Mục tiêu khó hoàn thành

Từ khi kết thúc SEA Games 30 tại Philippines, hướng đến Tokyo 2020 vào thời điểm sự kiện chưa bị lùi lại 12 tháng, lãnh đạo ngành TDTT đã đề ra kế hoạch giành ít nhất 20 suất chính thức tham dự Thế vận hội.

Mục tiêu và kế hoạch đề ra là có cơ sở thực tiễn, dựa trên chất lượng nhân sự, trạng thái thi đấu, phong độ VĐV và kế hoạch tập huấn phục vụ việc giành vé dự Olympic.

Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát không chỉ làm đảo lộn mọi kế hoạch của ngành TDTT, mà nếp sống, sinh hoạt cả thế giới.

Việc VĐV Việt Nam và nhiều quốc gia khác chỉ có thể tập “chay”, đấu nội bộ, thi tài qua mạng Internet rõ ràng đã ảnh hưởng nhiều tới thành tích tập luyện và thi đấu thực sự.

Đến nay, thể thao Việt Nam mới giành 5 vé chính thức vượt qua vòng loại, gồm: kình ngư Nguyễn Huy Hoàng (đạt 2 chuẩn Olympic cự ly 400m và 1.500m tự do); VĐV thể dục dụng cụ Lê Thanh Tùng và hai VĐV bắn cung Đỗ Thị Ánh Nguyệt và Nguyễn Hoàng Phi Vũ; võ sĩ Nguyễn Văn Đương (boxing).

Và như chính Phó Tổng cục trưởng phụ trách Tổng cục TDTT, Trần Đức Phấn, có lần thừa nhận: “Mục tiêu 20 vé dự Olympic khó thực hiện!”.

Dù vậy, đích đến của thể thao Việt Nam không chỉ là Olympic tại Nhật Bản, mà còn là SEA Games 31 trên quê hương nhà, và xa hơn nữa.

Vậy nên, như lời ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ TTTTC 1, khẳng định: “Ngành thể thao vẫn duy trì kế hoạch đầu tư cho các VĐV trọng điểm. Ngành sẽ lắng nghe tham vấn từ các bộ môn, HLV và chính VĐV để triển khai kế hoạch tập luyện trong nước, song song với việc mời chuyên gia quốc tế trở lại huấn luyện.

“Một khi điều kiện cho phép, ngành sẵn sàng cử các đội tuyển đi tập huấn nước ngoài, không chỉ vì Olympic, mà còn để hướng đến SEA Games 31 và những kế hoạch dài hơi khác”.

Sau khi lùi thời gian tổ chức sự kiện và trải qua những điều chỉnh kế hoạch, Ủy ban Olympic quốc tế và Ban tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo đã xác nhận lịch trình mới của sự kiện, diễn ra trong 17 ngày (từ 23/7 đến 8/8/2021) và Paralympics sẽ diễn ra trong 13 ngày từ 24/8 đến 5/9/2021.

Không chỉ là “ao làng”

Trong trạng thái “bình thường mới” của thế giới hiện tại, việc bàn tính số lượng VĐV tham dự Olympic và thể thao Việt Nam gặt hái được thành tích như tại Rio 2016 thực sự là… quá tầm.

Lúc này, SEA Games 31 đích thực là mục tiêu hợp lý!

Không đơn giản bởi SEA Games từ lâu chỉ là “ao làng” nơi các nước đăng cai tổ chức sự kiện tự do đưa ra chương trình thi đấu sao có lợi cho việc đoàn thể thao nước nhà giành ngôi nhất toàn đoàn dễ dàng nhất.

Với định hướng xuyên suốt, lãnh đạo ngành TDTT đã chủ trương xây dựng một chương trình thi đấu cho SEA Games 31, tại Việt Nam, chiếm đa số là các môn Olympic và Asiad.

Điều đó không chỉ giúp cho sự kiện thể thao quan trọng nhất khu vực này không còn mang tiếng “festival thể thao” và “ai cũng có huy chương” để hể hả; thay vào đó, là nơi để các đoàn thể thao khu vực kiểm tra năng lực trình độ VĐV tương lai, hướng đến Asiad và Olympic sắp tới.

Ông Trần Đức Phấn, Phó TCT phụ trách Tổng cục TDTT, nhấn mạnh: “Toàn bộ các quốc gia đều đánh giá cao chương trình thi đấu tại SEA Games 31”.

“Ngoài sự có mặt khá đầy đủ của các môn thể thao Olympic, Asiad, chúng ta cũng không cắt giảm các nội dung thế mạnh của các nước khác.

“Tôi phải khẳng định, đây là điều chưa từng có trong tiền lệ tổ chức ở nhiều kỳ Đại hội trước.

“SEA Games 31 sẽ là cú hích mang tính lịch sử, nhằm tiệm cận được phong cách tổ chức của hai đại hội thể thao tầm cỡ thế giới và châu lục.

“Và tôi muốn nhấn mạnh thêm, SEA Games 31 được tổ chức với mong muốn là một kỳ SEA Games xanh, sạch, hữu nghị và không có môn thể thao mới”.

Kỳ vọng từ… xã hội hóa

Ngày Thể thao Việt Nam (27/3) năm nay được chào đón bằng một sự kiện thể thao rất đáng chú ý trong cả nước: giải Tiền phong marathon 2021, tổ chức tại Pleiku (Gia Lai), từ ngày 26- 28/3.

Điểm đáng chú ý của giải là sự tham gia đông đảo của gần 5000 VĐV, cả chuyên nghiệp và nghiệp dư; trong đó năm nay, số lượng VĐV nghiệp dư tham dự cự ly marathon – 42,195km – là 976 người, thay vì chỉ vài chục VĐV chuyên nghiệp thi đấu như trước năm 2017.

Sự thay đổi cung cách tổ chức và điều hành này của BTC giải chính là làn gió mới, tiếp thêm lửa năng lượng bùng lên trong cộng đồng chạy bộ nghiệp dư Việt Nam, kéo theo hệ quả là sự xuất hiện rất nhiều giải chạy cộng đồng, do các tổ chức xã hội nghề nghiệp thực hiện, như giải marathon quốc tế Techcombank TPHCM, Long Biên marathon (được BTC giải marathon Boston công nhận tiêu chuẩn quốc tế), Vnexpress marathon Hà Nội Midnight…

Không chỉ còn gói gọn trong bóng đá, các sự kiện thể thao chuyên nghiệp được tổ chức theo hướng xã hội hóa, có sự tham gia của cộng đồng VĐV nghiệp dư mang đến những lợi ích win-win, cho cả nhà tổ chức và VĐV.

Từ đó, các nhà quản lý thể thao, Trưởng bộ môn, HLV đội tuyển có thể nhìn ra hướng tổ chức sự kiện, thi đấu cho VĐV chuyên nghiệp của mình thi đấu, kiểm tra phong độ, đánh giá thành tích.

Không ngạc nhiên khi Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã tính tới phương án thành lập công ty truyền thông, tổ chức thi đấu nhằm huy động nguồn lực tổ chức giải, hỗ trợ VĐV.

Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhung, Tổng Thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam cũng cho biết Liên đoàn sẽ cố gắng tạo nhiều sân chơi hơn cho các xạ thủ Việt Nam.

Đây là việc không khó nếu các Liên đoàn kiên trì định hướng xã hội hóa.