Sự kiện xã Hùng Lô tổ chức Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia và Điểm du lịch văn hóa cộng đồng Hùng Lô có ý nghĩa rất quan trọng trong thời điểm tỉnh Phú Thọ tổ chức các hoạt động Giỗ tổ Hùng vương – Lễ hội Đền Hùng năm Nhâm Dần 2022. Đồng thời cũng là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Phú Thọ và của thành phố đối với sự quyết tâm, cố gắng của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã nhà trong việc giữ gìn, bảo tồn Lễ hội truyền thống.

Hùng Lô xưa có tên gọi là Khả Lãm Trang, sau đổi thành làng An Lão. Theo thần tích của làng, tên An Lão có từ khoảng năm 1572. Trong suốt thế kỷ 17, 18 và 19 vẫn gọi là An Lão xã. Đến năm 1947 sát nhập An Lão, Kim Đức, Vĩnh Phú gọi là xã Hùng Lô, về sau chia tách thành 3 xã, riêng An Lão vẫn lấy tên xã là Hùng Lô. Hùng Lô hay còn gọi là Kẻ Xốm, làng Xốm.

Xã Hùng Lô thuộc thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nằm cách Đền Hùng khoảng 9km về hướng Đông có diện tích trên 2km2. Phía Đông giáp sông Lô, phía Tây giáp xã Kim Đức, phía Nam giáp xã Phượng Lâu (thành phố Việt Trì), phía Bắc giáp xã Bình Phú (huyện Phù Ninh).

Hàng năm, lễ hội làng Xốm, xã Hùng Lô tổ chức 2 lần vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương 10/3 và lễ tiệc Thánh hóa vào ngày 12/9 Âm lịch. Nhưng lớn nhất vẫn là lễ rước kiệu, dâng lễ vật về Đền Hùng vào ngày Giỗ Tổ.

Lễ hội đền Hùng Lô có một ý nghĩa rất lớn đối với đời sống tinh thần của nhân dân xã Hùng Lô nói riêng và người dân thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ nói chung. Đối với người dân xã Hùng Lô, lễ hội đền Hùng Lô như là một món ăn tinh thần không thể thiếu trong đời sống của cộng đồng cư dân nơi đây. Với những hoạt động văn hóa, tín ngưỡng độc đáo thu hút đông đảo cộng đồng và du khách tham dự, không chỉ nhằm bảo tồn những giá trị truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc mà còn góp phần đẩy mạnh các hoạt động du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thành phố Việt Trì có 2 di sản được tổ chức UNESCO ghi danh là văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là "Hát Xoan Phú Thọ" và "Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương". Nơi đây được coi là biểu tượng văn hóa tâm linh của dân tộc, quy tụ và gắn kết mọi người trong nghĩa "Đồng bào".

Đây cũng là một trong những yếu tố góp phần xây dựng thành phố Việt Trì trở thành thành phố lễ hội về với cội nguồn của dân tộc Việt Nam.