Hội thảo "Tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số" do Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm góp phần tìm những giải pháp đẩy mạnh, nâng cao chất lượng các hoạt động tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc cho thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số.

Các ý kiến tại Hội thảo đều thống nhất một nhận định, đó là sự ra đời của mạng internet và sự phát triển của mạng xã hội đã có tác động mạnh mẽ đến phương thức đọc của giới trẻ. Ông Nguyễn Hữu Ngọc, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Đoàn TNCS HCM cho rằng, trong giai đoạn hiện nay, sự phát triển rất nhanh chóng của internet, của các mạng xã hội như facebook, Instagram, youtube, tiktok… đã và đang ảnh hưởng rất lớn đến mọi sinh hoạt của con người - cả mặt tích cực và tiêu cực, đặc biệt là giới trẻ. Trong đó có thói quen tìm hiểu học hỏi tri thức thông qua đọc sách. Theo ông Ngọc, "Văn hoá đọc đã bị lấn át bởi sự lôi cuốn của việc sử dụng mạng internet và các phương tiện nghe, nhìn".

Tuy nhiên, nếu nhìn nhận ở khía cạnh tích cực rõ ràng sự phát triển của công nghệ số đã mở ra những cơ hội cho người đọc trong việc tiếp cận với nguồn tri thức phong phú vô tận trên kho tài nguyên internet. Theo ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng đối với việc tổ chức các hoạt động phát triển văn hoá đọc cho giới trẻ. Vì vậy trong kỷ nguyên số các yếu tố về cơ sở vật chất hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ nguồn nhân lực... có tính chất then chốt thúc đẩy văn hoá đọc cho thanh thiếu niên trong giai đoạn mới. Nhưng một điều vô cùng quan trọng đó là cần phải nhận diện những cơ hội và thách thức.

“Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư, văn hóa đọc của thanh niên, thiếu niên có nhiều thay đổi, cần có những nhận diện thấu đáo để từ đó kiến nghị xây dựng chính sách thúc đẩy các hoạt động tuyên truyền, phát triển văn hóa đọc trong bối cảnh chuyển đổi số” - ông Phạm Quốc Hùng nhấn mạnh.

Trước những rào cản trong phát triển văn hóa đọc và thách thức của cuộc Cách mạng 4.0, các ý kiến tham luận cũng đưa ra nhiều giải pháp thiết thực. Ông Nguyễn Hữu Ngọc cho biết, tổ chức Đoàn TNCSHCM đã có rất nhiều hoạt động thúc đẩy văn hoá đọc trong giới trẻ như tổ chức các phong trào Đọc sách cho em, mô hình Sách hay tặng bạn, các cuộc thi về sách, ngày hội sách, phát động phong trào Đọc xuyên mùa hè hay Mỗi tuần một cuốn sách... đã tạo những hiệu ứng tích cực. Và mấu chốt để tạo nên thành công đó là: “Chủ động bắt kịp xu hướng chuyển đổi số của thời đại, sử dụng internet để kết nối giúp thanh thiếu niên tiếp cận và sử dụng nguồn tài nguyên thông tin của các thư viện và xuất bản phẩm một cách dễ dàng thuận lợi hơn. Thường xuyên cập nhật sách hay lên hệ thống website, cổng thông tin điện tử, fanpage của các cấp bộ Đoàn, số hoá tài liệu để thanh thiếu niên có thể đọc trực tiếp bằng điện thoại, máy tính”.

Để nhận diện tác động của khoa học công nghệ thông tin đối với sự phát triển văn hoá đọc trong thanh niên công an nhân dân, trong những năm qua Bộ Công an đã tăng cường các hoạt động ý nghĩa bằng nhiều hình thức khác nhau như đổi mới hoạt động thư viện, phát động các phong trào trong hệ thống các trường học, biến những thách thức thành cơ hội phát triển nhằm khơi gợi niềm đam mê đọc sách, nâng cao kỹ năng đọc sách cho tuổi trẻ CAND. Thiếu tá Đỗ Thu Thơm, Phó Trưởng phòng Văn hoá văn nghệ và thư viện CAND, Cục Công tác Đảng và công tác chính trị, Bộ Công An cho rằng: “Thanh niên cần xây dựng văn hóa đọc trước tiên ở việc trang bị kỹ năng đọc, lựa chọn có ý thức đề tài hoặc những vấn đề cần đọc cho mình, biết vận dụng các biện pháp kỹ thuật và biết vận dụng vào thực tiễn những điều đã đọc”.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) Vương Hương Giang đưa sáng kiến, có thể xây dựng một trang web đọc sách sinh động, phong phú và miễn phí cho học sinh. Đây cũng là kho học liệu mà giáo viên và học sinh có thể sử dụng trong quá trình dạy học. “Trang web nên bao gồm những nội dung chính như sách giáo khoa, thư viện sách, sách nói, giới thiệu sách, kết nối cùng sách và phần cung cấp các bài viết, ý tưởng, sản phẩm lan tỏa văn hóa đọc đã đoạt giải để giúp học sinh thực hiện các dự án đọc sách, nuôi dưỡng ý tưởng, ươm mầm sáng tạo thực hiện các dự án sách” – Bà Giang đề xuất.

Từ thực tiễn hoạt động cũng như từ những nghiên cứu dựa trên các giai đoạn phát triển của trẻ, các đơn vị Thư viện Khoa học tổng hợp TP. Hải Phòng, Sở Giáo dục và Đào tạo Bắc Giang, NXB Thanh niên góp ý kiến về việc chủ động mở rộng mạng lưới, đưa sách về các trường học, xây dựng chính sách khuyến đọc quốc gia theo hướng tiếp cận là nâng cao, mở rộng việc tiếp nhận tri thức phù hợp với thời đại số. Không dừng lại, gói gọn câu chuyện đọc sách in, đọc thông tin, tri thức, sáng tác, sáng tạo đóng gói theo cách truyền thống.

Hội thảo Phát triển văn hoá đọc đối với thanh thiếu niên trong kỷ nguyên số thêm một lần nữa nhận diện rõ những cơ hội và thách thức để có những giải pháp phù hợp chuẩn bị cho thế hệ đọc tương lai, góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Mời nghe âm thanh dưới đây: