Đền Hạ – Đền Trình là điểm đến đầu tiên trong hành trình khám phá khu di tích Đền Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội). Theo truyền thuyết thì đây là nơi thờ thần Nứa – vị thần đã cho phép Thánh Gióng chọn nơi đây để bay về trời, nhân dân tôn xưng ông là “Thánh Thần Vương”…

Chị Nguyễn Thị Tuyết Chinh, thuyết minh viên của Trung tâm quản lý khu du lịch di tích đền Sóc Sơn cho biết: "Đây là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến hành trình cõi nhân gian của Thánh Gióng, sau khi đánh tan giặc Ân để siêu thoát về trời, là vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi tụ khí linh thiêng của trời và đất. Quần thể được khởi dựng vào thế kỷ thứ 10 Thời tiền Lê. Trải qua rất nhiều các triều đại được sắc phong và tu bổ, hiện nay quần thể lưu giữ 8 nơi thờ chính".

Rời đền Trình bạn sẽ đến được chùa Đại Bi, một ngôi chùa kiến trúc cổ kính đầy ấn tượng với hoành phi, câu đối sơn son thếp vàng.

Ở phí đối diện với chùa Đại Bi là đền Mẫu, nơi thờ tự mẹ của Thánh Gióng, không gian nơi đây bình yên, nhẹ nhàng. Tại đền này có một giếng nước cổ được gọi tên là giếng Mẫu.

Tâm điểm của tập hợp các di tích này là đền Thượng. Đây là đền thờ Thánh Gióng – Phù Đổng Thiên Vương, một trong tứ bất tử của văn hóa dân gian Việt Nam.

"Đền Thượng nơi thờ Phù Đổng Thiên Vương và các vị thánh thần. Đây là nơi tụ khí linh thiêng nhất trong toàn bộ khu di tích. Vị đứng chính giữa chính là phù Đổng Thiên Vương, với gương mặt đỏ, mắt trừng nhìn thẳng, tay thủ ấn Kim Cang Quyền. Vào thời Hùng Vương thứ sáu, nước Văn Lang đang Thái Bình, cõi Sóc Sơn đang phẳng lặng, binh mã quân ầm ầm kéo sang. Trước tình thế đó, Thánh Gióng đã rẽ mây, phất ngọn cờ đào ra tay sấm sét nửa chiều dập tan, áo bào để lại Linh San, để rồi thắt nợ hồng trần về tiên. Sau đó, ông 1 người, 1 ngựa về đến vùng đất Sóc Sơn, đến lưng chừng núi cởi bỏ áo chế bào rồi lên đỉnh núi đá Chồng siêu thoát về trời", chị Nguyễn Thị Tuyết Chinh, thuyết minh viên của Trung tâm quản lý khu du lịch di tích đền Sóc Sơn cho biết thêm.

Rời đền Thượng và các di tích ở phía dưới chân núi, những bậc thang phủ đầy rêu phong sẽ đưa chân du khách lên đến chùa Non Nước (tên chữ là Sóc Thiên Vương Thiền Tự) nằm ở độ cao hơn 110m so với chân núi. Tại đây, du khách được hít hà bầu không khí trong lành, tinh khiết, đắm mình vào tiếng chuông chùa ngân vang, trầm lắng và cái hư ảo, huyền thoại của không gian bảng lảng khói sương.

Ngôi chùa này còn là nơi toạ lạc của pho tượng Phật tổ Như Lai bằng đồng đúc liền khối lớn nhất tại Việt Nam. Tượng nặng 30 tấn, cao 6,50m. Tượng đúc đồng liền khối nặng hàng chục tấn đòi hỏi kỹ thuật rất cao.

Nổi bật nhất ở đền Gióng phải kể đến bức tượng Thánh Gióng được làm bằng đồng tọa lạc trên đỉnh núi Đá Chồng. Bức tượng hoàn toàn được chế tác từ đồng nguyên chất với chiều cao 11,7m và nặng đến 85 tấn.

Địa điểm cuối cùng bạn có thể ghé thăm chính là chùa Non Nước, nơi này có vị thế đẹp với không gian yên tĩnh và gần gũi với thiên nhiên. Tất cả điều này đã khiến du khách đến đây rất tự hào:

"Mỗi lần tới đây đều cảm nhận được tình cảm và sự linh thiêng của đền, mang lại cho mình tâm linh bình an và thánh thiện", chị Nguyễn Thị Liên- tập thể Z125 Mai Đình, Sóc Sơn, Hà Nội cho biết.

"Chốn linh thiêng này rất là đẹp. Đến đây đi lễ đền chùa, vãn cảnh thấy rất vui", du khách Lê Thị Thanh Hà Minh đến từ Đông Anh, Hà Nội cảm nhận.

Trên đường xuống núi, du khách có thể dừng chân ghé thăm Học viện Phật giáo Việt Nam với các khu quảng trường, tượng đài, đại giảng đường, thư viện, bảo tàng, câu lạc bộ, ký túc xá, sân vận động…

Nếu ghé thăm đền Gióng từ ngày 6 đến ngày 8 tháng Giêng Âm Lịch hằng năm, du khách tham gia lễ hội đền Gióng với rất nhiều hoạt động đặc sắc. Đây là lễ hội thường niên được tổ chức hằng năm để tưởng nhớ công ơn của Thánh Gióng.

Năm 1962: Nhà nước xếp hạng là Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia.
Năm 2010, UNESCO đã vinh danh Hội Gióng là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.
Năm 2014: Xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt về kiến trúc nghệ thuật.
Năm 2021: Công nhận điểm du lịch di tích quốc gia đặc biệt của thành phố Hà Nội.

Mời nghe âm thanh tại đây: