Hiện nước ta có 39 di sản được UNESCO vinh danh, trong đó có 8 di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới, 13 di sản văn hóa phi vật thể, 7 di sản tư liệu, 9 khu dự trữ sinh quyển thế giới và 3 công viên địa chất toàn cầu. Đây chính là tài nguyên du lịch vô cùng quý giá, có sức hấp dẫn mạnh mẽ với du khách trong và ngoài nước.

Du lịch di sản muốn phát triển thì di sản phải sống. Để làm được điều này, theo ông Nguyễn Tiến Đạt – Giám đốc Công ty Du lịch AZA, bảo tồn di sản là yếu tố sống còn. Những giá trị nguyên gốc của di sản tự bản thân nó đã là điều hấp dẫn du khách, giúp du khách thêm hiểu, thêm yêu những nét văn hóa độc đáo của dân tộc.

Có thể nói, sự phát triển du lịch tại các khu vực di sản mang đến nguồn thu đáng kể, không chỉ góp phần hỗ trợ kinh phí bảo tồn di sản mà còn giúp tạo sinh kế, ổn định đời sống cho bà con. Do vậy có thể nói đây là hướng đi đúng và hiệu quả.

Hoạt động du lịch dựa vào di sản ở nhiều nơi như Hà Nội, Huế, Hội An, Hạ Long… đã và đang trở thành cơ sở, động lực sinh kế chính, ngành nghề chủ yếu của người dân cũng như ngành kinh tế chủ lực của địa phương. Đây là cơ hội nhưng cũng đồng thời là thách thức đối với việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Để làm sao di sản không chỉ sống mãi mà còn thực sự hấp dẫn với du khách.

Những năm gần đây, làn sóng đầu tư vào du lịch di sản ngày càng nhiều, tuy nhiên so với tiềm năng thì còn chưa tương xứng và thiếu tính bài bản, dẫn đến những hệ lụy đáng tiếc.

Theo ông Nguyễn Tiến Đạt , ngoài những di sản đã phát huy được giá trị và thu hút nhiều du khách, đặc biệt là khách quốc tế, ở một số địa phương, tiềm năng này vẫn đang bị bỏ ngỏ. Điều đáng lo ngại là một số di sản sau khi được nhận danh hiệu di sản thế giới lại được đầu tư một cách ồ ạt theo chiều hướng thương mại hóa, ít nhiều đã làm mất đi những giá trị nguyên gốc của di sản.