Lớn lên trong gia đình có truyền thống võ học của môn phái vovinam tại Khánh Hòa, bởi vậy ngay từ lớp 1 cô bé Mai Thị Kim Thùy đã được làm quen với những đường quyền ngọn cước của môn võ này. Bị các đòn thế đẹp mắt mà hiệu quả của môn võ Việt này hấp dẫn cô xin cậu ruột mình là võ sư Phạm Văn Thanh truyền thụ võ thuật cho mình khi Thùy là nữ sinh lớp 7.

Với tố chất sẵn có của con nhà võ, Thùy nhanh chóng chứng tỏ khả năng và được gọi vào đội tuyển Vovinam Khánh Hòa sau đó ít lâu. Hơn 20 năm gắn bó cùng Vovinam với những nỗ lực không ngừng, nữ võ sĩ tài năng này đã gặt hái bảng vàng thành tích đáng nể, giành nhiều HCV đủ cấp độ từ vô địch quốc gia, khu vực, châu lục và thế giới. Mới nhất là tấm HCV SEA Games 31 trên sân nhà ở nội dung Long hổ quyền nữ. “Tấm huy chương đáng nhớ nhất của em là tấm HCV đầu tiên em giành được, khi em mới tham gia lần đầu tiên vào năm 2001. Huy chương đáng nhớ thứ hai của em đó là HCV SEA Games 31 vừa rồi. Đó cũng là giống như một cái niềm tự hào của em, là niềm từ hào của em và thầy Nguyễn Văn Chiếu. Em rất là nhớ đến thầy, nếu không có thầy Chiếu thì không có một VĐV Kim Thùy của ngày hôm nay”, Kim Thùy tâm sự.

Tất nhiên, để có được những thành tựu rực rỡ đó, Kim Thùy phải trải qua những khó khăn, chông gai mà bản thân cô luôn tự nhủ phải nỗ lực hết sức mình. “Có những giải mà cận kề giải thì vướng chấn thương. Có những giải thi đấu mà tụi em tập luyện gần như là không có thời gian nghỉ ngơi luôn. Ngày tập là 3 buổi đảm bảo thể lực và một buổi tập thời gian rất là dài và cường độ rất là cao. Như SEA Games vừa rồi thì tụi em phải tập liên tục cả năm trời. Tới thời điểm này, những VĐV thi đấu nhiều năm như em đều có những cái chấn thương mà không thể hồi phục nữa. Bản thân mình phải sống với nó cho đến hết đời. Tuy nhiên là đối với bản thân em thì em cảm thấy những gì mình đang có và những gì mình phải trải qua nó đều đáng giá”.

Không chỉ giỏi Vovinam, Kim Thùy còn ý thức được sứ mệnh quảng bá môn thể thao của người Việt đến với bạn bè quốc tế. Những lần tham dự các giải quốc tế, Kim Thùy luôn giao lưu với các võ sĩ nước bạn. Với Kim Thùy, những khi lên biểu diễn ở các sự kiện quảng bá cho Vovinam, cô còn cảm giác hồi hộp hơn cả thi đấu để giành huy chương bởi lẽ với những người lần đầu tìm hiểu môn võ này, cô tự nhủ phải biểu diễn làm sao thật hay, thật đẹp mắt để chinh phục họ giống như cách cô đã bị chinh phục để đến với niềm đam mê Vovinam.

Có lẽ, khi mới đến với Vovinam, Kim Thùy chưa thể biết môn võ Việt này sẽ thay đổi cuộc sống của mình như thế nào. Chỉ khi dấn thân, đam mê, cống hiến và nỗ lực không ngừng, Kim Thùy mới nhận ra Vovinam đã mở ra cho cô một con đường. “Đối với mọi người thì Vovinam chỉ là một môn võ, một môn thể thao, nhưng đối với em Vovinam là cả cuộc đời, và nó là sự nghiệp của em, bây giờ và cả về sau. Từ khi em mới bắt đầu thi đấu, lúc đó em còn học sinh, em đi học, xem nó giống như là thể thao, học để khỏe và thi đấu là để biết thêm. Nhưng mà càng lớn thì mình lại càng cảm thấy là Vovinam giống như là một con đường để mình đi theo và nó có điểm sáng để mình phát triển sự nghiệp”, Võ sỹ Kim Thùy chia sẻ.

Thành công với Vovinam, Mai Thị Kim Thùy càng nhận thức rõ trách nhiệm lan tỏa tinh hoa võ Việt tới nhiều người, nhiều nơi hơn nữa. Ước mơ của cô là có thể gây dựng một Học viện Vovinam để phát triển môn võ này ngày càng lớn mạnh.