Giống như nhiều quốc gia châu Á, Việt Nam có nhiều lễ hội, tập trung chủ yếu vào mùa xuân, thời điểm vạn vật sinh sôi, cũng là mùa nông nhàn. Theo thống kê của Bộ VH-TT&DL, nước ta hiện có tổng cộng hơn 13.000 lễ hội lớn nhỏ, trong đó 8.008 lễ hội truyền thống, 2.748 lễ hội tôn giáo, 1.755 lễ hội lịch sử, gần 500 các lễ hội văn hóa - thể thao, lễ hội ngành nghề, lễ hội du nhập từ nước ngoài... Tính trung bình mỗi ngày người Việt có 35 lễ hội, tức là mỗi giờ có gần 2 lễ hội diễn ra. Một số luồng dư luận cho rằng, số lượng lễ hội như thế là quá nhiều, và rằng "người Việt tháng Giêng chỉ có ăn chơi", chẳng lo làm, ảnh hưởng đến năng suất lao động, khiến nước ta khó bắt kịp và cạnh tranh với thế giới về năng suất lao động.

Tuy nhiên, từ góc độ một nhà nghiên cứu văn hóa, GS.TS Bùi Quang Thanh, nguyên cán bộ Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho rằng: "Cốt lõi văn hóa Việt Nam nảy sinh từ văn hóa làng. Mỗi làng là một pháo đài riêng, trong đó bao hàm không gian cư trú, không gian sinh kế, không gian văn hóa tâm linh, không gian sinh hoạt cộng đồng... Các hoạt động văn hóa và kinh tế chỉ diễn trong phạm vi nội bộ các làng với nhau. Với con số hàng trăm nghìn làng ở nước ta thì số lượng lễ hội như thế là không nhiều".

"Số lượng lễ hội đó góp phần làm nên bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú, sinh động, mang đậm bản sắc Việt Nam. UNESCO cũng khuyến nghị rằng, nên tôn trọng sự đa dạng và phong phú đó của các lễ hội. Và thực tế họ cũng rất hứng thú tìm hiểu những phong tục độc đáo, đậm đà bản sắc văn hóa khi xét duyệt các hồ sơ ghi danh di sản của Việt Nam", GS.TS Bùi Quang Thanh nhấn mạnh.

Nghiên cứu sâu xa hơn, GS.TS Bùi Quang cho biết, bản chất của lễ hội trong các nền văn minh nhân loại là những sinh hoạt tổng hợp của cộng đồng, thể hiện thế giới quan nhân sinh quan, ứng xử của con người với môi trường sinh thái và môi trường văn hóa xã hội. Với bản chất là một quốc gia nông nghiệp và nền văn minh lúa nước, rất nhiều lễ hội của Việt Nam hướng tới cầu cho mưa thuận gió hòa, cây cối sinh sôi nảy nở, mùa màng tốt tươi, đánh bắt các loại thủy hải sản bội thu. Chẳng hạn như quả phết trong lễ hội Hiền Quan ở Lâm Thao, Phú Thọ là một trái cầu sơn màu đỏ tượng trưng cho mặt trời, thể hiện mong muốn ánh nắng chan hòa suốt năm giúp cho cây cỏ tốt tươi. Hay lễ hội Cầu Ngư ở phường Thuận An, thành phố Huế, tỉnh Thừa Thiên - Huế có hoạt cảnh: các bô lão tung tiền và phẩm vật cho các em bé hoá trang thành các loài cá, mực, tôm... lượm tiền. “Đàn cá” đang lượm tiền thì bị ngư dân tung lưới vây bắt, thể hiện mong muốn khoang thuyền lúc nào cũng đầy cá tôm của ngư dân đi biển.

Không náo nhiệt không phải lễ hội Việt Nam

Điểm đặc trưng của lễ hội Việt Nam là sự náo nhiệt nhiều khi đến lộn xộn. Lý giải cho điều này, GS.TS Bùi Quang Thanh cho biết, từ xa xưa cha ông ta đã đúc kết thành câu tục ngữ: "Vui xem hát/ nhạt xem bơi/ tả tơi xem hội". Lễ hội Việt Nam không phải là các nghi thức mang tính nghi lễ tôn nghiêm dành cho tầng lớp cai trị như một số nước khác, mà lễ hội là dành cho tầng lớp bình dân, người dân không chỉ đi "xem" mà còn "trực tiếp can dự vào lễ hội". Nếu trang trọng quá mà mất đi tính chất thoải mái, náo nhiệt thì lại không còn là bản chất của lễ hội Việt Nam. "Tôi cho là chúng ta nên nhìn nhận thông thoáng một chút về điều này. Nếu ta muốn các lễ hội trật tự, đi vào xếp hàng nghiêm chỉnh thì vô tình lại xóa bỏ đi sự sinh động, đa dạng, phong phú, hấp dẫn của lễ hội ở Việt Nam. Từ đó dẫn đến hệ quả là có thể biến lễ hội thành các cuộc hội họp mít tinh của một bộ phận quan chức".

media.vov_.vn-sites-default-files-styles-large-public-2022-12-_img_5219_1.jpg

Dư luận cũng đặt câu hỏi về một số thực hành lễ hội gây phản cảm, không phù hợp với chuẩn mực văn minh của thế giới ngày nay như tục chém lợn ở hội làng Ném Thượng ở Bắc Ninh hay tục đâm trâu ở lễ hội chọi trâu ở Đồ Sơn, Hải Phòng. Dưới góc độ một nhà khoa học làm công tác bảo tồn di sản, GS.TS Bùi Quang Thanh cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi đưa ra những chỉ thị hành chính để can thiệp vào thực hành lễ hội, vì làm như thế sẽ mất đi tính thiêng của lễ hội: "Tôi xin ví dụ, tục lệ chém lợn để mở đầu cho lễ hội ở Bắc Ninh là để tưởng nhớ công ơn của ông Đoàn Thượng. Ông đã vào rừng, rút gươm chém ngang lưng con lợn rồi kéo về cho dân làng ăn để cứu làng thoát cảnh chết đói. Dân làng muốn tái hiện cho con cháu thấy công đức của tiền nhân nên mới có thực hành này. Cần phải nhìn nhận ra ý nghĩa giáo dục này". Tuy nhiên, mỗi nghi lễ, tục lệ ra đời gắn liền với một giai đoạn lịch sử, là chuẩn mực văn minh của thời kỳ lịch sử đó. Ngày nay, thay vì chém con lợn thật hay đâm con trâu thật, chúng ta có thể thay thế bằng các hình nộm, mô hình, vừa không mất đi ý nghĩa giáo dục vừa tái hiện lại được tích xưa.

GS.TS Bùi Quang Thanh cũng đề xuất, để quản lý hiệu quả hơn các lễ hội thì cơ quan quản lý nhà nước nên rà soát hệ thống văn bản luật và dưới luật bám sát thực tiễn hơn nữa, đồng thời cần tăng cường số lượng người làm công tác văn hóa cơ sở, bồi dưỡng, tập huấn kiến thức thường xuyên để họ có hiểu biết hơn trong công tác quản lý lễ hội, tránh tình trạng cán bộ văn hóa phải kiêm nhiệm nhiều đầu việc như hiện nay.

Mời nghe âm thanh tại đây: