Theo đó, từ ngày 15/3, mọi hoạt động du lịch trên phạm vi toàn quốc trở lại bình thường. Du khách quốc tế có thể đến Việt Nam thông qua đường hàng không, đường bộ, đường biển chứ không chỉ riêng đường hàng không như trong thời gian thí điểm.

Về quy định nhập cảnh, du khách từ 12 tuổi đến Việt Nam phải có chứng nhận tiêm đủ liều vaccine Covid-19 hoặc đã khỏi bệnh. Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV2 (trừ trường hợp trẻ em dưới 2 tuổi), với những nước, vùng lãnh thổ có yêu cầu cao hơn thì áp dụng theo quy định của nơi xuất cảnh; khách đi thẳng về nơi lưu trú đã đăng ký và không được tiếp xúc với cộng đồng; xét nghiệm nhanh tại nơi lưu trú, trong vòng 24 giờ sau khi nhập cảnh. Sau khi có kết quả xét nghiệm âm tính âm tính với SARS-CoV2, du khách có thể du lịch tự do, trong trường hợp dương tính thì phải cách ly y tế tại nơi lưu trú hoặc điều trị theo quy định của Bộ Y tế.

Đối với khách nhập cảnh qua đường bộ, đường biển phải có kết quả xét nghiệm nhanh âm tính tại cửa khẩu trước khi nhập cảnh. Khách có triệu chứng hoặc nghi ngờ nhiễm bệnh được xét nghiệm ngay tại cửa khẩu quốc tế. Khách du lịch tự theo dõi sức khỏe trong vòng 14 ngày sau khi nhập cảnh, đảm bảo tuân thủ “Thông điệp 5K” và các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát lây nhiễm và tuân thủ các quy định, hướng dẫn của đơn vị cung ứng dịch vụ du lịch.

Với khách du lịch nội địa, các địa phương có thể tự quyết định việc đón khách và thông báo cho Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch biết. Việc đón và phục vụ khách du lịch sẽ tùy theo từng cấp độ dịch tại địa bàn và phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Ông Nguyễn Trùng Khánh - Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch cho biết, từ nay đến khi mở cửa lại du lịch thời gian còn rất ngắn nhưng có rất nhiều công việc cần phải triển khai. Tuy nhiên, toàn ngành đã sẵn sàng và đang chuẩn bị hoàn tất các điều kiện để đảm bảo tốt nhất cho việc mở cửa hoàn toàn du lịch từ ngày 15/3.

Để làm tốt được việc này, theo ông Nguyễn Trùng Khánh, cần tập trung thực hiện 7 nội dung sau:

1/ Mở cửa phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch. Đây là điều kiện tiên quyết cho sự thành-bại của việc mở cửa.

2/ Khôi phục các chuyến bay thương mại thường lệ.

3/ Cho phép áp dụng lại chính sách thị thực với khách nhập cảnh như thời điểm năm 2019, để nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến.

4/ Hiện Việt Nam đã công nhận “Hộ chiếu vaccine”, giấy chứng nhận tiêm chủng của 79 quốc gia, vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 14 quốc gia công nhận hộ chiếu vaccine của Việt Nam. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn trong việc đưa khách đi du lịch nước ngoài, chỉ khi cân bằng được cung-cầu của khách Inbound và Outbound thì mới giảm chi phí các chuyến bay, giảm giá thành chi phí của các công ty du lịch.

5/ Chuẩn bị các điều kiện về năng lực phục vụ, cơ sở vật chất của ngành.

6 Chuẩn bị kỹ về sản phẩm, các điều kiện khác để nâng cao năng lực cạnh tranh.

7/ Tiếp tục quảng bá chiến dịch "Live Fully In Vietnam" (Sống trọn vẹn tại Việt Nam) và tham gia các hội chợ du lịch quốc tế lớn, đồng thời tập trung quảng bá du lịch Việt Nam tới các thị trường mục tiêu.

Năm nay ngành du lịch phấn đấu đón 65 triệu lượt khách, trong đó có 60 triệu lượt khách du lịch nội địa và 5 triệu lượt khách quốc tế. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 400 nghìn tỷ đồng.