Cục trưởng Cục điện ảnh Vi Kiến Thành vừa kí quyết định cấm phổ biến phim "Vị" (tên tiếng Anh: Taste) tại Việt Nam vì tác phẩm "không phù hợp với văn hóa Việt Nam". Đây là tác phẩm của đạo diễn Lê Bảo, có nội dung xoay quanh một cầu thủ đá bóng người Nigeria đến Việt Nam lập nghiệp, hợp đồng chấm dứt và lâm cảnh khốn khó, anh ta chấp nhận ở chung nhà, cùng sinh hoạt với 4 người phụ nữ lớn tuổi là lao động nghèo.

Theo thông tin từ Hội đồng thẩm định phim truyện quốc gia, “Vị” có những cảnh khỏa thân của cả năm nhân vật rất trực diện và kéo dài hàng chục phút "mà không thể hiện ý nghĩa gì, khiến người xem rất mệt mỏi". Trước đó, phim bị Thanh tra Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch phạt 35 triệu đồng vì tham dự Liên hoan phim Berlin vào tháng 3/2021 dù chưa được cấp phép phổ biến.

"Vị" không phải phim đầu tiên bị tuýt còi vì lý do "không phù hợp với văn hóa Việt Nam".

Vợ ba

Phim “Vợ ba” của đạo diễn Nguyễn Phương Anh trước khi ra mắt khán giả trong nước đã chinh chiến và giành nhiều giải thưởng tại các Liên hoan phim quốc tế: Phim thắng giải của NETPAC - tổ chức phát triển điện ảnh Châu Á gồm 29 quốc gia thành viên - ở Liên hoan phim Toronto (Canada); giải TVE-Another Look tại Liên hoan phim San-Sebastian (Tây Ban Nha) và “Phim xuất sắc” ở hạng mục tác phẩm quốc tế tại Liên hoan phim Kolkata International (Ấn Độ).

Tuy nhiên khi chiếu ở Việt Nam, “Vợ ba” vấp phải phản ứng của khán giả với hình ảnh diễn viên 13 tuổi đóng một số cảnh nhạy cảm. Do áp lực dư luận, nhà sản xuất rút phim khỏi rạp sau 4 ngày công chiếu. Đồng thời, nhà sản xuất phim bị phạt 50 triệu đồng vì Cục Điện ảnh phát hiện bản phim "Vợ ba" chiếu tại rạp khác với bản phim đã được thẩm định, cấp phép và lưu chiểu…

Bẫy cấp 3

Bẫy cấp 3 của đạo diễn Lê Văn Kiệt xoay quanh câu chuyện của một nam sinh cấp 3 bị gia đình phân biệt đối xử, bị bạn bè coi thường. Sau bao nhiêu uất hận, bất công, nam sinh đã lên kế hoạch giết chết từng người với cái bẫy tinh vi do chính mình đặt ra.

Phim bị Cục Điện ảnh bị cấm phát hành vào tháng 5/2012 vì có quá nhiều chi tiết phi lý và chứa nhiều nội dung mang tính bạo lực, chuyện giường chiếu của lứa tuổi học sinh không phù hợp với đạo đức cũng như lối sống của người Việt Nam.

Việc các phim Việt giành nhiều giải thưởng quốc tế nhưng lại bị "làm khó" khi xin cấp phép phổ biến trong nước khiến dư luận đặt ra câu hỏi, phải chăng Cục Điện ảnh và hội đồng duyệt phim cổ hủ, không theo kịp sự phát triển của các trào lưu điện ảnh?

Tuy nhiên, theo nhà báo Trần Việt Văn, ủy viên Hội đồng Thẩm định Phim truyện Việt Nam, không phải phim cứ đoạt giải quốc tế thì mặc định đó là phim hay và phù hợp với thị hiếu cũng như khả năng cảm nhận của khán giả đại chúng trong nước "Mỗi liên hoan phim có một tiêu chí khác nhau và nhiều liên hoan phim thiên về ca ngợi, tôn vinh những bộ phim phản ánh góc khuất của xã hội. Góc khuất đấy không xấu, nhưng vấn đề là cái nhìn của nhà làm phim. Cũng một góc khuất nhìn theo con mắt nhân văn khác với cái nhìn bế tắc, thậm chí hẳn học, hạ thấp phẩm giá con người".

“Nếu suy nghĩ phim được giải nên phải hay thì không chắc. Có những phim không đoạt giải vẫn hay và ngược lại, phim đoạt giải chưa chắc đã hay, chẳng qua nó phù hợp với một tiêu chí nào đó của liên hoan phim”, nhà báo Việt Văn nói.

Hiện nay, nhiều liên hoan phim quốc tế tuyển trực tiếp phim tham dự với các cá nhân, đơn vị mà không thông qua cơ quan quản lý nhà nước. Chính vì thế, không ít đơn vị sản xuất, đạo diễn mang phim đi dự thi, công bố ở nước ngoài trước, sau đó mới về nước xin cấp phép phổ biến và phân loại phim. Điều này trái với quy định tại Việt Nam, đó là trước khi mang phim đi thi quốc tế, nhà làm phim phải trình duyệt với Cục Điện ảnh và có buổi chiếu thẩm định để xin cấp phép phổ biến và phân loại phim.

Bản thân từng nhiều lần lên tiếng bảo vệ các nhà làm phim, giờ tham gia hội đồng thẩm định phim, nhà báo Việt Văn khẳng định, anh cũng như các thành viên hội đồng nhiệm kỳ mới "có cái nhìn cực kỳ cởi mở với các xu thế mới trong điện ảnh và sẵn sàng chấp nhận những sáng tạo mới lạ, thậm chí lập dị, nếu những sáng tạo đó phản ánh được cái chân - thiện - mỹ trong tác phẩm. Nhưng điều đó không có nghĩa là bất chấp đưa vào phim những thứ "trái với quan niệm thẩm mỹ truyền thống Việt Nam".

Nhà báo Việt Văn cũng nhắn nhủ, các nhà làm phim Việt hãy tích cực trao đổi cởi mở với hội đồng, để tránh cảnh bị phạt với tâm trạng ấm ức như thời gian qua. "Chúng tôi mong muốn và sẵn sàng đối thoại với các nhà làm phim nhưng họ cũng cần tin tưởng và chia sẻ với chúng tôi".