“Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” là cuốn hồi ức của tác giả Nguyễn Thái Long do NXB Phụ nữ và Nhã Nam ra mắt hồi đầu năm ngoái. Nhân dịp kỷ niệm 44 năm chiến tranh biên giới Việt - Trung (17/2/1979-17/2/2023), NXB Phụ nữ cùng CTCP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam vừa tổ chức buổi giao lưu với tác giả Nguyễn Thái Long. Trong không khí thấm đẫm tình đồng đội, tác giả xúc động chia sẻ: "Cuốn sách không chỉ là hồi ký của riêng tôi mà là của một tập thể. Tôi chỉ là hạt cát trong vạn người lính biên cương phía Bắc. Đây là nén tâm nhang những người may mắn được trở về gửi đến hàng nghìn chiến sĩ đã nằm lại, hóa thành đá núi nơi biên cương".

Rạng sáng ngày 17/2, tiếng súng bùng lên dữ dội trên phòng tuyến đèo Khau Chỉa, mở ra cuộc chiến đấu chống quân xâm lược oanh liệt nhưng cũng đầy bi thương trên mặt trận phía đông tỉnh Cao Bằng…” – ký ức người lính bắt đầu từ những trận đánh ở cầu Tà Lùng, cầu Hồng Định, bản Bó Tờ, bản Chàm, đèo Canh Man… và cũng là những dòng mở đầu của cuốn sách.

Tại sao tác giả Nguyễn Thái Long lại bắt đầu ký ức của mình bắt đầu từ đèo Khau Chỉa? Bởi lẽ, đèo Khau Chỉa nằm cách cửa khẩu Tà Lùng (biên giới Việt - Trung) hơn 10 cây số, thuộc quốc lộ 3 dẫn từ biên giới với Trung Quốc về trung tâm tỉnh Cao Bằng. Trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (tháng 2/1979), đèo Khau Chỉa là tuyến phòng ngự quan trọng và đã trở thành nơi ghi dấu cho những năm tháng không thể nào quên.

Cuốn sách được chia thành 5 phần, nói về những người lính Trung đoàn 567 từ ngày đầu lên biên giới, những tháng ngày chiến đấu anh dũng, trong đó có cuộc chiến 12 ngày đêm cầm chân quân địch và khi họ trở về cuộc sống thời bình. “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” tái hiện chân thực và sinh động cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc qua hai giai đoạn chính vào năm 1979 ở Khau Chỉa (Cao Bằng) và năm 1985 ở Vị Xuyên (Hà Giang). Bố Hoan tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 vẩy những phát súng ngắn, chỉ huy chặn đánh kịp thời đoàn xe tăng địch; Hay pháo thủ Hồ Tuấn đạp cò khẩu 14 ly 5 đến đỏ rực nòng súng khiến địch lăn lông lốc, ôm đầu máu tháo chạy... Cuốn sách còn ghi lại những câu chuyện về những trận mai phục, những cuộc sát hại tàn bạo của địch mà bộ đội và nhân dân phải trải qua… để qua đó người đọc thấy hiển hiện một biên cương trong lửa đạn. Những trang viết chân thực, sinh động, đầy chất liệu và giàu cảm xúc. Trong ký ức của tác giả, Cao Bằng, Hà Giang ngày ấy không chỉ có tiếng súng, mà còn có vẻ đẹp thơ mộng của miền cao phương Bắc. Giữa những ác liệt của các trận chiến, hoa gạo vẫn nở, những bếp lửa nhà sàn của những gia đình đồng bào dân tộc vẫn ấm nồng những đêm đông…

Với tâm huyết của một người lính đã đi qua cuộc chiến, Nguyễn Thái Long đưa vào trong sách tất cả những tư liệu ông đã dày công sưu tầm từ các đông đội, tất cả hiểu biết về cuộc chiến tranh và tất cả cảm xúc tha thiết của mình với hy vọng truyền tải đến thế hệ hôm nay không bao giờ quên những Khau chỉa, Tà Lùng, Vị Xuyên nơi mấy chục năm trước đã thấm máu đào những người chiến sĩ biên cương, những người lính Trung đoàn 567.

Buổi giao lưu còn có sự tham dự của nhiều đồng đội của tác giả và PGS TS Lê Văn Cương, Thiếu tướng Công an nhân dân Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an. Bằng kinh nghiệm của một người làm nghiên cứu chiến lược quan hệ quốc tế, ông đã đưa ra thảo luận mang tính thời sự và gợi mở. Thiếu tướng Lê Văn Cương nhận định, cuốn sách “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa” là một tài liệu vô giá đối với các thế hệ sau này. Ông nói: "Nguyễn Thái Long đã tái hiện trung thực các sự kiện đến từng chi tiết nhỏ, kể lại những suy tư và hành động dũng cảm vô song của các sĩ quan, chiến sĩ Quân đội Nhân dân Việt Nam, của đồng bào các dân tộc trên mặt trận Cao Bằng - Hà Giang. Cuốn sách không chỉ đem đến cho tôi những ký ức cảm động trào nước mắt, mà còn cung cấp những tư liệu lịch sử đặc sắc và độc đáo".

Với “Tiếng vọng đèo Khau Chỉa”, tác giả gom trọn ký ức của mình và đồng đội vào Tiếng vọng đèo Khau Chỉa, tái hiện một khúc bi tráng của lịch sử, thương nhớ đồng đội và tưởng nhớ những người đã ngã xuống, để lại cho thế hệ hôm nay và mai sau một câu chuyện, một góc nhìn về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc qua lời kể của những người trong cuộc. Để rồi những ký ức cả hào hùng trộn lẫn đau thương còn vang vọng cho thế hệ sau, giúp họ hiểu hơn, nhân lên lòng biết ơn đối với những người lính đã hy sinh nơi biên cương của Tổ Quốc.

VỀ TÁC GIẢ

Tác giả Nguyễn Thái Long, sinh năm 1955, quê tại phường Dĩnh Kế, thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Năm 1972, ông nhập ngũ rồi học y sĩ trong quân đội. Năm 1975, ông ra trường, được điều về Trung đoàn 567. Năm 1976, ông cùng đơn vị được điều lên Cao Bằng làm kinh tế và tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh biên giới phía bắc năm 1979. Năm 1987, ông chuyển ngành làm bác sĩ chuyên ngành Tâm thần, sau làm giám đốc bệnh viện Tâm thần tỉnh Bắc Giang. Ông nghỉ hưu năm 2015.

Là người nặng lòng với những đồng chí, đồng đội từng cùng ông chiến đấu qua cuộc chiến tranh gian khổ, trăn trở với việc khơi gợi sự quan tâm, hiểu biết của thế hệ trẻ hôm nay về cuộc chiến đã qua, ông đã dành nhiều thời gian để thăm gặp và phỏng vấn những đồng đội còn sống, thu thập được nhiều tư liệu quý giá về cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc. Các tư liệu này đã được ông công bố một phận trên báo chí cũng như các phương tiện thông tin đại chúng. Đây là cơ sở để ông hoàn thành cuốn sách này.