Nghệ nhân ưu tú Đặng Nho Vượng (hay còn có tên tiếng Dao là Tặng Ỳ Voảng) ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái chia sẻ, đã từ lâu điệu Páo dung đã gắn với anh như duyên nợ để anh ngày càng thêm yêu, thêm gắn bó với Páo dung như máu thịt.

Páo dung là những làn điệu dân ca của người Dao. Những câu hát Páo dung giản dị, mộc mạc đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống đồng bào. Đó chính là tiếng lòng của người Dao mà thông qua đó họ muốn gửi gắm niềm tin, khát vọng về một cuộc sống tốt đẹp hơn. NNƯT Đặng Nho Vượng cho biết, hát Páo dung có nhiều làn điệu nhưng có thể chia thành 2 loại hình chính là Páo dung lễ nghi tín ngưỡng và Páo dung sinh hoạt.

Páo dung lễ nghi tín ngưỡng là các làn điệu cổ, gồm những bài hát được sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng như lễ cấp sắc, lễ cưới, cúng Bàn vương, cúng đầy tháng, cúng lên nương, cúng tra hạt… Hình thức hát này mang tính nguyên tắc với những bài hát có sẵn và thường có thêm trống, chiêng, thanh la phụ họa. Nội dung các bài hát nghi lễ là lời cảm tạ và cầu mong thần linh che chở, phù hộ cho sức khỏe dồi dào, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi. Ca từ của các bài loại này học rất khó, mỗi bài hát thường ít lời nhiều ý, đòi hỏi phải am hiểu sâu sắc về văn hóa dân tộc.

Páo dung sinh hoạt gồm hát ru con và đối đáp giao duyên, với các làn điệu chủ yếu như hát đối đáp giữa trai gái về tình yêu đôi lứa, về cuộc sống, lao động sản xuất hằng ngày… Là lối hát dựa vào tài ứng tác của người hát, tùy theo hoàn cảnh mà mỗi chủ đề lại có những lời hát khác nhau, do đó ca từ thường giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Cũng nhờ sự thể hiện biến hóa, tài nghệ đối đáp linh hoạt của người hát, mà tạo nên không khí vui tươi...

Đây là loại hình ca hát chiếm vai trò chủ đạo trong kho tàng dân ca của đồng bào Dao với nhiều thể loại: Hát giao duyên, hát ru, hát đồng dao, hát than... được sáng tác thêm, đem đến sự đa dạng, phong phú bất tận của Páo dung. Ca từ của các làn điệu này giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ. Các làn điệu Páo dung phổ biến như hát ngâm thơ, hát đối đáp giữa trai chưa vợ gái chưa chồng hay hát ghẹo. Tuy khác nhau về giai điệu và nhịp phách nhưng đều có giá trị văn hóa lớn lao, định hướng giáo dục con người hiểu biết cội nguồn dân tộc, quê hương, gìn giữ và phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, đề cao tinh thần lao động, sáng tạo, lẽ sống, ứng xử của con người với thiên nhiên. Lời ca Páo dung còn thể hiện tình cảm thầm kín giữa nam và nữ và tạo không khí vui vẻ, quên đi mệt nhọc, giúp các bản Dao xích lại gần nhau, thắt chặt tình đoàn kết, cùng nhau vượt qua gian khó.

Hát Páo dung thể hiện sâu nặng chất trữ tình đằm thắm, nét tươi sáng và giản dị của tâm hồn người Dao. Các làn điệu Páo dung có tác dụng khích lệ, động viên tích cực đến đời sống tinh thần, quá trình lao động và sinh hoạt của cộng đồng người Dao. Thấm nhuần và trân quý giá trị của Páo dung nên từ nhiều năm nay anh Đặng Nho Vượng dành tâm huyết để lan tỏa nét văn hóa đặc sắc này. “Thứ nhất là vì tôi yêu dân ca của dân tộc mình, yêu và tự hào lắm. Thứ 2 là từ yêu quý trân trọng, muốn giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Dao nên tôi truyền dạy và khơi mào để cho các cháu nhìn thấy và nó sẽ thích và học. Hiện nay nhiều cháu theo học rồi, rất mừng và tin là điệu páo dung sẽ còn được tiếp nối”.

Là người con của dân tộc Dao đỏ ở xã Đại Sơn, huyện Văn Yên, ngay từ khi còn nhỏ, Đặng Nho Vượng đã được bà nội dạy cho cách hát những làn điệu Páo dung chan chứa tình người, tình yêu quê hương đất nước. Những câu hát ru của mẹ, của bà, tiếng kèn pí lè, tiếng sáo tồm ông dìu dặt du dương trong mỗi dịp lễ hội đã ăn sâu vào tâm hồn, ngấm vào anh như một duyên nợ, cộng với năng khiếu thiên bẩm nên Đặng Nho Vượng sớm biết hát những làn điệu páo dung, biết thổi sáo mũi và chơi các nhạc cụ dân tộc Dao. Với niềm đam mê và năng khiếu của mình, Đặng Nho Vượng tham gia phong trào văn hóa, văn nghệ tại xã Đại Sơn và sáng tác, truyền dạy các bài hát cho đội văn nghệ của xã, liên tiếp đoạt Huy chương Vàng tại Hội diễn Nghệ thuận quần chúng của huyện, của tỉnh và Hội diễn Văn hóa thể thao các dân tộc Tây Bắc.

Với những cống hiến của mình, năm 2015, Đặng Nho Vượng được được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian. Hơn 50 tuổi đời nhưng nghệ nhân Đặng Nho Vượng đã có hơn 30 năm sử dụng thành thạo nhiều loại nhạc cụ truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, NNƯT Đặng Nho Vượng là người duy nhất của huyện Văn Yên nắm được bí quyết thổi sáo điêu luyện bằng mũi một loại sáo độc nhất vô nhị của người Dao, đó là sáo tồm ông dặt. Người Dao đỏ ở Văn Yên coi cây sáo tồm ông dặt là sợi dây nối giữa thế giới thần linh với con người.

Người Dao Đại Sơn coi NNƯT Đặng Nho Vượng như một người "giữ lửa” văn hóa của dân tộc mình. Bạn trẻ Đặng Thị Lê Na được NNƯT Đặng Nho Vượng truyền lửa nên giờ đã biết hát khá nhiều làn điệu páo dung cho biết từ sự truyền dạy ấy mà bạn thêm tự hào về điệu hát dân ca của đồng bào mình: “Con học hát Páo dung từ hồi còn học cấp 2. Bác Vượng đã dạy, con rất thích điệu hát Páo dung vì nó là một phần của dân tộc Dao. Mỗi một khi biểu diễn điệu hát Páo dung trên sân khấu con cảm thấy rất hạnh phúc và tự hào. Con hát Páo dung vào những lễ hội, tham gia những ngày hội của dân tộc Dao và các dân tộc khác”.

Cùng với Lê Na còn có rất nhiều bạn trẻ khác cùng theo học và tận dụng các cơ hội để quảng bá về Páo dung như bạn Đặng Thị Thư: “Mặc dù học điệu Páo dung rất là khó, nhưng con sẽ cố gắng học để hát được. Điệu Páo dung rất hay, nếu mà mỗi lần có dịp để quảng bá thì sẽ tận dụng được cơ hội để quảng bá điệu Páo dung của quê mình, của dân tộc mình. Con rất tự hào khi mà dân tộc của mình có điệu Páo dung nhiều người biết đến”.

Hát Páo dung không có nhạc cụ đệm, được thể hiện ngẫu hứng, tự nhiên bằng chính cảm xúc cá nhân của người hát, chính vì vậy các làn điệu Páo dung giàu nhạc điệu và thấm đậm chất trữ tình nhưng hát páo dung không dễ, nhất là đối với thế hệ trẻ ngày nay bởi lời ca hầu hết là lời Dao cổ. Qua quá trình truyền dạy, NNƯT Đặng Nho Vượng chia sẻ kinh nghiệm rằng nếu ai muốn học Páo dung thì trước tiên nên bắt đầu bằng điệu ru em. Lời ru em dễ nên đi từ dễ đến khó.

Tự hào với danh hiệu và những thành tích đã đạt được song người "giữ hồn” cho dân tộc Dao đỏ này luôn trăn trở tìm cách gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc mình để không bị mai một. Và mong muốn cháy bỏng của NNƯT Đặng Nho Vượng là mong sao câu hát Páo dung mãi mãi được ngân vang.

Mời nghe âm thanh tại đây: