Đây là một trong những hoạt động ý nghĩa để tôn vinh, khơi dậy lòng tự hào về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu - một nhà thơ, một thầy thuốc, nhà yêu nước được UNESCO vinh danh trong danh sách các “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 - 2023”. Đây cũng là dịp để hội viên Hội Người mù trong cả nước thêm hiểu, tự hào và học tập noi gương danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu.

Tham dự buổi nói chuyện gồm ông Đinh Thanh Tùng, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam, bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam cùng các hội viên của Hội tại Hà Nội và 180 điểm cầu tham gia trực tuyến tại các tổ chức Hội trong cả nước.

2 diễn giả của buổi nói chuyện là GS.TS Nguyễn Chí Bền - nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam, người trực tiếp xây dựng hồ sơ Danh nhân văn hóa Nguyễn Đình Chiểu để trình UNESCO và GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Quyền Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia Việt Nam thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, người có nhiều công trình nghiên cứu về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu.

Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu (sinh 1/7/1822 mất năm 1888), quê quán tại làng Tân Khánh, huyện Bình Dương, phủ Tân Bình, tỉnh Gia Định (nay là phường Cầu Kho, quận 1, TP.HCM.

Sau biến cố lịch sử, ông và gia đình về sống tại làng An Đức, tổng Bảo An, tỉnh Vĩnh Long (nay là xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre). Hơn một phần tư thế kỷ sống trên đất Bến Tre, ông đã để lại cho hậu thế những áng thơ văn bất hủ.

Không những thế, Nguyễn Đình Chiểu được đánh giá là một nhà văn hóa, nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam. Ông là tấm gương vượt qua nghịch cảnh và theo đuổi lý tưởng học tập suốt đời.

Ngoài sáng tác thơ văn, ông còn là một thầy thuốc, một nhà giáo được người đời quý mến về tài năng, đức độ. Trọn đời dốc lòng dạy dỗ, truyền thụ cho môn sinh đạo làm người, đạo lý truyền thống của dân tộc.

Tại kỳ họp lần thứ 41 của Đại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO, diễn ra từ ngày 9 đến 24-11- 2021 tại Paris, Pháp), đã chính thức thông qua hồ sơ khoa học Danh nhân Nguyễn Đình Chiểu của Việt Nam trong danh sách các danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử có tầm vóc quốc tế niên khóa 2022 - 2023.

Chia sẻ tại buổi nói chuyện, GS.TS Nguyễn Chí Bền nhận định, trước hết nói về Nguyễn Đình Chiểu là phải nói đến phẩm cách của một người đã vượt lên số phận đầy trắc trở. Nguyễn Đình Chiểu là người tự học suốt đời tiêu biểu. Từ tự học trở thành một nhà thơ lớn, một nhà giáo mẫu mực và một thầy thuốc sáng ngời y đức. “Nói về danh nhân Nguyễn Đình Chiểu có lẽ đó là một tấm gương 2 lần gương sáng. Gương sáng thứ nhất là tự học, gương sáng thứ 2 là tự học trong một hoàn cảnh có thể nói là nghịch cảnh” – GS TS Nguyễn Chí Bền nhấn mạnh.

Từ các tài liệu nghiên cứu cho thấy, trong nghề thầy thuốc, cụ Nguyễn Đình Chiểu quan tâm hàng đầu đến người bệnh, coi người bệnh như là chính mình. Y đạo và y đức của cụ Đồ Chiểu là tấm gương ngời sáng cho hậu thế noi theo. Cũng theo GS.TS Nguyễn Chí Bền, trong số 500 tác phẩm y học cổ truyền Việt Nam bằng Hán Nôm, “Ngư tiều y thuật vấn đáp” của Nguyễn Đình Chiểu có một vị thế đặc biệt. Sự uyên thâm về y lý, tất cả những tâm huyết nghề y và tấm lòng đối với đất nước đã được thể hiện ở tác phẩm này. Nguyễn Đình Chiểu được xem là gương mặt lớn của các nhà Đông y trong lịch sử hơn 300 năm của vùng Nam Bộ.

“Điều đáng khâm phục nữa là khi đã bị mù, cụ Nguyễn Đình Chiểu mới học làm thầy thuốc và trở thành một thầy thuốc giỏi, một lương y uyên thâm về y lý, đặc biệt là y đức và y đạo, để vừa cứu người vừa cứu dân, cứu nước. Khi ông mất, biết bao nhiêu bệnh nhân được ông chữa khỏi đã đến xin chịu tang” - GS.TS. Nguyễn Chí Bền bày tỏ.

Còn GS.TS Từ Thị Loan với những tư liệu nghiên cứu của mình khẳng định rằng, Nguyễn Đình Chiểu là tấm gương sáng của một người tàn tật kiên cường vượt lên nghịch cảnh để trở thành người có ích, không những thế còn để lại cho đời những tác phẩm bất hủ.

“Càng đi sâu vào cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Đình Chiểu, chúng ta càng thấy rõ giá trị, tầm vóc và những đóng góp to lớn của ông đối với sự phát triển của văn học Việt Nam nói riêng, văn hóa dân tộc nói chung. Ông có những đóng góp trên nhiều phương diện từ tư tưởng sáng tác, quan niệm văn chương đến thế giới nghệ thuật, hệ thống chủ đề, hệ thống thể loại và ngôn ngữ văn học… Từ đó thấy được tầm vóc, giá trị và những đóng góp của ông vào sự phát triển của văn học dân tộc” – GS.TS Từ Thị Loan nhận định.

Trong khuôn khổ của buổi nói chuyện chuyên đề còn diễn ra chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ của các hội viên khiếm thị với những tác phẩm ca ngợi ý chí, nghị lực sống của người khiếm thị và diễn xướng một số tác phẩm của cụ Nguyễn Đình Chiểu.

Bà Đinh Việt Anh, Phó Chủ tịch Hội Người mù Việt Nam khẳng định, thông qua những tư liệu quý của 2 diễn giả đã góp phần quan trọng để đông đảo hội viên Hội Người mù Việt Nam thêm hiểu, thêm tự hào về danh nhân đồng tật. Trong thời gian tới, các tổ chức thành viên và hội viên Hội Người mù VN sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện tốt lời dạy “Tàn nhưng không phế” của Chủ tịch Hồ Chí Minh và noi gương của danh nhân khiếm thị Nguyễn Đình Chiểu để tiếp tục học tập, công tác tốt và vươn lên hòa nhập trong cuộc sống.