Hình ảnh đầy xúc động tại sân New Clark City, Philippines cách đây 2 năm vừa được tái hiện ở sân Mỹ Đình trong ngày 13/12. SEA Games 2019, Hồng Lệ giành HCĐ marathon, song đổ gục sau vạch đích, cần sự chăm sóc y tế và phải có người hỗ trợ mới có thể lên bục nhận huy chương. Còn ở giải VĐQG 2021, trên đường chạy 10.000m, cô gái Bình Định cũng đổ gục sau vạch đích khi phá được kỷ lục quốc gia 34 phút 08 giây 54 của đàn chị Nguyễn Thị Oanh lập năm ngoái, bằng một thông số đáng kinh ngạc: 34 phút 01 giây 59.

“Lúc đó em cảm thấy mình rất là vui vì đã vượt khả nảng của mình, điều này em chỉ ấp ủ trong lòng thôi, vì kỷ lục của chị Oanh năm trước phá thì nó rất tốt rồi. Em sợ mình không vượt qua được, nhưng mà khi em làm được thì rất hạnh phúc” - Hồng Lệ chia sẻ về việc phá sâu kỷ lục tới 7 giây.

Năm ngoái Nguyễn Thị Oanh đã dự nội dung này, phá kỷ lục tồn tại 17 năm, năm nay đến lượt Phạm Thị Hồng Lệ tiếp tục phá kỷ lục của Nguyễn Thị Oanh. Kỷ lục quốc gia 10.000m của bản thân chỉ giữ được đúng 1 năm, nhưng Nguyễn Thị Oanh cũng không có gì phải phiền lòng, bởi chân chạy người Bắc Giang còn sở hữu bảng thành tích ấn tượng hơn Hồng Lệ - người em cùng phòng trên tuyển. Giải năm nay, Nguyễn Thị Oanh rút lui nội dung 10.000m nữ, còn trước đó cô đã giành 3 HCV ở các nội dung 3.000m chướng ngại vật, 1.500m và đặc biệt là phá kỷ lục quốc gia 5.000m nữ tồn tại 18 năm.

“Thực sự thì buối sáng thi 1.500m xong thì sức khỏe của em cũng đã bị ảnh hưởng phần nào, và buổi chiều khi mà bước vào thi thì em phải cố gắng làm sao để có sự phân phối sức hợp lý nhất, phù hơp với thể lực của mình để không bị quá ngợp ở khoảng khắc nào đó trên cả chặng đường. Và cho đến cả những vòng cuối, khi mà em càng lúc càng quyết tâm hơ, đương nhiên là cuộc thi nào thì mình cũng sẽ phải mệt mỏi. Thực sự là ở những vòng cuối, vài trăm mét cuối, em cảm thấy khá là kiệt sức rồi, bản thân mình muốn buông nhưng em đã xóa tan suy nghĩ đấy, và em đã dành tất cả phần sức còn lại để em về đích” - Nguyễn Thị Oanh kể lại.

Đặc biệt, thành tích 15 phút 53 giây 48 cũng chính là kỷ lục mới của Đông Nam Á, vượt qua kỷ lục cũ 15 phút 54 giây 32 của VĐV người Indonesia - Triyanighish lập năm 2007. Như vậy đến hiện nay, cô gái vàng Nguyễn Thị Oanh đang giữ kỷ lục Đông Nam Á ở 2 nội dung: 5.000m và 3.000m chướng ngại vật.

“Nội dung càng dài thì đòi hỏi chuyên môn, thể lực của VĐV càng cao. Dù Nguyễn Thị Oanh không có đối thủ nhưng tham vọng của Oanh là rất lớn, và đấy là điều chúng tôi rất ủng hộ, đó là luôn mong muốn xô đổ, phá vỡ những kỷ lục, kể cả là của mình hay là của đồng đội, hay đàn chị đi trước. Mỗi kỷ lục đều có nhiều ý nghĩa, kỷ lục của Nguyễn Thị Oanh thậm chí phá cả kỷ lục Đông Nam Á, thành tích rất là tốt, có thể tiến tiệm cận thành tích cao châu Á, chúng ta có quyền hy vọng, không phải chỉ SEA Games mà cả Asiad, Oanh cũng có thể làm nên thành tích tốt” - chuyên gia điền kinh Dương Đức Thủy nhận xét.

Nguyễn Thị Oanh đang dần từng bước hướng tới kỳ tích giành 11 HCV tại 7 kỳ SEA Games của Triyanighish, huyền thoại điền kinh người Indonesia từng thống trị các nội dung 5.000m và 10.000m kể từ năm 2007 đến 2015, ngay trước khi Oanh tham dự kỳ SEA Games đầu tiên tại Malaysia năm 2017. Chỉ sau 2 kỳ SEA Games (2017 và 2019), Oanh đã có 5 HCV. Với khả năng như hiện tại, Oanh có thể giành tới 4 HCV ở SEA Games 31 vào năm sau. Xa hơn nữa, cô gái 26 tuổi hoàn toàn có thể đuổi kịp, thậm chí vượt qua thành tích của Triyanighish.

“Thành tích hôm nay, kết quả hôm nay là động lực rất là lớn cho bản thân em, là đòn bẩy để em tiếp tục phát huy, duy trì khả ăng chuyên môn của mình để cố gắng bảo vệ ngôi vô địch ở những cự lỹ tham gia tại SEA Games. Và mong muốn rằng thành tích ở các nội dung thi đấu sẽ được cải thiện nhiều hơn nữa” - Nguyễn Thị Oanh bày tỏ.