Tôi đến thăm trụ sở của Đoàn nghệ thuật lân sư rồng Hải Nam Liên Hữu tại một khu chung cư cũ ở khu phố người Hoa tại quận 5, Tp.HCM. Với tuổi đời hơn 60 năm, đây là một trong đoàn lân sư rồng lâu đời nhất ở Sài Gòn – Chợ Lớn. Người đón tôi là Lương Kiện Toàn, chàng trai trẻ sinh năm 1996 thuộc thế hệ thứ 3 của những người sáng lập nên đoàn lân này (ông ngoại của Toàn là đại đệ tử của vị tổ sư sáng lập ra đoàn). Lương Kiện Toàn dẫn tôi đi thăm và giới thiệu qua về đoàn lân sư rồng Hải Nam Liên Hữu.

Trong phòng khách, ở vị trí trang trọng chính giữa là ban thờ ông tổ của đoàn, 2 bên tường là 2 chiếc tủ kính bày la liệt đủ loại huy chương, cúp, danh hiệu mà đoàn lân Hải Nam Liên Hữu giành được. Toàn cho biết, gốc gác của đoàn là ở đảo Hải Nam (Trung Quốc). Giữa thế kỷ XX, ông tổ của đoàn tới mảnh đất Sài Gòn – Chợ Lớn mưu sinh, và đem theo cả bộ môn này.

Lát sau, Lâm Dân, cậu của Toàn, trưởng đoàn hiện nay xuất hiện. Vóc người nhỏ bé, ít ai ngờ anh Lâm Dân lại là một võ sư võ nghệ đầy mình và từng giành vô số danh hiệu lân sư rồng trong nước và quốc tế.

Trưởng đoàn Lâm Dân cho biết: “Đoàn lân sư rồng Hải Nam Liên Hữu thành lập năm 1953. Tổ sư sáng lập là sư phụ của ba tôi là ông Sử Xương Càn. Sau đó truyền lại cho ba tôi là ông Lâm Đạo Hưng. Đoàn cũng từng đi thi đấu ở rất nhiều giải trong nước và quốc tế. Tại giải quốc tế tại Malaysia đoàn vào được top 10, giải đấu đó có rất nhiều nước tham dự - có tới 32 nước. Năm 2019 chúng tôi thi giải lân sư rồng Chợ Lớn thì đoạt huy chương vàng”.

Xuất xứ từ Trung Quốc, ngày nay múa lân sư rồng có thể được biểu diễn ở nhiều nơi tại châu Á. Bộ môn lân sư rồng mang đậm tính biểu diễn nên đòi hỏi rất cao về nghệ thuật trong từng động tác. Vì vậy, người múa phải có niềm đam mê và trải qua quá trình luyện tập công phu nhiều năm mới thực hiện được bài múa đẹp mắt.

Tại Việt Nam, các đội múa lân thường chắt lọc các tinh hoa văn hóa gốc kết hợp với võ cổ truyền, múa dân gian, múa dân tộc tạo thành các bài quyền, pháp độc đáo. Người múa phải tải được “cái hồn” của con lân, phải mô phỏng cho đúng điệu bộ, dáng dấp con sư tử nhưng thể hiện được tính vui tươi, mang đến niềm hân hoan cho người xem. “Muốn giỏi múa lân phải khổ luyện", anh Lâm Dân nói. "Ban đầu phải tập để có mã bộ cứng cáp, vững chãi; sau đó mới tập múa lân. Ngày xưa trước khi tập múa lân phải tập võ thuật trước. Học võ thì mã bộ mới thanh thoát, hình thái con lân mới biểu hiện ra”.

Một đội lân sư rồng thường có từ vài chục, có khi cả trăm thành viên, chia thành nhiều nhóm đội khác nhau, mỗi nhóm lại tập luyện thành thạo một bài múa riêng để đem đi trình diễn. Về động tác, người múa phải tập nhiều ngày mới thuộc một bài cơ bản. Họ phải làm quen với việc nghe tiếng trống để xác định đến đoạn nào của bài biểu diễn và phải phối hợp nhuần nhuyễn với đồng đội.

Còn ở một bài múa cụ thể, đội biểu diễn thường có 6 người. “Thông thường sẽ có 2 người phụ trách phần Đầu và Đuôi", bạn Lương Kiện Toàn cho biết. "Còn lại 4 người phụ trách bộ trống và các nhạc cụ âm thanh. Phải tập luyện làm sao để bộ trống và 2 người múa ráp nối thành thục với nhau mới ra 1 bài múa lân. Một người mới vào thường sẽ tập để phần thân dưới, mã bộ cứng cáp. Người phụ trách phần Đuôi thường chân phải cứng cáp để người trên có thể leo lên. Còn người ở trên, phụ trách phần Đầu thì lại phải có kỹ thuật để làm cơ thể thả lỏng, nhẹ đi. Nói chung 2 người phải phối hợp ăn ý lắm thì mới ra được 1 bài biểu diễn thành công”.

Không chỉ biểu diễn trên mặt đất, cái khó nhất của bộ môn múa lân sư rồng là 2 người phải biểu diễn trên những cây cột cao gọi là “giàn”. Việc nhảy múa trên những cây cột cao, lại đeo theo những bộ trang phục lân cồng kềnh nên chuyện té ngã, chấn thương khi tập luyện là điều khó tránh khỏi. Các thành viên đoàn Hải Nam Liên Hữu đã quá quen với những chấn thương, đến nỗi khi được hỏi họ chỉ cười và nói “có sao đâu”.

Anh Đặng Trần Tính, một thành viên đã có hơn 15 năm tham gia đoàn Hải Nam Liên Hữu kể: “Có lần mình đang tập luyện trên giàn, do 2 người phối hợp không đều nên nhảy trượt chân bị té xuống, lật cổ chân. Lần đó mình dưỡng thương độ 1 – 2 tuần thì lành và lại lên tập tiếp. Nặng nhất là bị đập phần đùi xuống trần nhà, nó sẽ bầm tím, nhưng cũng chỉ xoa bóp vài tuần là hết”.

Trong văn hóa của người Việt Nam và nhiều quốc gia châu Á, sự hiện diện của các đoàn múa lân sư rồng trong các sự kiện trọng đại như lễ Tết, khai trương, rằm trung thu... được xem là đem lại nhiều tài lộc, may mắn. Một con lân để múa vào ngày Tết phải hội đủ bốn quý tướng của tứ linh: hàm rồng, mũi lân, mày phượng, sau gáy có đuôi rùa. Ngoài ra gần mép có gai như vây cá, vì ngư tượng trưng cho thành đạt, thăng tiến (cá vượt vũ môn, cá hóa long).

Để khai trương người ta đem lân râu vàng và râu bạch kim, tượng trưng cho vàng và bạc, múa trước bàn thờ Thần Tài, hàm ý cầu mong cho làm ăn phát tài, lúc nào cũng dồi dào vàng bạc. Cũng chính vì thế, đầu năm, cuối năm là những thời điểm bận rộn nhất với những đoàn múa lân sư rồng.

Anh Đằng Trần Tính kể: “Giai đoạn gần Tết chúng tôi rất bận rộn. Anh em vừa phải lo cho cuộc sống vừa phải tập luyện để đến Tết đi biểu diễn cho bà con khắp nơi xem. Chúng tôi thường biểu diễn vào những dịp khai trương, tới trung thu thì biểu diễn cho các em nhỏ xem trong các sự kiện do các trường học tổ chức. Rồi lại Tết Nguyên tiêu, hoặc tới rằm thì các chùa lại mời đi biểu diễn”.

Những ngày Tết đến, xuân về, ở khắp mọi miền Tổ quốc, ai ai cũng thấy nô nức khi nghe tiếng trống lân rộn ràng đâu đó. Lân sư rồng mang trong mình nét đẹp truyền thống lẫn tính nghệ thuật, trở thành biểu tượng cho sự hanh thông, thịnh vượng trong năm mới.