Được thành lập từ ngày 15 tháng 8 năm 2020, khi đó Xẩm Tâm Việt mới chỉ có 5-6 người trong mái ấm Đông Đô- nơi quy tụ những người khiếm thị tham gia. Nhưng nay đã thu hút sự góp mặt của gần 20 thành viên. Với sự giúp đỡ và hướng dẫn tận tình của nghệ nhân Đào Bạch Linh cùng nỗ lực cố gắng của các thành viên, câu lạc bộ hoạt động ngày càng phát triển, với lịch biểu diễn thường xuyên vào cuối tuần tại đình Kim Ngân (phố Hàng Bạc) và phố cổ Hà Nội.

"Tất cả bắt đầu từ con số không, đàn không rồi thì mọi người đều chưa có khái niệm gì, nhất là đối với người khiếm thị thì lại càng khó. Điều đầu tiên là niềm đam mê của từng thành viên và được sự động viên của nghệ nhân Đào Bạch Linh, hiện nay CLB có đủ khả năng để đi biểu diễn phục vụ trước tiên cho những người khiếm thị. Sau đó góp một phần nhỏ bé của mình để đưa hát xẩm đến gần hơn nữa với công chúng", ông Trần Văn Hoan, Chủ nhiệm CLB xẩm Tâm Việt chia sẻ.

Theo lịch sử được truyền lại trong làng Xẩm, thì tổ Xẩm là một vị hoàng tử bị khiếm thị. Bởi vậy, mà mặc nhiên đã từ lâu, hát Xẩm vốn được coi là một nghề, một môn nghệ thuật gắn với cuộc sống của người mù. Tiếc thay, do một vài nhận thức chưa đúng của giai đoạn phát triển xã hội sau những năm 1954 và một số nguyên nhân, bối cảnh lịch sử, mà hát Xẩm đã dần bị mai một.

Vào khoảng những năm cuối thập niên 80, nhạc sĩ, NSƯT Thao Giang, cùng một số NSƯT Văn Ty, NSƯT Xuân Hoạch, đã thành lập nên Trung tâm Văn hóa dân gian, cùng với cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, đã dần từng bước đưa hát Xẩm trở lại với đời sống văn hóa, âm nhạc cả nước.

Ông Nguyễn Đức Thiện, Phó Chủ nhiệm CLB Xẩm Tâm Việt cho biết: "Tiếp nối ngay sau đó, là hàng loạt chiếu Xẩm được hình thành. Tiêu biểu như Chiếu Xẩm Hải Phòng của Nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh, người đang lưu giữ nhiều làn điệu Xẩm cổ ở Việt Nam. Khoảng năm 2020, trước mong muốn và nguyện vọng của anh em khiếm thị yêu hát Xẩm, được sự giúp đỡ của ông Trần Bình Minh, chủ nhiệm Mái Ấm Đông Đô và thầy Đào Bạch Linh người trực tiếp giảng dạy lớp hát Xẩm của người khiếm thị, ngày 15/08/2020, Chiếu Xẩm Tâm Việt, chính thức được thành lập".

Chiếu Xẩm Tâm Việt ra đời trong bối cảnh nhà nước, cộng đồng có nhiều quan tâm đến hát Xẩm. Các tiết mục hát Xẩm đã được biểu diễn trong nhiều chương trình lớn. Có nhiều cuộc thi, nhiều sân khấu biểu diễn, được tổ chức, nhằm khuyến khích những người yêu hát Xẩm. Tuy vậy, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 phức tạp, việc duy trì hoạt động của chiếu Xẩm gặp rất nhiều khó khăn. Hoạt động biểu diễn ở đình Kim Ngân triển khai từ ngày 20/12/2020, song đã phải tạm dừng ngay sau đó. Việc luyện hát, tập đàn, chủ yếu dựa vào sự tự giác rèn luyện và say mê nghề của các thành viên…

Ông Trần Bình Minh, Giám đốc Công ty Cổ phần Nhân đạo Sáng Tâm Việt, đơn vị thành lập ra CLB xẩm Tâm Việt cho biết: Để có được ngày hôm nay là sự cố gắng của tất cả mọi người trong CLB, đã xây dựng các chương trình biểu diễn nghệ thuật cống hiến phục vụ cho khán giả yêu nghệ thuật hát xẩm vào các tối thứ Sáu và Chủ nhật hàng tuần tại đình Kim Ngân. Hy vọng, những người đã từng đến để có thể quay lại và thưởng thức thêm những tiết mục mới của Xẩm.

Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch TƯ Hội người mù Việt Nam cho biết: CLB xẩm Tâm Việt ra đời đã giúp cho những người khiếm thị Hà Nội yêu hát Xẩm trau dồi câu hát, điệu đàn, cùng nhau xây dựng và phát triển chiếu Xẩm nói riêng và nghệ thuật hát Xẩm nói chung. Từ đây, tình yêu hát Xẩm được lan truyền tới cả những người bình thường, để chiếu Xẩm đón nhận thêm những thành viên không phải người khiếm thị.

Với những cố gắng không ngừng đó, các thành viên Chiếu Xẩm Tâm Việt đã về dâng hương, biểu diễn trong lễ giỗ tổ nghề hát Xẩm theo lời mời của Chiếu Xẩm Hải Phòng, về thắp nhang trong lễ giỗ cố nghệ nhân Hà Thị Cầu (người lưu giữ nhiều làn điệu hát Xẩm cổ). Thực hiện quay clip tư liệu, làm tài liệu giảng dạy và quảng bá hát Xẩm đưa lên trang facebook của chiếu Xẩm. Ngoài ra, các thành viên Chiếu Xẩm còn chủ động dàn dựng tiết mục, tham gia nhiều cuộc thi và chương trình biểu diễn do Hội người mù tổ chức.

Vào tháng 4 năm 2022, sau khi thành phố quyết định đưa cuộc sống về trạng thái bình thường mới, Ban quản lý đình Kim Ngân đã cho phép chiếu Xẩm được hoạt động trở lại.

Nghệ nhân Đào Bạch Linh cho rằng: tinh thần, quyết tâm của các thành viên chiếu xẩm Tâm Việt đã đóng góp vào việc bảo tồn và phát triển hát Xẩm, để hát Xẩm lại có cơ hội trở thành nghề đặc thù của người khiếm thị, góp thêm hệ thống nghề nghiệp vốn đã không có nhiều lựa chọn của người khiếm thị trong đời sống.

Đầu năm 2022, hát Xẩm được công nhận là di sản văn hoá phi vật thể quốc gia. Từ thành công đó, Câu lạc bộ hát Xẩm Tâm Việt đã và đang có nhiều hoạt động đào tạo, biểu diễn, góp phần cùng cộng đồng bảo tồn, quảng bá và phát huy để hát xẩm sớm được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Có câu "đông tay mới vỗ nên kêu", tin tưởng với những nỗ lực của CLB xẩm Tâm Việt nói riêng và xẩm Việt Nam nói chung và sự giúp đỡ của cộng đồng, một ngày nào đó nghề xẩm sẽ lại là một nghề đặc trưng của những người khiếm thị Việt Nam. Và câu hát Xẩm sẽ lại làm vui, làm đẹp cho cuộc sống người dân Việt Nam mỗi ngày, góp một chút sức vào công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Mời nghe âm thanh tại đây: