu bóng chuyền Việt Nam vẫn có thể hy vọng đội chủ nhà làm được “điều đặc biệt”.