Trong lịch sử khoa bảng họ Ngô, làng Vọng nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh là gia tộc có truyền thống khoa bảng tiêu biểu vẻ vang kéo dài suốt mấy thế kỷ. Nhà sử học Phan Huy Chú từng ca ngợi rằng: “Làng Vọng Nguyệt ở huyện Yên Phong có họ Ngô kể từ Ngô Ngọc đỗ chính bảng đời Hồng Đức, rồi năm đời đỗ Tiến sỹ liên tiếp thực là xưa nay hiếm có”.

Theo gia phả họ Ngô thì thủy tổ họ Ngô ở Vọng Nguyệt chính là cụ Ngô Nguyên vốn quê gốc ở xã Tam Sơn, huyện Đông Ngàn, nay là phường Tam Sơn, thành phố Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Vào đời vua Lê Thái Tông (1433-1442), cụ Ngô Nguyên di cư về làng Vọng Nguyệt, được họ Chu giúp đỡ và gả con gái là Chu Thị Bột cho. Dòng họ Ngô Vọng Nguyệt bắt đầu từ đây. Cụ Ngô Nguyên và Chu Thị Bột sinh hạ được 2 người con trai là Ngô Ngọc và Ngô Định. Sau này Ngô Ngọc đỗ Tiến sĩ còn Ngô Định cũng làm quan triều Lê và di chuyển vào trấn Hoan Châu, mở đầu cho dòng họ Ngô ở Lý Trai, Diễn Châu, Nghệ An.

Người mở đầu cho truyền thống khoa bảng vẻ vang của chi nhánh họ Ngô ở Vọng Nguyệt chính là Tiến sĩ Ngô Ngọc. TS Nguyễn Văn Tú, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học Văn Miếu, Quốc Tử Giám cho biết: “Danh nhân Ngô Ngọc có tên hiệu là Tiềm Xuyên, ông sinh năm Nhâm Thân 1452, đỗ đệ nhị giáp Tiến sĩ xuất thân, tức Hoàng Giáp vào khoa thi năm Đinh Mùi, niên hiệu Hồng Đức thứ 18, đời vua Lê Thánh Tông. Ông cũng là người bắt đầu mở con đường khoa bảng vẻ vang cho con cháu trong họ về sau này. Ở địa phương vẫn còn truyền tụng câu ca: Đất thiêng phát phúc chẳng lâu/ Tiềm Xuyên là cụ con đầu nhất trai/ Khoa danh cao chiếm bảng trời/ Đinh Mùi Tiến sĩ khoa thời Lễ khoa”.

Theo sách Đăng khoa lục và Đại Việt sử ký toàn thư, bắt đầu từ Ngô Ngọc, dòng họ Ngô liên tiếp 5 đời sau đó trong vòng gần 200 năm đều có người đỗ đại khoa. “Nghiên cứu 82 tấm bia tại Văn Miếu Quốc Tử Giám chúng ta có thể thấy được rất nhiều dòng họ có truyền thống khoa bảng và trong số đó có dòng họ Ngô ở Vọng Nguyệt, Yên Phong, Bắc Ninh - dòng họ tiêu biểu quê hương kinh Bắc với 5 vị đỗ đại khoa. Thứ nhất là Hoàng Giáp Ngô Ngọc, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ xuất thân Đinh Mùi niên hiệu Hồng Đức thứ 18 năm 1487. Tiếp sau là Ngô Hải, đỗ Hoàng giáp khoa thi năm Mậu Thìn ( 1508), đời vua Lê Uy Mục, từng giữ chức Thừa chính sứ. Ngô Trừng, đỗ Hoàng giáp khoa Canh Thìn (1580) đời vua Lê Mậu Hợp, làm quan đến chức Tự khanh. Một người được khắc trên bia Tiến sĩ nữa là Ngô Nhân Triệt, đỗ Đệ tam giáp Đồng tiến sĩ xuất thân khoa thi năm Đinh Mùi (1607), đời vua Lê Kính Tông. Và Ngô Nhân Tuấn đỗ Tiến sĩ khi đã 45 tuổi ở khoa Canh Thìn (1640), đời vua Lê Thần Tông, làm quan đến chức Công bộ Thượng thư, về trí sĩ được thăng chức Hộ bộ Thượng thư”, TS Nguyễn Văn Tú chia sẻ.

Xung quanh sự đỗ đạt vinh hiển của dòng họ Ngô lệnh tộc có rất nhiều giai thoại. Chẳng hạn chuyện một thầy địa lý Trung Hoa đã chỉ cho cụ tổ họ Ngô lệnh tộc là Ngô Nguyên đến một khu đất tốt hướng dẫn xây nhà thờ họ thì con cháu nhất định hiển vinh. Địa điểm đặt nhà thờ ứng với 2 câu sấm của thầy địa lý là “vườn quýt, ao Lác”. Câu chuyện trên như là giai thoại nhưng kỳ lạ là địa điểm đặt nhà thờ tổ họ Ngô trong truyền thuyết vẫn còn, trên nền vườn quýt, ao Lác xưa trong làng Vọng Nguyệt. Và rất nhiều câu chuyện mang tính huyền sử như danh xưng “Cụ Ngô thí thóc”… Không ai dám chắc những giai thoại này là căn cứ chứng minh đường phát khoa bảng của họ Ngô lệnh tộc, nhưng có một điều chắc chắn, dòng họ Ngô là một dòng tộc lớn có nhiều đóng góp trong lịch sử của dân tộc.

Theo TS Lê Viết Nga, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bắc Ninh, Vọng Nguyệt là vùng đất địa linh sinh ra nhân kiệt: “Vọng Nguyệt đứng đầu huyện Yên Phong về số lượng các nhà khoa bảng. Làng có tới 8 vị cử nhân Tú tài, hàng mấy chục vị đỗ trong thời kỳ phong kiến về thử nghiệm. Phan Huy Chú đã đặc biệt ca ngợi làng Vọng Nguyệt của họ Ngô Từ Ngô Ngọc Đỗ Chính Bản Thời Hồng Đức rồi tới 5 đời độ liên tiếp thực là xưa nay có ít”.

Không chỉ rạng danh truyền thống khoa bảng, theo TS Trần Đình Luyện, nguyên Phó Chủ tịch Hội Sử học tỉnh Bắc Ninh, di tích nhà thờ họ Ngô ở làng Vọng Nguyệt còn mang nhiều giá trị lịch sử: “Đây là một công trình kiến trúc thời Nguyễn, quy mô khiêm nhường gồm tiền tế và nhà hậu đường, được các nhà nghiên cứu đánh giá là “ngũ thế liên đăng khoa tiến sĩ”, là một gia tộc thiên hạ rất hiếm. Giá trị thứ hai là di tích từ đường của gia tộc Ngô Nguyệt có một giá trị lịch sử văn hóa rất đặc biệt về quan hệ giữa họ Chu và họ Ngô. Họ Chu cho con gái và con rể là Chu Thị Bột và Ngô Nguyên mảnh đất này khi hai người thành thân với nhau. Chính sau này trở thành nhà thờ của đại tôn họ Ngô. Vì vậy, đây là một biểu tượng tuyệt đẹp về mối gắn kết giữa hai gia tộc họ Chu và họ Ngô Làng Vọng Nguyệt. Các hiện vật, tài liệu ở đây không chỉ có giá trị với gia tộc với quê hương mà còn có giá trị cho việc nghiên cứu lịch sử, nhất là lịch sử khoa bảng. Bởi, ở đây đã lưu giữ 4 cuốn gia Phả Thời Lê và tấm bia đá: “Ngô tộc ngũ đại liên trúng tiến sĩ” là những tư liệu lịch sử” - ông Trần Đình Luyện phân tích.

Mời nghe âm thanh tại đây:

Theo các tài liệu lịch sử, danh hiệu “Ngũ đại liên trúng” là 4 chữ vàng được vua ban khen thưởng cho họ Ngô làng Vọng Nguyệt vì thành tích học tập cho đến thời điểm năm 1640, khi Ngô Nhân Tuấn là thế hệ thứ 5 của chi trưởng họ Ngô đỗ Tiến sĩ. Cũng theo các nguồn sử liệu, dòng họ này không chỉ 5 đời liên tiếp có người đỗ đại khoa mà lên tới 10 đời. Trong số đó, 5 đời phát tiến sĩ ở chi trưởng và 5 đời phát tiến sĩ ở chi thứ. Ngoài ra, tính đến khoa thi cuối cùng thời Phong kiến ở Việt Nam vào năm 1918 dưới triều Nguyễn, họ Ngô làng Vọng Nguyệt có 58 người đỗ cử nhân và tú tài. Thời kỳ hiện đại, họ Ngô nói riêng, làng Vọng Nguyệt nói chung vẫn phát huy tốt truyền thống khoa bảng vẻ vang của cha ông.