Ở tuổi 45, chị Chu Thị Thu Hà đang làm việc tại Hội Người mù T.P Hà Nội chia sẻ rằng cảm thấy rất vui vì không nghĩ một ngày nào đó lại có thể đứng trên sân khấu để biểu diễn những tiết mục khó như vậy, dù bản thân và các bạn đã có dẫm vào chân nhau, xô vào nhau vẫn nhảy tiếp để hoàn thành trọn vẹn phần thi:

“Mình có tham gia thi 4 nội dung ở 2 thể loại là Latin và Đường phố, cũng rất vui là nội dung nào cũng có huy chương, mình có 2 HCV, 2 HCĐ. Thực ra người khiếm thị chúng mình, bình thường mọi người thấy rằng là người khiếm thị rất là khó để tiếp cận được với cả một bộ môn vừa là thể thao vừa là nghệ thuật như thế này. Thực sự thể thao là điều không chỉ cần thiết cho người khuyết tật, riêng với người khiếm thị thì môn Dance Sport này rất quan trọng, thực sự là thiết thực. Bởi vì là ngoài việc tập luyện để có sức khỏe tốt thì những vòng xoay của Dance Sport giúp cho người khiếm thị có khả năng trong việc định hướng di chuyển, rất là quan trọng, thế thì chính Dance Sport này mang lại cho họ điều đó. Mình thấy là qua 3 tháng tập ở đây, cá nhân mình thấy thực sự là hữu ích, mình tự tin hơn rất là nhiều.”

Ông Phan Văn Chức, trọng tài quốc gia, thành viên ban giám khảo cuộc thi, nhận xét rằng khiêu vũ thể thao với những người bình thường đã rất khó rồi, đối với người khiếm thị lại càng khó khăn hơn rất nhiều. Khiêu vũ thể thao có 10 vũ điệu chia thành 2 dòng, thì các bạn khiếm thị thể hiện đủ 10 điệu từ Rumba, Chachacha, Samba, Jive, Pasodoble, Tango… Đó là thành công quá lớn của các vận động viên và họ đã thực sự vượt qua chính mình.

Để những bước chân kia có thể nhịp nhàng đến vậy trên sâu khấu cuộc thi, thì phần công sức không nhỏ thuộc về HLV Tô Văn Hòa – người truyền cảm hứng với bộ môn dancesport tới các học viên.

“Mong muốn lớn nhất của người khiếm thị là được tham gia biểu diễn, để gửi gắm thông điệp ra bên ngoài là họ tham gia thể thao, tập luyện hàng ngày, họ khỏe khoắn, có một tinh thần sảng khoái thì họ sẽ hoàn thành tất cả các công việc cá nhân của họ, cũng như của xã hội giao cho.” – HLV Tô Văn Hòa bày tỏ.

Ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội người mù thành phố Hà Nội - Trưởng Ban tổ chức cuộc thi cho biết, rất mong muốn sẽ được phối hợp với Hội người mù Việt Nam để nhân rộng những hoạt động tương tự trên phạm vi toàn quốc, hướng tới một xã hội không còn khoảng cách.

“Năm 2021 này thì chúng tôi có sự kiện rất là lớn, đó là kỷ niệm 65 năm thực hiện lời Bác dạy: Tàn nhưng không phế. Và đặc biệt trong tháng 4 này, có ngày người khuyết tật Việt Nam 18/04, ngoài ra ngày 17/04 còn là ngày thành lập Hội người mù Việt Nam. Chúng tôi xác định những hoạt động này là hoạt động cao điểm, góp phần giúp người khiếm thị hòa nhập xã hội, khích lệ sự phấn đấu của người khiếm thị trong học tập, chăm lo đời sống cũng như tham gia các hoạt động xã hội khác.” - Ông Lê Trung Quyết, Chủ tịch Hội người mù thành phố Hà Nội nêu rõ.