Năm 2020 sẽ được thế giới nhớ tới là thời điểm bùng phát đại dịch Covid.

Đó cũng là thời điểm Marcus Rashford thành công trong việc vận động chính phủ Anh giữ chính sách bữa ăn miễn phí ở trường trong thời gian đóng cửa vì COVID-19, đảm bảo trẻ em có nhu cầu sẽ nhận được bữa ăn trong suốt mùa hè.

Anh còn thành lập một đội chống đói nghèo thực phẩm cho trẻ em, liên kết với một số siêu thị và thương hiệu thực phẩm lớn nhất quốc gia, khiến anh trở thành hình tượng quốc dân, nhà vô địch và tiếng nói của thế hệ.

"Cuộc chiến bảo vệ những đứa trẻ dễ bị tổn thương còn lâu mới có thể kết thúc", Rashford chia sẻ. "Tôi mong nhân cơ hội này để kính cẩn thúc giục Thủ tướng hỗ trợ trẻ em bằng cách gia hạn chương trình bữa ăn miễn phí, khi mà chính sách sắp kết thúc còn tình trạng thất nghiệp ngày càng gia tăng".

"Chúng ta hãy cùng nhau để có thể nói rằng, không có trẻ em nào ở Vương quốc Anh phải đi ngủ khi đói".

Nhờ những hành động truyền cảm hứng tích cực trong cộng đồng, xã hội, Rashford đã được trao tặng Huân chương MBE của hoàng gia Anh, giải thưởng Niềm tự hào vương quốc Anh, Nhân vật thể thao hành động tích cực nhất năm, Nhân vật thể thao có ảnh hưởng nhất năm…

Tuy nhiên, tiền đạo 22 tuổi có thể không được trao giải thưởng “Nhân vật thể thao của năm”, sẽ diễn ra vào ngày 20/12 tới.

Thông tin này đang chia rẽ dư luận Anh: một bên ủng hộ Rashford nhận giải thưởng; bên kia là phản đối và đề xuất một danh hiệu khác cho anh.

"Bạn biết không mẹ tôi đã làm tất cả những gì có thể một cách tốt nhất để một mình nuôi 5 anh em chúng tôi. Bà thường đến cửa hàng Pound World, nơi mọi thứ được bán với giá 1 bảng, với một danh sách đồ cần mua trong tuần. Và chúng tôi có 1 hộp sữa chua cho mỗi ngày trong tuần", Rashford giải thích về quyết định vận động chiến dịch cung cấp thực phẩm cho trẻ em nghèo.

"Bà làm tất cả để chúng tôi có thể tập trung cho việc học ở trường. Và bây giờ, nó khiến tôi phát điên lên vì đến 2020 mà những cảnh đời như vậy vẫn còn diễn ra. Nó là điều mà tôi nghĩ rằng không được phép xuất hiện vào thời điểm này".

Đó cũng là lý do những người ủng hộ Rashford cho rằng 2020 mà BBC và Hội đồng thẩm định 12 người vẫn cứng nhắc với tiêu chí ban đầu.

Cần biết rằng 2020 cũng được ghi nhận những sự kiện thể thao quốc tế trọng đại như Olympic Tokyo hay Euro 2020 đã phải hoãn và lùi sang năm 2021.

"Cậu ấy thực sự là người hùng của lũ trẻ", Emma Roberts, hiệu trưởng trường tiểu học Button Lane, nơi Rashford từng theo học, kể lại. Đã có hàng ngàn gia đình thất nghiệp vì Covid-19, có những người bị giảm giờ làm, đi theo đó là việc giảm lương, và hiển nhiên là sẽ có những áp lực tài chính".

"Thế nên, những hành động và lời nói của Marcus có thể là rất nhỏ bé, nhưng lại là niềm hy vọng cho biết bao gia đình, cộng đồng và toàn xã hội".

Việc đưa Rashford vào danh sách đề cử giải thưởng “Nhân vật thể thao của năm” có thể đặt ra một tiền lệ, khiến giải thưởng có xu hướng thiên về những sự nghiệp, hành động nhân văn, thay vì thành tựu thể thao thuần chất.

Và hãy chờ đến khi Rashford giành được cúp Premier League cho MU hay vô địch Euro cùng tuyển Anh – những người phản đối giải thích.

Tuy nhiên, những người ủng hộ anh cũng có thể cho rằng: “Điều đó vô nghĩa trong một năm thể thao quốc tế bị bóp chết bởi Covid”.

"Cơ bản, tôi chỉ hy vọng chính phủ sẽ có thay đổi quyết định về việc hoãn chương trình phát voucher miễn phí thức ăn cho trẻ em", Rashford khẳng định.

"Và tôi hy vọng những nỗ lực của tôi và đồng đội càng nhanh càng tốt có thể giúp những đứa trẻ không còn rơi vào hoàn cảnh như tôi trước kia, bởi các bạn cũng biết, Covid đẩy mọi người trên thế giới vào tình cảnh hoàn toàn khác với trước kia. Hoàn cảnh thay đổi và tôi mong quyết định đó sẽ không làm mọi người gục đổ".