Bước ngoặt của trận đấu giữa Nhật Bản và Tây Ban Nha là tình huống trọng tài Victor Miguel de Freitas Gomes công nhận bàn thắng của Ao Tanaka ở phút 54. Điểm tranh cãi là khoảnh khắc Kaoru Mitoma thực hiện đường chuyền quyết định. Các góc quay truyền hình khiến khán giả nghĩ rằng quả bóng đã đi qua vạch cuối sân.

Dù vậy, sau khi tham khảo VAR cùng tổ tư vấn, trọng tài Gomes quyết định công nhận bàn thắng cho Tanaka và đội tuyển Nhật Bản. Ông xác định quả bóng vẫn chưa hoàn toàn lăn qua đường biên ngang cuối sân. Do đó, pha ghi bàn của cầu thủ Nhật Bản là hợp lệ. Quyết định này của trọng tài Gomes gây ra nhiều tranh cãi.

Trên trang Twitter, nhiều cổ động viên cho rằng VAR chỉ là trò lừa bịp. Xuất hiện bình luận như sau:

"Làm thế nào Nhật Bản được công nhận bàn thắng thứ hai vậy?".

"Tôi nhìn thấy toàn bộ quả bóng ra ngoài".

"Thêm một lần VAR thất bại. Nó giống như trò lừa bịp. Bằng cách nào đó, Nhật Bản đã nhảy lên dẫn đầu bảng".

Trên kênh ITV, các bình luận viên (BLV) cũng tỏ ra rất bất ngờ với tình huống bóng và kết luận từ phía tổ VAR cùng trọng tài chính Gomes. BLV Clive Tyldesley của ITV cho biết: Pha bóng ấy sẽ trở thành một phần trong lịch sử bóng đá Nhật Bản. Tôi cần xem lại để xác thực nó.

Trong ca-bin bình luận của đài ITV cựu danh thủ Liverpool Graeme Souness cũng cho rằng: "Hẳn là 80 triệu người Đức đang phát điên, chờ xem bức ảnh nào cho thấy trái bóng chưa ra khỏi vạch vôi".

Tình huống này gây tranh cãi lớn bởi nếu không được công nhận bàn thắng ở tình huống tranh cãi này, Nhật Bản chưa chắc thắng Tây Ban Nha, và khi đó, với chiến thắng trước Costa Rica, Đức có thể là đội thứ hai đi tiếp ở bảng E, thay vì ra về ngay sau vòng bảng.

Nhưng xin lỗi các CĐV Đức, trọng tài Gomes đã quyết định đúng và Nhật Bản đã giành chiến thắng một cách sòng phẳng trước Tây Ban Nha.

Một bức ảnh của hãng thông tấn AP đã chứng minh rằng trọng tài Gomes không sai, hoặc ít nhất là có cơ sở hợp lý để đưa ra quyết định như vậy. Bức ảnh được chụp bởi một chiếc camera treo ở vị trí thẳng vạch biên cuối sân chiếu lên.

Bức ảnh này cho thấy hình chiếu đứng của quả bóng có thể vẫn còn "dính" một chút trên vạch biên cuối sân. Theo luật, pha bóng này sẽ không được tính là bóng ra ngoài cuộc và các cầu thủ vẫn có thể tiếp tục tình huống chơi bóng hợp lệ.

Ủy ban bóng đá quốc tế (IFAB) đưa định nghĩa về tình huống bóng đã ra ngoài như sau: "Bóng được xác định đã ra ngoài khi đã đi hoàn toàn qua vạch vôi hoặc đường biên dọc ở trên cả mặt đất và trên không".

Cựu trọng tài Premier League Peter Walton phân tích: “Có một quan niệm rất sai lầm là chỉ phần trái bóng nằm dưới mặt cỏ mới được mang ra xem xét. Thực tế hoàn toàn không phải như vậy. Để phân tích tình huống, chúng ta phải tính toàn bộ trái bóng trong không gian ba chiều kia. Đường cong của trái bóng thường khiến người xem có cảm giác nó đã đi hết vạch vôi, nhưng nếu phân tích kỹ thì thực tế chưa chắc đúng với những gì chúng ta vẫn tưởng. Trong trường hợp này, nhiệm vụ của tổ VAR là tìm kiếm bằng chứng chứng minh bóng đã ra hẳn bên ngoài sân hay chưa".

Trên kênh beIN Sports tiếng Anh, cựu trọng tài người Anh Mike Dean cũng nói rằng "bàn thắng của Nhật Bản hợp lệ".

Và để rõ ràng hơn tình huống này, beiN Sports còn làm mô phỏng cho thấy việc Nhật Bản được trọng tài công nhận bàn thắng là đúng. Lý do được giải thích, tuy bóng đã ra ngoài đường biên ngang nhưng vẫn còn một phần rất nhỏ chạm vạch vôi.

Công nghệ goal-line không áp dụng được trong tình huống này vì bóng không nằm trong cầu môn. Nhưng dựa trên hàng chục camera và cảm biến trong trái bóng Al Rihla ở World Cup 2022, ban tổ chức có thể xác định tốt hơn vị trí bóng.

Thực tế chỉ cần Mitoma chậm hơn vài phần trăm giây trong việc tiếp cận bóng, có lẽ niềm vui của Nhật Bản đã thành dang dở.