Lương Văn Can sinh ra trong một gia đình nghèo, kiếm sống bằng nghề nông, nhưng bởi quý sự học nên gia đình đã cầm cố cả ruộng đất để con cái được rộng đường bút nghiên. Không phụ lòng cha mẹ, kỳ thi Hương năm Giáp Tuất năm 1874, lúc đó Lương Văn Can 21 tuổi đã ứng thí nơi trường thi và trở thành 1 trong 25 thí sinh đậu Cử nhân, được Quốc triều Hương khoa lục ghi danh. Lương Văn Can được triều đình Huế bổ nhiệm chức Giáo thụ phủ Hoài Đức, nhưng ông không nhận mà lui về quê sinh sống.

Đến năm 25 tuổi, Lương Văn Can rời quê ra Hà Nội mở trường dạy học tại số 4 phố Hàng Đào. Khi thấy cuộc cải cách Minh Trị thành công trên đất Nhật Bản, học tập người Nhật, ông cùng bạn bè tìm cách thành lập một trường học để làm cuộc cách mạng về văn hóa, đồng thời tuyên truyền lòng yêu nước trong dân chúng Việt Nam. Với mục đích đó, năm 1907 trường Đông Kinh nghĩa thục ra đời ở số 10 phố Hàng Đào và căn nhà ông ở phố Hàng Đào cũng trở thành nơi dạy học.

Sẵn có lòng yêu nước, có chí tự lập và khí phách khảng khái, ông đã học hỏi theo sách của các nhà tư tưởng tiến bộ của phương Đông như Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu lẫn phương Tây như Voltaire, Montesquieu… nhằm tìm con đường canh tân đất nước. Vì thế, trường Đông kinh Nghĩa thục không chỉ dạy kiến thức thực tế, trường còn còn dạy cả Việt văn, Hán văn, Pháp văn và tổ chức những cuộc diễn thuyết để trao đổi tư tưởng cùng cổ động tinh thần yêu nước cho học trò.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Hữu Tâm, Đông kinh Nghĩa thục là ngôi trường vô cùng đặc biệt giai đoạn đầu thế kỷ XX, ngoài mục đích giáo dục tinh thần yêu nước, tự hào dân tộc, nếp sống văn minh, còn góp phần cổ động, khuyến khích thanh niên tham gia vào phong trào Đông du của cụ Phan Bội Châu và phong trào Duy Tân của cụ Phan Chu Trinh.

Có lẽ ngay từ tên gọi đã toát lên được mục đích ra đời của Đông kinh Nghĩa thục là khai trí cho dân. Vì thế, khi ngôi trường đi vào hoạt động đã nhận được sự hưởng ứng rộng khắp của giới thân sĩ, trí thức và học trò đất kẻ chợ hưởng ứng lối giáo dục mới ấy. Nhà sử học Lê Văn Lan cho biết: Đông kinh Nghĩa thục được mọi người hưởng ứng trước hết ở tinh thần yêu nước truyền bá cho quốc dân, thứ 2 là mở ra con đường cho tất cả mọi người dùng trí tuệ, văn minh, văn hóa để truyền tải tinh thần yêu nước đó phục vụ cho phong trào cách mạng, giải phóng dân tộc.

Từ trường Đông Kinh nghĩa thục ở Hà Nội, phong trào Đông Kinh nghĩa thục lan nhanh và sâu rộng tới các tỉnh như: Hà Đông, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Nam... khiến thực dân Pháp lo sợ. Vì thế, sau 9 tháng, 4 tổ chức thuộc Đông kinh Nghĩa thục đã bị nhận diện và cấm hoạt động, đó là: Ban Giáo dục, ban Tài chính, ban Tu thư (tức là biên soạn sách giáo khoa) và ban Cổ động, (tức là ban tuyên truyền) đều do Lương Văn Can thành lập. Và mặc dù rất muốn bắt Lương Văn Can để dẹp yên phong trào nhưng người Pháp không có cớ, nên mãi đến năm sau, năm 1908 khi Hà Nội xảy ra một số cuộc bạo động, trong khi trấn dẹp, thực dân Pháp đã bắt Lương Văn Can đày ra Côn Đảo.

Cũng theo nhà sử học Lê Văn Lan, trong thời gian này, Lương Văn Can đã viết hai cuốn sách bàn về việc kinh doanh là: Kim cổ cách ngôn và Thương học châm ngôn. Đây được coi là hai cuốn sách bàn về buôn bán và cách làm giàu đầu tiên của Việt Nam nên Lương Văn Can còn được gọi là “Người thầy của doanh thương Việt Nam”.

Bằng khí phách, chí hướng muốn tìm con đường canh tân đất nước và với tài năng, với những đóng góp của ông trong việc xây dựng phong trào yêu nước, danh nhân Lương Văn Can mãi được người đời sau nhắc đến.