Cách đây 67 năm, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, một mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc Chiến tranh Đông Dương (1945-1954) của Việt Nam. Với thắng lợi quyết định này, lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào tháng 5 năm 1954.

Quần thể di tích lịch sử chiến trường Điện Biên Phủ trải dài trên lòng chảo Ðiện Biên, nay là thành phố Điện Biên Phủ, bốn bề là núi bao bọc với chiều dài 18 km, rộng 6 km vuông.

Quần thể di tích này bao gồm những địa danh quen thuộc với chúng ta qua sách báo và các bài học lịch sử như: Đồi Him Lam - nơi diễn ra trận đánh mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ ngày 13/3/1954; đồi Độc Lập, nơi diễn ra trận đánh ác liệt chiếm cứ điểm sau đó hai ngày; Đồi D1 - hiện là nơi đặt Tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ, hầm Đờ - Cát, các đồi C, E - nơi chứng kiến quân đội Việt Nam và quân đội viễn chinh Pháp giành giật nhau từng tấc đất trong chiến dịch Điện Biên Phủ…

Bước chân đến đồi A1, bất cứ ai cũng sẽ không khỏi ngạc nhiên bởi không khí thanh bình của các trận địa, nơi diễn ra những trận đánh oanh liệt một thời. Ngày nay, ngọn đồi này đã trở thành nghĩa trang tưởng niệm những Anh hùng, Liệt sĩ đã ngã xuống trong chiến dịch Điện Biên Phủ.

Nằm ở phía Đông trung tâm Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đồi A1 là một điểm cao có vị trí quan trọng bậc nhất trong hệ thống 5 quả đồi phía Đông bảo vệ trung tâm Mường Thanh. Tại đây, địch từng bố trí nhiều binh lực, hỏa lực mạnh, có công sự kiên cố, vững chắc. Điều này là một khó khăn cho quân đội của ta khi tiến công vào vị trí này.

Qua 39 ngày đêm bền bỉ đào một đường hầm đặt khối thuốc nổ nặng gần 1000 cân, ngày 6/5/1954, sau khi điểm hỏa, quân ta đã hạ được cứ điểm này. Đây là chiến thắng mở màn cho đợt tổng công kích cuối cùng vào Sở Chỉ huy Tập đoàn cứ điểm giành thắng lợi hoàn toàn.

Bên cạnh đồi A1, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, nằm đối diện với Nghĩa trang Liệt sĩ trên đồi A1, ở trung tâm thành phố Điện Biên Phủ, cũng là một điểm đến khó có thể bỏ qua.

Bảo tàng được thiết kế hình nón cụt gồm 1 tầng hầm và 1 tầng nổi, phần trang trí xung quanh được tạo hình quả trám tượng trưng như tấm lưới ngụy trang trên chiếc mũ cối của bộ đội khi tham gia chiến dịch. Trong đó, tầng hầm là nơi đón tiếp khách tham quan, không gian học tập, tương tác và các dịch vụ vui chơi giải trí. Tầng nổi là không gian trưng bày cố định chuyên đề chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và nơi làm việc của cán bộ, nhân viên bảo tàng.

Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ hiện đang trưng bày rất nhiều hiện vật, hình ảnh mô tả cụ thể diễn biến của Chiến dịch Điện Biên Phủ trong 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm cho đến ngày tấn công cuối cùng vào cứ điểm Điện Biên Phủ.

Tại mỗi không gian trưng bày, ngoài tài liệu, hiện vật là phối cảnh không gian bằng các mô hình người, đồ vật, cây cối… có thể kể tới những không gian nổi bật như: phối cảnh kéo pháo vào trận địa, vận chuyển lương thực, phá đá mở đường... Đây thực sự là một nội dung trưng bày quan trọng, rất sinh động, đã cho thấy sự chuẩn bị cực kỳ kỹ lưỡng, yếu tố quan trọng góp phần làm nên chiến thắng của quân và dân ta trong chiến dịch này.

Bên cạnh đó, nhằm giúp du khách hiểu rõ thêm ý nghĩa chiến thắng Điện Biên Phủ, bảo tàng thường xuyên đổi mới cách giới thiệu, bổ sung thêm các hiện vật trưng bày, trình chiếu các bộ phim tư liệu… Chính nhờ cách làm này, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ luôn là điểm đến không thể bỏ qua của du khách khi đến Điện Biên.

Có thể nói đồi A1 và Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chỉ là hai trong nhiều di tích nằm trong cụm di tích liên hoàn hoàn chỉnh bức tranh cuộc chiến tranh nhân dân thần kỳ của dân tộc ta một thời.

67 năm đã trôi qua, Điện Biên đã kịp khoác lên mình tấm áo mới, nhưng vẫn còn đó chứng tích của một thời oanh liệt.

Đó không chỉ là địa danh lịch sử huyền thoại mà còn là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn hết sức có giá trị, có ý nghĩa giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng cho các thế hệ Việt Nam.