Phát biểu khai mạc tọa đàm, ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Bình Định là địa phương có nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, văn hóa đặc trưng phù hợp cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng… Trong những năm gần đây, thương hiệu du lịch Quy Nhơn, Bình Định đã được đông đảo du khách trong và ngoài nước biết đến.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, từ năm 2020, ngành du lịch bị thiệt hại nghiêm trọng. Trong 10 tháng đầu năm 2021, Bình Định đón 1,2 triệu lượt khách, giảm 36,3%, doanh thu du lịch ước đạt 1.671 tỷ đồng, giảm 39%.

Với ảnh hưởng từ đợt dịch thứ 4, câu chuyện phục hồi du lịch đang đặt ra cho Bình Định nhiều nhiệm vụ cấp thiết. Lộ trình và phương án đón khách được chuẩn bị như thế nào để đảm bảo tối ưu hai tiêu chí “điểm đến an toàn” và “trải nghiệm hấp dẫn”? Những sản phẩm dịch vụ nào sẽ được thiết kế để đáp ứng nhu cầu mới, thị hiếu mới của du khách? Làm thế nào để Bình Định có thể tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh thúc đẩy du lịch Xanh trong thời gian tới?... Đây là bài toán Bình Định cần thực hiện để thích ứng linh hoạt, phù hợp với tình hình mới.

"Các cơ quan, doanh nghiệp... phải cùng thể hiện quyết tâm, cùng nhau trao đổi, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thiết lập mối quan hệ hợp tác trong bối cảnh bình thường mới. Có như vậy mới "biến" Bình Định thành điểm đến an toàn - hấp dẫn, tạo cơ hội cho du lịch không ngừng phát triển trong thời gian tới". Ông Lâm Hải Giang nhấn mạnh.

TS Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội du lịch Đà Nẵng, Chủ tịch HĐQT công ty du lịch Vietnam Travelmart đánh giá Bình Định có đủ điều kiện làm du lịch xanh, nhưng lãnh đạo tỉnh cần tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp vượt qua khó khăn và phát triển. "Các cơ sở dịch vụ, điểm đến, các đơn vị du lịch tỉnh cần nhanh chóng hình thành các gói sản phẩm, đưa ra những sản phẩm đặc sắc để phục vụ du khách. Với mỗi luồng khách cần có hệ sinh thái khác nhau để các công ty lữ hành dễ dàng triển khai, khai thác thế mạnh của mình".

Ở góc độ doanh nghiệp, bà Bùi Hải Huyền, Thành viên HĐQT, TGĐ Tập đoàn FLC đề xuất: Bình Định cần sớm được phê duyệt công nhận là điểm đến xanh càng sớm càng tốt, trước tháng 1/2022. Cùng với đó, tỉnh cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác với các địa phương lân cận để hấp dẫn du khách, theo đúng tiêu chí thông điệp "một điểm đến nhiều trải nghiệm". Đồng thời nhanh chóng đưa ra các hướng dẫn chi tiết cho các đơn vị cung cấp dịch vụ tại địa phương, du khách, người dân để Bình Định trở thành điểm đến mới, thu hút du khách sau đại dịch.

Ông Trần Văn Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Bình Định chia sẻ, dù hiện tại là giai đoạn thấp điểm nhưng Bình Định mong muốn trong thời gian mới mở cửa du lịch trở lại, sẽ đón khách du lịch nội địa và đặc biệt, phát triển các loại hình tổ chức hội nghị, hội thảo... có thể đón khách vào Tết cổ truyền dân tộc với hình thức du lịch nghỉ dưỡng: "Hướng đi sắp tới của Bình Định là đón khách theo tour, du lịch trọn gói bởi điều kiện đón khách lẻ không đảm bảo an toàn". Ông Thanh nhấn mạnh.

Hiện tại, tỉnh cũng ban hành tạm thời bộ tiêu chí phòng, chống dịch Covid-19 với các cơ sở kinh doanh du lịch để đảm bảo thực hiện tốt Nghị quyết 128 của Chính phủ. Bộ tiêu chí này quy định rõ về sự an toàn đối với các cơ sở lưu trú, điểm tham quan du lịch... đặc biệt là du khách đến với Bình Định.

Về sự chuẩn bị của doanh nghiệp du lịch cho việc khôi phục hoạt động du lịch, ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó Tổng giám đốc thường trực Bamboo Airways cho rằng: "Việt Nam có 5 địa phương được thí điểm đón khách quốc tế, cạnh tranh điểm đến là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Nếu Bình Định được góp phần vào việc cạnh tranh điểm đến sẽ là cơ hội phát triển tốt cho ngành. Để làm được điều đó cần sự hỗ trợ của Chính phủ, bên cạnh sự nỗ lực của địa phương và doanh nghiệp".

Ông Nguyễn Trùng Khánh, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam đề nghị tỉnh Bình Định triển khai thật tốt việc "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19"; Tăng cường liên kết, phối hợp chặt chẽ trong phục hồi du lịch, trong đó có sự liên kết giữa các sở ban ngành trong tỉnh, giữa Bình Định với các địa phương khác, đảm bảo hài hòa về quy định đi lại giữa các địa phương nhằm tạo điều kiện trao đổi khách an toàn, hiệu quả; Tận dụng lợi thế về tài nguyên thiên nhiên, chú trọng nâng cao chất lượng các loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển, sinh thái, du lịch văn hoá để mang lại trải nghiệm hấp dẫn cho du khách sau thời gian dài bị tác động bởi Covid-19.

Tại buổi toạ đàm cũng đã diễn ra lễ ký kết thoả thuận hợp tác chiến lược thúc đẩy phát triển du lịch Bình Định giữa Sở du lịch Bình Định và Sở du lịch Hà Nội; giữa Sở Du lịch Bình Định với các Công ty Dịch vụ và Du lịch của Tập đoàn FLC.