Trong mọi hoàn cảnh, gia đình luôn là chốn bình an. Ở đó có tình yêu thương, sự đùm bọc, chia sẻ và bao dung của những người thương yêu nhất. Môi trường ấy cũng là nơi đã dạy mỗi người những bài học vỡ lòng về cuộc sống, về cách đối nhân xử thế, cách làm người. Gia đình là mạch nguồn trao những giá trị nhân văn sâu sắc. Thế nhưng ngày nay, gia đình Việt đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề như các giá trị của gia đình đang dần mai một, bạo lực gia đình hay sự gắn kết giữa các thành viên ngày càng lỏng lẻo thì việc làm thế nào để gia đình luôn là chốn bình an, là nơi để trở về sau những vất vả lo toàn của cuộc sống là vấn đề được rất nhiều người quan tâm. Nhất là khi sự thay đổi nhanh chóng về kinh tế, văn hóa, xã hội, công nghệ... đã tác động đến quan niệm, lối sống của một bộ phận người dân, khiến cho cấu trúc, mô hình của gia đình Việt Nam có sự thay đổi theo. GS.TS Lê Thị Quý viện nghiên cứu Giới và Phát triển cho rằng, khi xã hội thay đổi thì gia đình cũng thay đổi theo và ngược lại sự thay đổi này tác động đến quan niệm, lối sống. Những thay đổi này là tất yếu, là quy luật mà xã hội nào cũng phải trải qua.

Gia đình hạnh phúc không chỉ là mong muốn của riêng các thành viên trong gia đình đó mà còn là mong muốn của cả xã hội. Gia đình bình an – xã hội hạnh phúc – đó là chủ đề của ngày gia đình Việt Nam năm nay, điều đó đủ để thấy gia đình có an yên thì con người mới có tinh thần để xây dựng và phát triển xã hội. Tuy nhiên, hiện nay tình trạng bạo lực gia đình, bạo hành, xâm hại trẻ em rồi ngoại tình đang khiến cho không ít người lo lắng liệu gia đình có còn là chốn bình yên của mỗi người hay không?

Theo GS.TS Lê Thị Quý thì thách thức lớn nhất hiện nay của gia đình Việt Nam là về vai trò của các thành viên trong gia đình. Nhiều người đàn ông trong gia đình vẫn cho mình cái quyền “chồng chúa vợ tôi”. Quan trọng nhất là cần phải cho phụ nữ và trẻ em nhận diện được các dạng bạo lực và nguy cơ của nó để hợp tác với chính quyền và các tổ chức xã hội để phòng chống bạo lực.

Bên cạnh bạo lực gia đình thì khoảng cách giữa thế hệ cũng là vấn đề mà nhiều người quan ngại. Dường như sự kết nối giữa cha mẹ và con cái ngày càng lỏng lẻo và chính điều này đã khiến nhiều trẻ em cô đơn, lạc lõng trong chính ngôi nhà của mình. Thậm chí vì thiếu vắng sự quan tâm của cha mẹ mà nhiều trẻ không muốn về ngay chính ngôi nhà thân yêu của mình. Trường hợp của em Phạm Ngọc Văn là một trong số đó. Cảm giác cô đơn, không có sự quan tâm của người thân đã theo em từ rất lâu. Kinh tế gia đình Văn không đến nỗi nào. Vì mải làm ăn, buôn bán, bố mẹ Văn chẳng mấy khi quan tâm đến con cái. Ngay từ nhỏ, mọi vấn đề của Văn từ đi học đến sinh hoạt, ăn uống, thậm chí cả đi họp phụ huynh, bố mẹ em đều phó thác cho người giúp việc. Những bữa ăn thiếu vắng bố mẹ, những thay đổi tâm sinh lý không biết chia sẻ cùng ai đã khiến Văn cảm thấy cô độc trong chính gia đình mình. Và đây cũng là lý do mà em tìm đến những nhóm bạn cùng hoàn cảnh để tụ tập, đi vũ trường, giải tỏa những bức xúc trong người. Văn cho biết: Nhiều khi đêm về buồn tự rơi nước mặt một mình, đi học về tối ăn cơm một mình, cảm giác không có ai quan tâm chăm sóc, buồn lắm, chỉ có người nào thiếu thốn tình cảm của gia đình hay bất cứ thứ gì thì mới đi nhảy, khi nhảy mới xóa đi được những cái gì buồn trong họ...

Không phải trẻ em không muốn tâm sự với cha mẹ mà nhiều khi chính cha mẹ không hiểu các em. Và cũng có không ít gia đình phụ huynh lại nghĩ chỉ cần cho con đầy đủ về vật chất là được. Chính điều này đã khiến nhiều trẻ cảm thấy gia đình không phải là tổ ấm đúng nghĩa, và khi đó gia đình không thể là một môi trường an toàn cho các em. Chính vì thế GS.TS Lê Thị Quý cho rằng không gì có thể thay thế được tình yêu thương của cha mẹ. Sự quan tâm, thương yêu của cha mẹ với con trẻ chính là nền tảng hạnh phúc của các em.

“Gia đình đầy đủ là một thuận lợi để xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhưng gia đình mà kém bền vững thì do lỗi của các thành viên trong gia đình” - GS.TS Lê Thị Quý nhấn mạnh.

Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam trong những năm đầu thế kỷ XXI vẫn là việc làm thế nào vừa tiếp thu những giá trị nhân văn mới trong xu thế hội nhập với cộng đồng quốc tế, lại vừa phải giữ được bản sắc dân tộc và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam, tạo điều kiện cho sự ổn định và phát triển lâu dài của đất nước. GS.TS Lê Thị Quý cho rằng những giá trị nào của gia đình trong thời gian tới là hệ giá trị chuẩn mực truyền thống, cha mẹ nhân từ, con cái hiếu thảo, anh em như thể chân tay. Những chuẩn mực này cần phải được kết hợp với các quan điểm hiện đại về bình đẳng giới về quyền con người, quyền trẻ em.

Gia đình không chỉ là nơi chúng ta được sinh ra và lớn lên. Gia đình không chỉ là nơi có những người thân yêu mà còn là nơi chúng ta được yêu thương, được chở che, thậm chí được phép vấp ngã mà vẫn luôn nhận những lời chỉ bảo và động viên chia sẻ. Và khi gia đình là tổ ấm, là chỗ dựa bình yên, vững chắc thì đây cũng chính là điểm tựa để mỗi người có được sự tự tin, thể hiện được năng lực của bản thân trong cuộc sống. Chính vì thế, theo GS.TS Lê Thị Quý, để xây dựng một gia đình bình an thì mỗi thành viên đều phải có quyền lợi và trách nhiệm với gia đình. Trách nhiệm là thể hiện tình yêu thương, sự quan tâm giúp đỡ các thành viên khác, không tranh chấp quyền lợi, không nên quá tính toán, cùng hợp tác gánh vác công việc chung của gia đình, sống vị tha, độ lượng... Mỗi thành viên biết yêu thương, chia sẻ cùng nhau, biết trân trọng tình cảm gia đình, biết gìn giữ, vun đắp cho tổ ấm gia đình thì sự bình an, hạnh phúc đó mới thực sự bền lâu,

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”. Bởi vậy, xây dựng xã hội hạnh phúc phải được bắt đầu từ mỗi gia đình. Cách ứng xử, thương yêu, sẻ chia trong cuộc sống… chính là những yếu tố làm nên văn hóa gia đình, tạo nên những giá trị không bao giờ thay đổi, bền vững qua thời gian dù xã hội có biến chuyển thế nào. Và chính những giá trị này sẽ hình thành nên nhân cách của mỗi con người, để từ những gia đình bình an tạo nên một xã hội hạnh phúc.