15 tập thể, 9 cá nhân được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch trao giải thưởng phát triển văn hóa đọc năm 2020. Đây là con số khá khiêm tốn nhưng lại chứa đựng những ý nghĩa hết sức quan trọng. Bởi lẽ, giải thưởng là sự ghi nhận cho những mô hình sáng tạo, hấp dẫn và những tâm huyết với việc phát triển văn hóa đọc tại cộng đồng.

Hơn nữa, từ giải thưởng này báo hiệu một tín hiệu rất vui. Đó là cộng đồng đã quan tâm đến việc đọc và tự học, thể hiện bằng việc rất nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện các hoạt động, mô hình độc đáo khiến phong trào đọc sách phát triển mở rộng và đi vào chiều sâu thực chất. Trong đó, mô hình “Ngôi nhà trí tuệ” và “Tủ sách nhân ái” do kỹ sư, doanh nhân Nguyễn Anh Tuấn sáng lập là một ví dụ điển hình.

Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ rằng sở dĩ “ngôi nhà trí tuệ” và “tủ sách nhân ái” được thành lập trước hết là bởi mong muốn, làm sao tất cả trẻ em trên mọi miền đất nước đều được tiếp cận với sách, tiếp cận với những người thầy giỏi, người bạn tốt. Chính từ thực tế cuộc sống bản thân đã giúp Nguyễn Anh Tuấn hiểu rằng thói quen đọc sách, tự học từ sách... sẽ mang lại rất nhiều giá trị, nên anh đã quyết tâm thực hiện 2 chương trình này.

“Tủ sách Nhân ái” và “Ngôi nhà trí tuệ” là hai mô hình hướng đến mục tiêu bồi đắp tri thức cộng đồng, tập trung phát triển văn hóa đọc, phát triển năng lực tự học, học tập liên tục và học tập suốt đời cho trẻ em Việt Nam.

Hơn 3 năm hoạt động, chương trình đã huy động và trao tặng hơn 11.400 tủ sách và thư viện với hơn 60 vạn cuốn sách hay tới hơn 60 tỉnh, thành phố. Cùng với đó, 15 “Ngôi nhà trí tuệ” được khởi động, ngoài chức năng thư viện, còn có nhiều hoạt động giáo dục miễn phí cho trẻ em và người dân địa phương.

Ngôi nhà trí tuệ bắt đầu từ Hà Tĩnh, sau nhân rộng ở miền Trung, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Giải thưởng phát triển văn hóa đọc được trao cho người sáng lập “Tủ sách nhân ái” và” Ngôi nhà trí tuệ” rất đáng trân trọng và tự hào. Và trân quý hơn theo ông Nguyễn Anh Tuấn, còn là những lá thư cảm ơn đầy xúc động được gửi đến và nếp đọc sách ở nhiều thôn, làng đã được hình thành và lan rộng, tạo nên những ngọn gió lành làm thay da đổi thịt những miền quê.

Cũng bằng con đường vận động sự chung tay của cộng đồng, Trại giam Ngọc Lý (Tân Yên, Bắc Giang) là một trong số các trại giam triển khai tủ sách đầu tiên, có số lượng sách lớn và lượt phạm nhân đọc sách cao nhất trong cả nước. Nhiều tủ sách hướng thiện được thành lập giúp cho phạm nhân có thể đọc và chia sẻ về những cuốn sách hay, cuốn sách làm thay đổi cuộc đời, biến quá trình cải tạo thành quá trình tự giác tu dưỡng, rèn luyện.

Phó Giám thị Trại giam, Trung tá Nguyễn Văn Lai cho biết, phát triển văn hóa đọc trong trại giam đã có tác động rất tích cực đối với các phạm nhân và đối tượng giáo dục đã được cảm hóa. “Chúng tôi đưa sách về từng phòng giam để đảm bảo nhiều phạm nhân được tiếp cận với sách và phù hợp với quy chế quản lý của trại giam. Bên cạnh đó, chúng tôi tổ chức các cuộc thi như “Viết cảm nhận về cuốn sách", “Kể chuyện theo sách”... Qua đây thấy rất hiệu quả”.

Giải thưởng phát triển văn hóa đọc năm nay được chọn trao cho những người bắc cầu tri thức. Một trong số đó là ông Nguyễn Quốc Phong, người sáng lập Mái ấm Thiên Ân dành cho người khiếm thị tại quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh. Năm 1991, trên đường từ Đồng Nai về TP Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Quốc Phong không may gặp nạn, mất thị lực hoàn toàn. Không gục ngã trước số phận, ông đã tự mình chiến thắng bản thân, làm nên một “hành trình xuyên bóng tối”.

Ông chia sẻ: “Chính khi nhắm mắt lại tôi đã “nhìn thấy” nhiều điều mà trước kia tôi chưa từng thấy. Đó là suốt 33 năm sáng mắt, bên cạnh tôi có tới hơn 5 triệu người khuyết tật, trong đó hơn 1 triệu người khiếm thị. Cũng vào lúc này, tôi mới cảm nhận hết sự thiệt thòi của những con người ấy, cùng với đó cảm nhận được niềm hạnh phúc suốt 33 năm sáng mắt đã qua, tôi đã được nhìn, được học hỏi qua việc đọc sách. Chính ý nghĩ đó đã thôi thúc tôi đem những kiến thức đã có và những khả năng còn lại của mình để làm điều gì đó giúp ích cho thế hệ đàn em cùng cảnh ngộ kém may mắn hơn mình”.

Cũng từ đó, ông Nguyễn Quốc Phong đã miệt mài tự học qua bạn bè, tài liệu, các chương trình đào tạo từ xa dành cho người khiếm thị, để biết chữ nổi, học vững ngoại ngữ và vi tính. Ông đã dịch một bộ 4 cuốn sách “Những điều cơ bản về người khiếm thị” để giúp cộng động hiểu hơn về quá trình thích nghi và vươn lên của người khiếm thị.

Từ cơ hội được học tập và tiếp cận tri thức ở Mái ấm Thiên Ân, nhiều người khiếm thị đã thành đạt và biết trân quý bản thân mình, tự tin, độc lập trên “hành trình xuyên qua bóng tối”.

“Nhờ sách mà tôi không gục ngã trước những hoàn cảnh khó khăn” là chia sẻ của nhà văn, dịch giả Nguyễn Bích Lan khi nhận được giải thưởng năm nay. Nguyễn Bích Lan bị mắc một căn bệnh hiểm nghèo là loạn dưỡng cơ năm 13 tuổi và phải bỏ học giữa chừng lớp 8. Không bỏ cuộc mà chính từ bệnh tật, từ sự thiệt thòi nhen lên sự lạc quan và ý chí, Nguyễn Bích Lan đã tự học Tiếng Anh và viết sách. Sau hơn 20 năm, chị đã xuất bản 4 tập sách, trong đó có cuốn tự truyện “Không gục ngã” và trở thành dịch giả của 41 tác phẩm, trong đó nhiều tác phẩm của các tác giả từng đoạt giải Nobel văn học.

“Tôi là câu trả lời cho câu hỏi đọc sách để làm gì? Đọc sách có ra tiền không? Có thể nói là nhìn vào cuộc đời của tôi các bạn sẽ thấy sách mang lại cho tôi những thứ quý hơn ngoài tiền. Tôi chủ động cho cuộc sống, có cảm hứng sống, trở thành người sống có ích. Nếu không có sách tôi không còn có thể sống trên cuộc đời đến ngày hôm nay”.

Theo nhà văn dịch giả Nguyễn Bích Lan cần phải coi việc phát triển văn hóa đọc là một hướng phát triển có tầm chiến lược quốc gia bởi đó là con đường tốt nhất, rẻ nhất, vững chắc nhất để chúng ta có thể sánh vai với bạn bè quốc tế.

Giải thưởng phát triển văn hóa đọc tuy còn khiêm tốn, song vô cùng ý nghĩa, là động lực để kết nối và lan tỏa tri thức trong cộng đồng, để đọc sách không chỉ là phong trào mà là một việc hữu ích khi “mở ra một trang sách là mở ra một cuộc đời”.

Nghe âm thanh tại đây: