Đinh Liệt sinh năm 1400, mất năm 1471, là người Lam Sơn, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa. Theo sách Đại Việt thông sử, khi Lê Lợi bắt đầu chuẩn bị dựng cờ cứu nước, Đinh Liệt cùng với người anh là Đinh Lễ tích cực hưởng ứng khởi nghĩa. Đinh Liệt là 1 trong 18 người tham dự hội thề Lũng Nhai vào tháng 2/1416.

10 năm gian khổ theo nghĩa quân Lam Sơn kháng chiến chống quân Minh, Đinh Liệt đã tỏ rõ lòng trung với Bình định vương Lê Lợi. Thông qua chiến đấu, tài năng quân sự của Đinh Liệt ngày càng bộc lộ rõ rệt. Theo PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ, Đinh Liệt tham gia rất nhiều trận đánh ở Đa Căng, Đỗ Gia tức là vùng Anh Sơn, Hà Tĩnh hiện nay và cùng với các tướng lĩnh tham gia giải phóng Tùng Lĩnh, Linh Cảm rồi chiếm toàn châu Trà Lân (thuộc Nghệ An) và cũng là một trong những vị tướng theo những cánh quân ra Bắc năm 1425. Ông đã từng tham gia vây thành Đông Quan. Và ông cũng là một trong những người cùng với Nguyễn Xí, Lê Sát, Lưu Nhân Chú… tham gia chặn viện binh của Liễu Thăng

Theo nhà sử học Lê Văn Lan, cuối năm 1427, Liễu Thăng cầm đầu đoàn viện binh hùng hậu gồm 10 vạn tên sang nước ta, bộ chỉ huy Lam Sơn quyết định đánh trận quyết chiến với giặc tại 2 địa điểm quan trọng nhất, đó là Chi Lăng và Xương Giang. Hai tướng Đinh Liệt và Lê Sát đem quân lên sát biên giới vùng Lạng Sơn để trực tiếp đánh những trận đầu tiên với viện binh của giặc. Đội quân do Đinh Liệt chỉ huy đã có công lớn trong trận tập kích tại núi Mã Yên, chém chết Liễu Thăng ngay tại trận. Cũng từ chiến thắng này, ông được phong là Khai quốc công thần.

Phụng sự qua 4 đời vua nhà Lê, danh tướng Đinh Liệt trải qua không ít thăng trầm nhưng ông vẫn kiên định và thể hiện là một người hết lòng vì dân, vì nước. Điển hình là việc ông cùng các vị danh tướng khác như Nguyễn Xí tạo nên một trang sử mới cho triều đại nhà Lê thông qua cuộc phản đảo chính hạ bệ Lê Nghi Dân, người anh cả đã giết hại em ruột Lê Nhân Tông, tức Hoàng đế của mình, rồi giết cả Thái hậu Nguyễn Thị Anh. Đinh Liệt và một số vị quan trong triều đã đưa được Hoàng tử út của Thái Tông là Lê Tư thành lên ngôi.

Hoàng tử Lê Tư Thành về sau đã trở thành đức vua Lê Thái Tông, một vị minh quân hiếm có trong lịch sử Việt Nam. Trong gần 40 năm trị vì của mình, ông đã tạo ra một triều đại cực thịnh với nhiều đóng góp lớn lao trong công cuộc mở rộng biên cương, bờ cõi. Và trong mọi lĩnh vực như chính trị, văn hóa, kinh tế cũng đều có bước chuyển biến tích cực. Cũng vì thế, Đinh Liệt lại trở thành Khai quốc công thần lần thứ 2.

Cuối năm 1470 nghe tin quốc vương Trà Toàn của Chiêm Thành chuẩn bị đem 15 vạn quân chiếm bờ cõi Đại Việt, Thái sư Đinh Liệt đã được cử làm tướng quân đem quân đi chinh phạt quân Chiêm Thành. Với sự chỉ huy tài tình, Đinh Liệt đã giành chiến thắng, vua Trà Toàn của Chiêm Thành và toàn bộ triều đình đã bị bắt sống, mở rộng được biên giới Đại Việt lúc bấy giờ vào đến tận Phú Yên, tức là Đèo Cả.

Sau chiến thắng này, khi trở về, Đinh Liệt lâm bệnh mất. Ông được vua Lê Thánh Tông ban tặng 8 chữ vàng: “Tứ đại kỳ công, Vĩnh thùy bất hủ”.