Đình Phú Gia được xây dựng trên diện tích khoảng gần 2.000m2 ở trung tâm của làng Phú Gia, Tây Hồ, TP Hà Nội. Đình quay theo hướng Tây. Phía trước là hệ thống các cây cổ thụ trang nghiêm, cổ kính. Ngoài cùng là ao đình được xây dựng theo hình tròn, diện tích khoảng 300m2, mùa hè tỏa hương hoa sen thơm ngào ngạt, tạo không gian thoáng đạt cho ngôi đình.

Nghi môn là một nếp nhà ngang ba gian làm bằng gỗ khá độc đáo, mái lợp ngói ta, bờ nóc đắp dạng bờ đình, đầu của hồi nóc xây cong hình mũi thuyền. Phần trên của các bờ dải cũng được làm cao khoảng 30cm, đầu mũi được tạo cong. Sân đình được chia thành nhiều cấp khác nhau, dọc hai bên sân có hai hàng cây cổ thụ gần nhà tả hữu mạc.

Tòa đại đình Phú Gia gồm 5 gian mới được chính quyền và nhân dân tu bổ lại thời gian gần đây bằng gỗ trên các bộ vì được thể hiện kiểu chồng rường, tiền kê, hậu bẩy. Mái lợp ngói ta, ngói mái được thể hiện các đầu đao cong hình đầu rồng hướng ngược về nóc mái. Phía trước là hệ thống cửa bức bản bằng gỗ. Nhà đại đình làm theo kiểu tường hồi bít đốc, bờ nóc chạy thẳng chính giữa đắp đôi rồng chầu mặt trời lửa. Hình rồng được làm đơn giản, đuôi xoắn, vây lưng và bờm nhọn. Hai bên hồi xây tường nối ra hai cổng nhỏ thông ra phía sau.

Hậu cung gồm 3 gian nhà ngang, làm kiểu đầu hồi bít đốc, mái lợp ngói ta. Nền nhà lát gạch, bộ khung nhà làm đơn giản vì kèo quá giang, bào trơn bóng bén, phía trước mặt là hệ thống cửa bức bàn gỗ. Gian chính giữa ở vị trí trung tâm đặt long ngai, bài vị ngai thờ và tượng thờ của thành hoàng làng.

Cụ Nguyễn Khắc Tùng, năm nay gần 80 tuổi, ở phường Phú Thượng bày tỏ sự thành kính trước ngôi đình linh thiêng. Cụ Tùng mong muốn mãi mãi đời con cháu sau này sẽ luôn gìn giữ, bảo tồn để ngôi đình ngày càng đẹp hơn.

Đình Phú Gia còn được biết đến là nơi lưu giữ nhiều đồ thờ có giá trị về mặt lịch sử và văn hóa nghệ thuật. Đáng chú ý là hai cuốn thần phả bằng chữ Hán ghi công tích của thần Khai Nguyên. 12 Đạo sắc phong, trong đó, có 8 đạo thời Lê, 1 đạo thời Tây Sơn và 3 đạo thời Nguyễn. Mới đây, người dân địa phương đã bổ sung thêm 4 đạo sắc phong nữa... Đặc biệt, trong đình Phú Gia còn lưu giữ tấm bài vị thời Mạc, một hiện vật quý hiếm.

Hàng năm, tưởng nhớ công ơn của đức thánh, dân làng lấy ngày mồng 10 tháng Giêng là ngày Lễ hội đình làng để tỏ lòng thành kính và cảm tạ thần đã phù hộ cho mưa thuận gió hòa, dân làng sống thanh bình, hạnh phúc.

Từ xưa đến nay, đình làng là trung tâm sinh hoạt văn hóa truyền thống của địa phương, là nơi giáo dục đạo lý uống nước nhớ nguồn cho lớp lớp các thế hệ. Hình ảnh ngôi đình Phú Gia ngày càng trở nên quen thuộc, gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần của người dân.

Với tất cả các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể tiêu biểu, đình Phú Gia đã đóng góp trong việc nghiên cứu sự phát triển của đình làng Việt. Đình Phú Gia đã được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.