Sau một thời gian dài gần như bị đóng băng do đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam đã mở cửa trở lại. Và du lịch mùa hè 2022 được xem là cơ hội “vàng” cho ngành du lịch phục hồi và bứt tốc. Để kích cầu và cũng để đáp ứng nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng của người dân tăng cao khi mùa hè đến, nhiều công ty du lịch đã tung ra các tour giá rẻ, kèm theo đó là những lời chào mời hấp dẫn về điểm đến cũng như các dịch vụ kèm theo. Chính điều này đã đánh vào tâm lý người tiêu dùng, giúp cho thị trường du lịch nội địa trở nên “nóng” hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, bên cạnh đó xuất hiện tình trạng các tour du lịch ảo hoặc “treo đầu dê bán thịt chó” với giá rẻ nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng.

Hiện nay, việc tìm mua tour thông qua các trang mạng xã hội đã không còn là câu chuyện quá xa lạ. Chỉ cần gõ: tour du lịch giá rẻ, combo du lịch trên Google sẽ cho ra rất nhiều kết quả. Và trên các mạng xã hội, không khó để tìm thấy những cộng đồng bán voucher, combo du lịch giá rẻ. Để thu hút người mua, các đơn vị còn tung ra các gói khuyến mại như sử dụng bể bơi, miễn phí bữa ăn sáng, hỗ trợ xe đưa đón tận sân bay... Tuy nhiên, nhiều tour du lịch có cùng quy mô, địa điểm nhưng mức giá lại chênh lệch từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đồng khiến nhiều khách hàng như rơi vào ma trận. Và thực tế, nhiều du khách khi chọn tour du lịch giá rẻ đã nếm "quả đắng" vì chất lượng không như quảng cáo ban đầu.

Là người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực du lịch, ông Nguyễn Công Hoan, Trưởng ban truyền thông Hiệp hội Du lịch, TGĐ Flamingo Redtours cho biết: Không ít kẻ gian đã lợi dụng tâm lý ham rẻ và cả tin, thậm chí là thiếu kinh nghiệm của người dân để tiến hành những hành vi lừa đảo thông qua hình thức mua bán tour hay các dịch vụ du lịch trên mạng xã hội nhằm trục lợi từ khách hàng. Các đối tượng này dùng nhiều hình thức khác nhau để tạo niềm tin cho khách hàng. Chẳng hạn trên Facebook, họ đặt tên gần giống với các công ty du lịch lớn, thậm chí giao diện cũng giống luôn để đánh lừa sự mất cảnh giác của người tiêu dùng, khiến người tiêu dùng tưởng mình đang giao dịch với hãng lữ hành có uy tín. Họ cũng đưa ra nhiều ưu đãi hấp dẫn, giá rẻ để thu hút du khách nhưng trên thực tế lại hoàn toàn không có các dịch vụ đó, nếu có thì khách phải trả thêm chi phí. Thậm chí, để tạo niềm tin cho khách hàng, chúng sẵn sàng cung cấp hình ảnh chứng minh thư, địa chỉ công ty… nhưng đa phần đều là giả hoặc mượn của người khác để lừa khách hàng.

Cũng theo ông Nguyễn Công Hoan, để tránh bị thiệt hại về kinh tế và ảnh hưởng đến kế hoạch du lịch của gia đình và bản thân, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ thông tin về công ty cung cấp dịch vụ du lịch, các chương trình khuyến mãi trước khi lựa chọn sản phẩm. Nên chọn dịch vụ của những công ty uy tín để tránh bị lừa đảo và có đầu mối để phản ánh, khiếu nại khi có vấn đề. Đặc biệt, cần cân nhắc việc đơn vị du lịch đề nghị chuyển tiền để giữ chỗ bởi về nguyên tắc, đây chưa phải là khoản tiền xác nhận cung cấp dịch vụ mà chỉ là khoản đặt cọc để đơn vị du lịch kiểm tra tình trạng gói du lịch.

Bên cạnh đó, cần tìm hiểu kỹ lịch trình của gói tour du lịch. Trước khi đăng ký, cần yêu cầu công ty cung cấp chi tiết các nội dung liên quan như thời gian, các địa điểm tham quan cụ thể, phương tiện di chuyển, khách sạn, tiêu chuẩn bữa ăn, bảo hiểm du lịch… Ngoài ra, cần nắm rõ chi phí nằm trong gói du lịch và các loại phí có thể phát sinh. Đồng thời, tìm hiểu và tham khảo ý kiến nhận xét của người từng sử dụng dịch vụ trên các diễn đàn, trang mạng xã hội để có đánh giá thực tế và chính xác trước khi quyết định lựa chọn sử dụng dịch vụ.

Mời nghe âm thanh tại đây: