Hành trình cùng con vượt lên số phận

"Phố xưa hè cũ", triển lãm đầu tiên với 80 bức tranh về những con phố Hà Nội của họa sỹ trẻ Trần Nam Long lôi cuốn người xem bước vào thế giới của hình khối, sắc màu. Điều đặc biệt không mấy người biết, tác giả của những bức tranh đó là một chàng trai khiếm thính, tự kỷ.

Tất bật chỉnh sửa, hoàn thiện những khâu cuối cùng trước ngày khai mạc triển lãm đầu tiên của con trai, chị Phùng Hiếu, mẹ của họa sỹ trẻ Trần Nam Long dành chút ít thời gian cho câu chuyện đồng hành cùng con. Chuyện bắt đầu từ những bức tranh trong triển lãm "Phố xưa hè cũ".

“Phố Cửa Đông này! Cùng một không gian nhưng Long có đến 2 bức, một kí họa. Còn bức sơn dầu này vẽ chi tiết khung cửa sổ tách ra từ chính bức kí họa đấy. Hai bức này là sự thay đổi của Long trong từng giai đoạn. Bức bên phải này so với bức bên trái hầu như đã khác hoàn toàn bởi sự tách không gian rất mạnh. Bóng nắng ở đây sống động, nhảy múa hơn", chị Phùng Hiếu say sưa.

"Chỉ cần có hướng dẫn Long sẽ tự nắm bắt rất nhanh. Những họa sỹ dạy đều công nhận con có khả năng về hình học, tưởng tượng về không gian rất giỏi”, người mẹ chia sẻ đầy tự hào.

18 năm, từng bước chân của họa sỹ trẻ Nam Long đều có mẹ ở cạnh bên. Chồng mất, một mình chị Hiếu nuôi hai con, nhà đi thuê, công việc bấp bênh. Đã vậy, Nam Long vốn đã mất đi thính giác từ khi còn bé, không nghe - nói được, giờ lại phát hiện thêm bệnh tự kỉ.

Việc học văn hóa của Long cực kì khó khăn bởi khả năng đọc hiểu của em hạn chế. Lặn lội tìm lớp chữ kí hiệu học để giao tiếp, giải thích được với con, nhưng cuộc mưu sinh không cho phép chị Hiếu theo học lâu dài, đành theo kiểu vừa giao tiếp vừa học con, vừa đoán ý. Long cũng vừa quan sát cử chỉ từ tay mẹ, vừa nhìn khẩu hình. Cho đến khi Long đi học ở trường câm điếc Nhân Chính, chị Hiếu vẫn đau đáu nỗi lo về tương lai, về việc làm sao đồng hành cùng con trong chặng đường nhiều khó khăn tiếp theo?

Năm lớp 4, bức tranh của Long vẽ được cô chủ nhiệm gửi đi dự thi và giành giải đặc biệt mở ra một chặng đường mới với cả hai mẹ con. Từ bức tranh ấy, một họa sỹ phát hiện ra nét đặc biệt trong sắc màu, góc nhìn của Nam Long và nhận dạy miễn phí, thậm chí lo cả họa phẩm và quan trọng nhất, thổi bùng lên trong em học sinh thiệt thòi khi ấy một giấc mơ đẹp đẽ, lung linh trong góc nhìn thay thế cho thế giới vô thanh, lặng lẽ.

“Thầy dạy con cách làm quen với màu một cách chuyên nghiệp hơn, có thể khám phá, trải nghiệm thế giới tự nhiên hơn. Và khi con xong bài, thầy sẽ xem và từ đó đến nay, đó vẫn là thần tượng của Long. Đó cũng là thời điểm đánh dấu chính thức con đường hội họa của con”, mẹ Long nhớ lại.

Rồi Long cũng trải qua thêm một giáo viên hội họa nữa, cũng được học miễn phí. Có điều cô theo dòng tranh lụa, Long thiên về kí họa và sơn dầu ở mảng kiến trúc, phong cảnh. Cho con học ở những lớp hội họa chuyên nghiệp thì mẹ không đủ tiền, để con dừng lại đồng nghĩa khép lại tất cả những đam mê, hi vọng vừa thành hình. Mẹ Long khi ấy cùng con tìm tòi, lần mò trên mạng. Thông qua những clip trên Youtube, Long được tiếp cận với nhiều kỹ thuật hội họa chuyên nghiệp từ họa sỹ trong và ngoài nước. Đam mê, nghiêm túc, ham học hỏi đã giúp Long hoàn thiện dần kiến thức mà bình thường rất khó khi em hạn chế khả năng đọc hiểu.

Nhưng hội họa là hành trình từ rung cảm, thêm năng khiếu và qua rèn luyện kĩ năng mới dần hoàn thiện được tác phẩm. Mẹ lại tiếp tục đồng hành cùng Long suốt những ngày sáng tác. Những chuyến lên miền núi phía Bắc, vào miền Trung hay tìm đến những góc phố rất nhỏ, rất riêng, rất đặc trưng của Hà Nội của chàng họa sỹ trẻ Trần Nam Long đều có mẹ ở bên.

Chia tay trường Nhân Chính trên phố Hoàng Ngân, Long học tiếp ở Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, thuộc trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, đường Hoàng Quốc Việt. Từ nhà đến trường cả đi cả về ngót 3 chục cây số, chị Hiếu vẫn miệt mài đưa đón con hằng ngày.

“Có những giai đoạn thu nhập của mình chỉ được khoảng 5 triệu đồng thôi mà cần phải chi học hành cho 2 con, thuê nhà nên trong đầu luôn tính toán làm sao trong một tuần, tiền ăn chỉ được phép dùng 200 nghìn đồng. Rồi đợt mình ốm đến cùng kiệt, phải xin nghỉ và khi đến phòng khám để truyền nước thì không còn biết gì nữa", chị Hiếu nhớ lại.

Nghĩ lại giai đoạn đó, chị Hiếu cho rằng mẹ con chị đã vượt qua chắc bởi khả năng sinh tồn, "bởi sự đồng hành của các con và Long là một món quà đặc biệt mình nhận được trong cuộc đời này”. Giữa phòng triển lãm, thành quả của con trai, nước mắt chị Hiếu lăn dài khi nhớ lại chặng đường vừa mới đi qua.

Quả ngọt

Điều may mắn nhất theo chị Hiếu nằm ở việc Long dù nhận thức, trí tuệ chậm hơn so với các bạn nhưng bù lại rất trách nhiệm, hiểu chuyện và yêu thương mẹ.

Tranh Long vẽ bắt đầu có người sưu tập giúp mẹ bớt đi phần nào áp lực cơm áo. Để đảm bảo cuộc sống ổn định ba mẹ con đã tích cóp mua nhà.

Đồng hành cùng con trong chặng đường dài, chị Hiếu đúc kết một nguyên tắc không ép buộc, để Long thoải mái, vẽ mệt rồi sẽ nghỉ ngơi bởi nghệ thuật không thể gượng ép. Nhưng khi con có lại trạng thái tốt hơn, mẹ sẽ gia tăng chút áp lực bằng những gợi ý xem lại phần kĩ thuật này nên xử lý thế nào hay đoạn này hình như chưa được ổn...và mỗi một lần như thế Long đều cố gắng.

“Mình nghĩ cố gắng thế bởi bạn ấy rất khao khát khao khát được trở thành một họa sĩ thực thụ, khao khát nữa là để cho cuộc sống của mẹ con đỡ vất vả hơn”.

Để con có thêm động lực, chị Hiếu nói với con trai về việc tổ chức triển lãm cá nhân. Và trong hơn một năm kể từ ngày hình thành ý tưởng triển lãm ghi nhận nỗ lực phi thường từ Long. Chỉ trừ thời gian học văn hóa, thời gian còn lại em đều dành cho giá vẽ. Gần 60 trong số 80 tác phẩm triển lãm gồm cả kí họa và tranh sơn dầu khổ lớn hoàn thành trong thời gian này cũng có thể khiến cho những họa sĩ lâu năm trong nghề bất ngờ bởi sức làm việc.

Trong suốt khoảng thời gian vừa chăm lo, đưa đón các con hằng ngày, lo mưu sinh, chị Hiếu vẫn thu xếp thời gian cùng Long đến dự hầu hết các cuộc triển lãm tranh lớn nhỏ. Con có cơ hội gặp gỡ những đàn anh, đàn chú trong giới, mở rộng thêm trường kiến thức hội họa, mẹ âm thầm tìm hiểu quy trình tổ chức triển lãm từ những khâu nhỏ nhất. Để rồi triển lãm đầu tiên của Long tổ chức tại khuôn viên nhà triển lãm 29 Hàng Bài diễn ra ấm áp, chỉn chu, hội tụ đông đảo giới văn nghệ sĩ, người yêu tranh và cả những người theo dõi hành trình đồng hành cùng con từ mạng xã hội.

Chị Hạnh, một bạn trên mạng xã hội với mẹ Long suốt 4,5 năm nay gác tất cả công việc để đến dự khai mạc triển lãm. Tình cờ biết đến câu chuyện của Long và mẹ đúng vào thời điểm gặp một một vài vấn đề về tâm lý, khúc mắc trong cuộc sống, chị Hạnh nhận ra trong khó khăn đến cùng cực thì niềm tin, tình yêu và sự ấm áp từ gia đình sẽ là động lực để vượt qua tất cả.

Anh Thành Trung, một cư dân phố cổ lặn lội giữa những cung đường tắc nghẽn của Thủ đô giờ tan tầm để đưa con trai đến triển lãm đúng giờ khai mạc. “Tôi sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, ngắm tranh Long tôi thấy lại tuổi thơ của mình qua từng góc phố, mái nhà, ngõ nhỏ. Đưa con trai đến đây, tôi muốn con thấy được nghị lực của Nam Long đồng thời cũng muốn gặp chị Hiếu để thấy mình còn phải cố gắng nhiều trong vai trò đồng hành hay giáo dục con. Phát hiện ra năng lực, sở trường của con nhưng để đồng hành, vượt qua khó khăn quá lớn trong cuộc mưu sinh không phải điều dễ dàng”, anh Thành Trung chia sẻ.

Những việc làm của chị Phùng Hiếu theo một cách nào đó đã truyền cảm hứng sống, cảm hứng vượt khó cũng như khẳng định vai trò của giáo dục bằng yêu thương và thấu hiểu cho nhiều phụ huynh, đặc biệt những gia đình có con em không may khiếm khuyết.