Triển lãm do Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám phối hợp với Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp tổ chức. Đây là sự kiện chào mừng 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Pháp (1973 - 2023).

Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm, ông Phillip Le Failer, Trưởng đại diện Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội cho biết: Để thực hiện triển lãm này không phải là việc dễ, ngay cả đối với một nhà sử học như tôi. Trong bối cảnh lịch sử 50 năm đầu thế kỷ XX, Viện Viễn Đông Bác Cổ được giao quản lý công trình di sản và tôn giáo này, thể hiện qua nhiều bức ảnh trong thư viện ảnh của Trường tại Paris. Văn Miếu lúc đó thuộc tỉnh lỵ Hà Đông và Viện Viễn Đông Bác Cổ đã phối hợp cùng chính quyền Hà Đông khi đó để cùng nhau bảo trì, duy tu và làm đẹp cho công trình, với các hoạt động trùng tu định kỳ để bảo đảm công trình bền vững với thời gian. Cùng Ban Lãnh đạo Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chúng tôi mong muốn giới thiệu chi tiết về Văn Miếu trong thời kỳ này, mặc dù đây chỉ là một giai đoạn ngắn ngủi trong lịch sử hơn ngàn năm tuổi của Văn Miếu. Để tái hiện lại các giai đoạn trùng tu và qui hoạch Văn Miếu, chúng tôi đã đọc lại các văn bản và thấy nhiều bất ngờ thú vị. Ví dụ như Văn Miếu đã được dùng là nơi cách ly bệnh nhân bị tả trong đợt dịch 1903 hay vào thời gian đó, nông dân còn trồng khoai tây và ngô trong không gian Văn Miếu. Và chính Viện Viễn Đông Bác Cổ là bên đã đứng ra để trả lại không gian linh thiêng cho Văn Miếu cũng như đã vận động để Văn Miếu được xếp hạng di tích Hà Nội năm 1906.

Theo TS Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa, Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Văn Miếu được thành lập vào năm 1070 dưới thời vua Lý Thánh Tông, là nơi thờ các bậc tiên thánh, tiền hiền, và nơi Hoàng thái tử đến học. Quốc Tử Giám được xây dựng phía sau Văn Miếu vào năm 1076 dưới thời vua Lý Nhân Tông, là nơi học tập của con em hoàng gia và tầng lớp quý tộc, sau này thu nhận thêm con em xuất sắc của các tầng lớp bình dân khác. Ngày nay, Văn Miếu – Quốc Tử Giám trở thành di tích lịch sử, văn hoá tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội và cả nước, là biểu tượng của trí tuệ và nền học vấn lâu đời của người Việt. Triển lãm là dịp trưng bày những tư liệu quý về một giai đoạn lịch sử quan trọng của Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ năm 1898 - 1954. Trải qua thăng trầm của thời gian và biến cố lịch sử, di tích vẫn luôn được bảo tồn, gìn giữ một cách tốt nhất.

Bà Virginie Taverne - Trợ lý dự án, biên tập nội dung triển lãm chia sẻ: Trong quá trình tìm hiểu nội dung làm triển lãm, bức ảnh Nhìn ra "bên ngoài tường bao" là bức ảnh tâm đắc và ấn tượng nhất với tôi. Đó là bức ảnh được ghép từ 2 ảnh có cùng 1 góc nhìn ở vườn bia Tiến sĩ tại Văn Miếu. Chúng tôi có sơ đồ trước đây Văn Miếu nằm giữa một không gian hoang vắng chỉ có hồ nước và cây cối thôi nhưng trong những bản đồ, ảnh tiếp theo thì đã thấy có sự thay đổi. Có thể thấy là vào những năm 1920 từ vườn bia Tiến sĩ nhìn ra góc phố, nay là phố Nguyễn Khuyến thì khi đó vườn bia không có mái che như hiện nay và ở góc phố đã có những ngôi nhà 2 tầng xuất hiện cho thấy sự phát triển của Văn Miếu luôn gắn liền với sự phát triển đô thị Hà Nội.

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy- Giám đốc Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, triển lãm rất ấn tượng và thú vị. Trường Viễn Đông Bác Cổ đã tham gia vào nhận diện, trùng tu và bảo vệ di sản Văn Miếu trong suốt thời gian dài. Hơn nửa thế kỷ họ đã từng bước có những hành động trùng tu di tích và cuối cùng là đưa Văn Miếu danh sách xếp hạng di sản để bảo tồn. Chính từ những hoạt động đó chúng ta mới có được Văn Miếu- Quốc Tử Giám ngày hôm nay và trở thành một di tích vô cùng quan trọng của Thủ đô Hà Nội. Đồng thời triển lãm cũng cho chúng ta thấy quá trình bảo tồn Văn Miếu diễn ra như thế nào, những người tham gia vào quá trình bảo tồn đó. Họ là những nhà khoa học, kiến trúc sư, nhà nghiên cứu và quan trọng hơn là những nhà quản lý, ví dụ như Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu là người có tầm nhìn về việc bảo tồn di sản ra sao, sử dụng các kĩ thuật thủ công như thế nào cho hợp lý. Thực sự tôi nghĩ đây là triển lãm kể một câu chuyện rất tập trung, rất lý thú.

Ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết: với định hướng đưa di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt, trở thành trung tâm hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học và không gian sáng tạo của Thành phố Hà Nội, trong những năm qua, Sở Văn hóa và Thể thao đã chỉ đạo Trung tâm Hoạt động Văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm nhằm phát huy giá trị của di tích, đáp ứng tốt nhu cầu nghiên cứu, học tập, tham quan của du khách trong nước và quốc tế. Triển lãm “Văn Miếu trong sự hồi sinh di sản của Hà Nội giai đoạn 1898-1954” cho thấy trong giai đoạn 1898-1954, Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Viện Viễn đông Bác cổ Pháp có mối liên hệ chặt chẽ trong việc bảo vệ, tu bổ thường xuyên khu di tích, phục hồi chức năng thờ tự và luôn duy trì được vai trò quan trọng của địa điểm này đối với cảnh quan của Hà Nội. Văn Miếu - Quốc Tử Giám, là một trong những di sản đầu tiên của Hà Nội được xếp hạng. Thông qua bộ sưu tập ảnh Việt Nam của Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, triển lãm kể lại hành trình gìn giữ di sản, đồng thời nêu bật ý chí của những người Việt Nam cùng công việc của các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế để bảo tồn di sản này.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH TẠI TRIỂN LÃM:

Triển lãm kéo dài đến ngày 30/04/2023.