Đây là những nghệ nhân đã có nhiều cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.

Trong đó, 64 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân nhân dân ở các loại hình di sản văn hóa phi vật thể: Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Tri thức dân gian; Ngữ văn dân gian; Tiếng nói, chữ viết; Lễ hội truyền thống.

Những “báu vật nhân văn sống” được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu NNND ở loại hình Nghệ thuật trình diễn dân gian có số lượng nhiều nhất.

Nhiều nghệ nhân cống hiến xuất sắc trong gìn giữ, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc có tên trong danh sách này: NNƯT Nguyễn Đăng Lưu (Bắc Kạn); NNƯT Nguyễn Văn Cầu (Bắc Ninh), NNƯT Tạ Thị Hình (Bắc Ninh), NNƯT Điểu Nơi (Bơ Pôl)- Đăk Nông; các nghệ nhân của TP Hà Nội: NNƯT Bùi Thế Kiên, Nguyễn Thị Tam, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Lan, Bùi Quốc Thi, Lưu Ngọc Đức, Ngô Văn Đảm, Chu Tiến Công, Nguyễn Văn Thành, Nguyễn Hữu Kiêm, Phạm Thị Ánh Tuyết; NNƯT Trần Thị Duyên (Bà Đức)- Nam Định, NNƯT Lê Đức Chắn (Quảng Ninh), NNƯT Châu Ôn (Sóc Trăng), NNƯT Lò Văn Lả (Sơn La), NNƯT Nguyễn Thị Hồng Vanh (TP. Hồ Chí Minh), NNƯT Phạm Thị Tuyết (TP. Hồ Chí Minh), NNƯT Nguyễn Thanh Vân (TP. Hồ Chí Minh), NNƯT Tôn Nữ Thị Hà (Tịnh Gia Viên)- Thừa Thiên Huế...

Tại Quyết định số 1023/QĐ-CTN, 01 nghệ nhân được truy tặng danh hiệu NNND là NNƯT Phạm Văn Bảo (Thanh Hóa)- nghệ nhân loại hình Tập quán xã hội và tín ngưỡng.

547 người được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú ở các loại hình di sản văn hóa phi vật thể: Nghệ thuật trình diễn dân gian; Tập quán xã hội và tín ngưỡng; Tri thức dân gian; Ngữ văn dân gian; Tiếng nói, chữ viết; Lễ hội truyền thống.

Hà Nội là địa phương có số nghệ nhân được phong tặng danh hiệu NNƯT đợt này đông nhất, với 54 nghệ nhân.

Ngoài ra, Chủ tịch nước cũng đã ký quyết định truy tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú cho 16 người đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc.