Với sự tham dự của 4.403 vận động viên từ 161 quốc gia/vùng lãnh thổ cùng đoàn thể thao người tị nạn, Paralympic Tokyo 2020 là kỳ thế vận hội có số vận động viên đông nhất trong lịch sử, trong đó số lượng vận động viên nữ cũng lập kỷ lục là 1.853 người - tăng 10,9% so với kỳ Paralympic trước đó tại Rio de Janeiro (Brazil).

Tại Paralympic lần này, đoàn thể thao Trung Quốc đã giành được tổng cộng 207 huy chương, trong đó có 96 huy chương Vàng, 60 huy chương Bạc và 51 huy chương Đồng, cao hơn rất nhiều so với tất cả các đối thủ còn lại, tiếp tục duy trì vị trí số 1 thế giới trong lĩnh vực thể thao người khuyết tật. Top 5 còn có các đoàn thể thao Anh, Mỹ, Ủy ban Paralympic Nga và Hà Lan.

Paralympic 2020 đã ghi dấu nhiều thành tích ấn tượng. Trong số này, có thể kể tới “kình ngư” Lu Dong (Trung Quốc) phá kỷ lục thế giới với thành tích 37 giây 18 ở nội dung bơi ngửa nữ 50m hạng thương tật S5; VĐV Andrii Trusov (Ukraine) phá kỷ lục thế giới bơi ngửa 100m nam hạng S7 với 1 phút 8 giây 14; kỷ lục thế giới 249,6 điểm của xạ thủ Avani Lekhara (19 tuổi, người Ấn Độ) ở nội dung 10m súng trường hơi nữ hạng R2 SH1; kỷ lục thế giới do VĐV Francisca Mardones Sepulveda (Chile) thiết lập ở nội dung ném bóng nữ hạng F54 với độ xa 8,33m; hay VĐV Dinesh Priyantha (Sri Lanka) lập kỷ lục thế giới mới môn ném lao nam hạng F46 và mang về cho nước này HCV đầu tiên trong lịch sử tham dự Paralympic... Những nỗ lực bền bỉ luôn được đền đáp như việc huyền thoại đua xe đạp Sarah Storey đã trở thành VĐV thành công nhất nước Anh với tấm HCV 17 sau 29 năm “chào sân” Paralympic.

Đoàn Việt Nam có 7 vận động viên tham gia tranh tài tại 15 nội dung thuộc 3 môn thể thao của Paralympic Tokyo, gồm: bơi, cử tạ và điền kinh. Các VĐV đều đã hết sức nỗ lực để có thể vượt qua thành tích của chính mình, trong đó đô cử Lê Văn Công mang về cho thể thao Việt Nam một tấm Huy chương Bạc.

Hành trình tới Paralympic đầy cam go của 2 vận động viên khuyết tật người Afghanistan cũng là một dấu ấn. Họ đã được giải cứu sau một “chiến dịch toàn cầu” trên một chuyến bay bí mật từ Kabul – nơi vừa xảy ra biến động chính trị lớn ngày 15/8. Ủy ban Paralympic quốc tế (IPC) nhấn mạnh sự hiện diện của quốc kỳ Afghanistan trong lễ khai mạc Paralympic 2020 là “thông điệp về tình đoàn kết" của cộng đồng thế giới đối với người dân ở quốc gia Tây Nam Á này và của toàn thế giới với nhau.

Nếu như lễ khai mạc Paralympic 2020 có chủ đề “We Have Wings” (Chúng ta có những đôi cánh), với hàm ý con người có thể tận dụng những sức mạnh tiềm ẩn để vượt qua mọi trở ngại, thì chủ đề của lễ bế mạc được chọn là “Harmonious Cacophony” (Nhạc hòa tấu).

Paralympic Tokyo 2020 được đánh giá không những khơi dậy tinh thần thể thao và tình đoàn kết trong cộng đồng người khuyết tật trên toàn thế giới, mà còn thắp sáng hy vọng cho nhóm đối tượng yếu thế này, thúc đẩy họ vượt qua mọi khó khăn để đạt tới những đỉnh cao mới như ý tưởng xuyên suốt của thế vận hội năm nay là “United by Emotion” (Gắn kết bằng cảm xúc) và “Moving Forward” (Tiến lên phía trước).

Lễ bế mạc được bắt đầu với hoạt cảnh một thành phố thu nhỏ với các tác phẩm điêu khắc mang hình các tòa nhà và công viên, quảng trường và cây cối, được thực hiện bởi những người khuyết tật trên khắp đất nước mặt trời mọc. Dần dần thành phố này đông dần lên, đầu tiên là các tình nguyện viên mặc áo khoác dài sọc tím, sau đó là các vận động viên đại diện cho 161 quốc gia và vùng lãnh thổ cầm quốc kỳ tiến vào lễ đài. Đại diện của các quốc gia đều dán một miếng sticker lên mô hình tháp truyền hình Tokyo để lưu giữ kỷ niệm về một kỳ thế vận hội đặc biệt.

Lễ bế mạc như một bữa tiệc sôi động của âm nhạc và ánh sáng, như lời tuyên bố thế giới đã tìm ra cách vượt qua đại dịch, để tôn vinh tất cả những vận động viên người khuyết tật . Họ đã có một hành trình gian nan tự vượt qua rào cản về sức khỏe, mặc cảm về tâm lý, khó khăn về kinh tế để tự làm chủ cuộc sống của chính mình. Bản thân sự có mặt của họ tại đấu trường thể thao đỉnh cao này đã là một điều kỳ diệu. Nhiều người trong số họ còn làm nên những kỷ lục mới của thế giới.

Phát biểu tại lễ bế mạc bà Seiko Hashimoto chủ tịch UB Olympic và Paralympic Nhật Bản, trưởng ban tổ chức nói: "Đây là điểm kết thúc của hành trình Paralympics Tokyo 2020. Tôi rất tự hào về tất cả mọi người đã tham gia và làm nên thành công của sự kiện này. Chúng tôi vui mừng khi thấy nụ cười của các vận động viên và những huy chương lấp lánh trên ngực của các bạn. Tôi biết các bạn đã gặp nhiều khó khăn trong hành trình để tham dự Thế vận hội cũng như lập lên những ỷ lục cho riêng mình. Các bạn đã truyền tải các thông điệp về sự mạnh mẽ, quyết tâm và là nguồn cảm hứng cho chúng tôi trong những hành trình mới. Một lần nữa, cảm ơn các bạn rất nhiều vì tất cả mọi thứ. Tôi hy vọng rằng Tokyo 2020 sẽ để lại điều gì đó đặc biệt cho tất cả mọi người và điều đó là những kỷ niệm chúng ta mãi không quên."

Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế (IPC) Andrew Parsons bày tỏ: "Đã có nhiều lần chúng tôi nghĩ rằng sự kiện này không thể xảy ra. Có nhiều đêm mất ngủ. Nhưng cuối cùng chúng ta đã ở đây và cùng khép lại ngày hội thể thao này một cách trọn vẹn. Chúng ta đã làm được điều tưởng chừng như không thể. Xin cảm ơn Tokyo, các bạn đã giúp những điều này trở thành hiện thực. Mỗi người chúng ta đều có thể góp phần thay đổi xã hội hàng ngày. Các vận động viên, các bạn là hiện thân tốt đẹp nhất của loài người. Chỉ có các bạn mới chứng minh được mình là ai, chứng minh được sức mạnh, sự dũng cảm của mình. Các màn trình diễn của các bạn không chỉ thay đổi cuộc sống của bạn mà còn cho hơn 1 tỷ người khuyết tật trên thế giới."

Lá cờ Paralympic được hạ xuống và trao lại cho bà Anne Hidalgo, thị trưởng thành phố Paris, nơi sẽ diễn ra Olympic và Paralympic vào năm 2024.

Ngọn đuốc thiêng của thế vận hội vụt tắt trong màn pháo hoa rực rỡ khép lại Paralympic Tokyo 2020 nhưng tinh thần thể thao, ý chí quyết tâm thay đổi, vì cuộc sống của mỗi cá nhân và vì hơn một tỷ người khuyết tật trên toàn thế giới sẽ tiếp tục còn sáng mãi , hẹn gặp lại tại nước Pháp.