Đan Mạch có khởi đầu tốt trên sân Wembley, với bàn thắng mở tỷ số của Mikkel Damsgaard - người đầu tiên ghi bàn từ đá phạt trực tiếp ở EURO 2020. Anh sau đó thực hiện cuộc lội ngược dòng, khi Simon Kjaer phản lưới và Harry Kane ghi bàn quyết định trong hiệp phụ. Bước vào cuộc họp báo sau trận đấu, gương mặt HLV Kasper Hjulmand không ánh lên sự giận dữ như người ta mường tượng mà thay vào đó là khuôn mặt có đôi chút thất thần như vẫn chưa thoát ra khỏi cú sốc về tâm lý "Làm sao mà Đan Mạch lại có thể bị loại theo cách tệ hại đến vậy, chúng tôi không đáng phải nhận đoạn kết cay đắng ấy khi mà mọi thứ còn tràn đầy hy vọng cách đây vài phút. Không thể nào! Có nhiều điều chống lại chúng tôi. Quả phạt đền là điều đáng nghi ngờ. Có hai quả bóng trên sân trong suốt trận đấu. Có những thứ đi ngược lại với chúng tôi..."

Đan Mạch đã làm tất cả để tái hiện lịch sử của 29 năm trước, thế nhưng mọi dự định của thầy trò HLV Hjulmand hoàn toàn tan vỡ theo cái chỉ tay vào chấm phạt đền phút 102 của trọng tài Danny Makkelie trong trận bán kết với chủ nhà Anh. Sterling cầm bóng đột phá thẳng vào vòng cấm địa Đan Mạch trước khi Joakim Maehle rồi Mathias Jensen thay nhau ập vào truy cản. Cú sút từ chấm 11 m của Harry Kane không qua nổi đôi tay của thủ thành Kasper Schmeichel nhưng động tác ập vào đá bồi của đội trưởng tuyển Anh đã định đoạt số phận trận đấu.

Quả thổi phạt đền cho Anh ở phút 104 gây tranh cãi lớn. Nhiều ý kiến cho rằng tác động của Joakim Maehle không đủ mạnh, và Raheem Sterling đã cố tình ngã trong vòng cấm. Hơn nữa, trên sân có hai quả bóng khi tiền đạo Anh đột phá vào khu vực cấm địa của Đan Mạch, nhưng trọng tài Makkelie không dừng trận đấu. Tiền vệ Hojbjerg bức xúc. "Tình huống thổi penalty đó thật nhảm nhí, nhưng thật khó để nói gì thêm lúc này. Tôi tự hào với màn trình diễn của Đan Mạch, với những người đã đi trên hành trình này. Tôi rất vui khi có thể chiến đấu cùng các đồng đội tại Euro 2021."

Có thể dư luận sẽ còn nói nhiều về cú vấp ngã được cho là rất "kịch" của Sterling nhưng xét cho cùng, hai hậu vệ thò chân "cắt kéo" tiền đạo đối phương trong vòng cấm thì khó lòng tránh khỏi việc bị thổi phạt đền. Bị dồn ép trên phần sân nhà, thường xuyên có đến 8-9 chiếc áo đỏ che chắn phía trước thủ môn thì sớm hay muộn, cách này hoặc cách khác, họ cầm chắc thất bại, như cách trung vệ Simon Kjaer không chịu nổi áp lực phải phá bóng luôn vào lưới nhà trước đó. HLV Jose Mourinho nhận định: "Đó không phải quả phạt đền. Đội mạnh hơn đã chiến thắng. Anh xứng đáng vào chung kết và thi đấu tuyệt vời. Đan Mạch rất, rất mệt trong hiệp phụ. Các cầu thủ đã chạm đến giới hạn. Còn Anh có dàn cầu thủ chất lượng trên băng ghế dự bị để thay vào sân. Họ thậm chí có thể thi đấu với cường độ cao hơn để áp đảo để dồn ép đối thủ trong hiệp phụ. Nhưng với tôi, đó không thể là phạt đền. Tôi mừng cho đội tuyển Anh . Nhưng với tư cách một người làm trong thế giới bóng đá, tôi thất vọng với quyết định được đưa ra. Tôi muốn chúc mừng HLV Hjulmand và đội tuyển Đan Mạch vì những gì họ làm được. Đội tuyển Đan Mạch đã cống hiến cho ngày hội bóng đá châu Âu những bữa tiệc đầy sắc màu và ngập tràn cảm xúc."

Cựu HLV Arsene Wenger, các huyền thoại Roy Keane hay Gary Neville cũng đưa ra quan điểm thổi phạt đền là không chính xác. Nếu trọng tài Makkelie kỹ lưỡng hơn trong việc tham khảo VAR, cũng như nghiêm khắc trước việc thường xuyên có hai quả bóng trên sân, trận đấu có thể sẽ khác đi rất nhiều. Tất nhiên, điều đó không có nghĩa là Đan Mạch thắng Anh, mà ít nhất những tranh cãi không xuất hiện sau trận đấu.

Những tình tiết đau lòng ấy như nhấn nhá thêm bi kịch của Đan Mạch, đội bóng mà một nửa thế giới tin chắc họ xứng đáng có mặt ở trận chung kết kỳ Euro lần này. Đội bóng Bắc Âu mất cầu thủ xuất sắc nhất Christian Eriksen ngay trận ra quân và thất bại của Đan Mạch trước Phần Lan gần như tất yếu. Họ thua trận tiếp theo trước Bỉ nhưng rồi việc vượt qua đội Nga ở lượt trận cuối vòng bảng khiến cả thế giới lại phải ngây ngất với các chàng trai như bước ra từ những câu chuyện cổ tích Andersen. Thắng Xứ Wales, vượt qua cả "ngựa ô" CH Czech, Đan Mạch trở thành lựa chọn của những CĐV trung lập ở bán kết bởi ai cũng tin kỳ tích được tái hiện.

Nếu có một đội bóng chiếm được tình cảm của người hâm mộ nhiều nhất, đó chắc chắn phải là Đan Mạch. Italy trình diễn thứ bóng đá đẹp nhất, cho đến trước trận bán kết với Tây Ban Nha (hòa 1-1 sau 120 phút, thắng luân lưu 4-2). Nhưng Đan Mạch mới là đội đọng lại nhiều cảm xúc nhất trong lòng người hâm mộ. Không ngôi sao, nhưng Đan Mạch thành công với thứ bóng đá nhiệt tình, sự gắn kết tập thể và chiến thuật hiện đại. Những chú lính chì bằng trái tim quả cảm viết nên câu chuyện kỳ diệu. Họ chiến đấu, tấn công đúng với biệt danh "thùng thuốc nổ".

Cuộc phiêu lưu của những chú lính chì dũng cảm Đan Mạch đã kết thúc từ một quyết định oan nghiệt của trọng tài. Nhưng suy cho cùng, dù không tái lập được kỳ tích như năm 1992, nhưng đội tuyển Đan Mạch mới là những người thắng lớn tại EURO lần này. Người yêu bóng đá nhớ mãi hình ảnh của sự đoàn kết và yêu thương nhau của các tuyển thủ Đan Mạch trong cảm xúc đối với Christian Eriksen, như một sợi dây gắn kết tình đồng đội giữa họ.