Với chủ đề “Sắc màu văn hóa các dân tộc vùng Tây Bắc”, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV tại tỉnh Phú Thọ năm 2022 sẽ diễn ra từ ngày 02/12 đến 04/12/2022 (03 ngày) tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên quần chúng đồng bào các dân tộc 07 tỉnh (Phú Thọ, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái và Sơn La), cùng sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương.

Trải qua 15 lần tổ chức, Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc năm nay có nhiều hoạt động đặc sắc, thú vị và nhiều điểm mới.

Phóng viên VOV2 đã phỏng vấn ông Nguyễn Đắc Thủy - Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Phú Thọ về sự kiện ý nghĩa này.

PV: Thưa ông, ông có thể chia sẻ về mục đích, ý nghĩa của Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc năm nay?

Ông Nguyễn Đắc Thủy: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc lần thứ XV tại tỉnh Phú Thọ có mục đích lớn nhằm để tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam. Thứ hai là nhằm tuyên truyền quảng bá các giá trị di sản văn hóa cũng như là phong tục tập quán truyền thống tốt đẹp của các dân tộc vùng Tây Bắc tới bạn bè trong nước và quốc tế. Thông qua đó, khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch để thu hút đầu tư của các doanh nghiệp đến với vùng Tây Bắc, khai thác phát triển thúc đẩy kinh tế xã hội.

Đây cũng là hoạt động nhằm thực hiện tốt Nghị Quyết 33 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa con người Việt Nam, đáp ứng nhu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 cũng như thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đối với tỉnh Phú Thọ thì đây là dịp để tỉnh tăng cường khối đại đoàn kết thống nhất các dân tộc vùng Tây Bắc, tăng cường giao lưu kết nối tỉnh Phú Thọ với các tỉnh Tây Bắc để phát triển thúc đẩy kinh tế xã hội; đồng thời cũng là tăng cường các tour tuyến du lịch, giao lưu văn hóa giữa các dân tộc vùng Tây Bắc: Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu và Sơn La. Đây là 7 tỉnh trong khu vực Tây Bắc có nền văn hóa đặc sắc, thiên nhiên hùng vĩ lịch sử hào hùng. Do vậy việc kết nối các dân tộc, gắn kết phát triển thúc đẩy du lịch trong dịp này là rất có ý nghĩa không chỉ đối với tỉnh Phú Thọ mà còn với các tỉnh khu vực Tây Bắc…

PV: Các hoạt động chính, được coi là điểm nhấn của Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc năm nay là gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Đắc Thủy: Ngày hội năm nay diễn ra nhiều hoạt động trong cả 3 lĩnh vực chính, đó là văn hóa, thể thao và du lịch. Đối với lĩnh vực văn hóa tổ chức 5 hoạt động, thứ nhất là trình diễn các lễ hội và các trích đoạn lễ hội, các nghi thức của các đồng bào dân tộc vùng Tây Bắc. Thứ hai là trình diễn văn hóa ẩm thực đặc trưng của vùng Tây Bắc. Thứ 3 đó là liên hoan văn nghệ truyền thống gắn với thi trang phục truyền thống các dân tộc. Thứ 4 đó là trưng bày các hoạt động văn hóa truyền thống của các địa phương tại quảng trường Hùng Vương.

Đối với hoạt động du lịch thì chúng tôi có các hoạt động tổ chức trưng bày Ảnh đẹp Tây Bắc. Thông qua hoạt động này để khai thác cảnh quan thiên nhiên, bản sắc văn hóa cũng như để thu hút đầu tư xây dựng tour tuyến, thúc đẩy phát triển du lịch. Đồng thời chúng tôi tổ chức không gian trưng bày ẩm thực trên khu vực các lễ hội văn hóa và văn hóa truyền thống.

Đối với các hoạt động thể thao thì chúng tôi tổ chức các hoạt động thể thao dân tộc, như là tung còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ và các môn thể thao khác... để cho các vận động viên, nghệ nhân, diễn viên có thể có điều kiện tổ chức giao lưu giữa các môn thể thao dân tộc thông qua các hoạt động thể thao của các vùng Tây Bắc. Đó là những hoạt động chính văn hóa, thể thao và du lịch trong những ngày hội này.

PV: Thưa ông, đã trải qua 15 lần tổ chức, vậy đâu là những nét mới của Ngày hội năm nay so với những lần tổ chức trước đó?

Ông Nguyễn Đắc Thủy: Điểm mới thứ nhất, Ngày hội lần này tổ chức ở thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ là đất tổ cội nguồn. Ở đây có rất nhiều di sản văn hóa, cả vật thể và phi vật thể, do vậy bản sắc văn hóa vùng Tây Bắc cùng Phú Thọ được khai thác tối đa để gắn kết giữa di sản dân tộc với phát triển kinh tế xã hội và thúc đẩy phát triển du lịch. Trong đó, các di sản được UNESCO ghi danh ngoài Phú Thọ có 2 di sản tín ngưỡng thờ mẫu Hùng Vương và hát Xoan thì chúng ta còn có xòe Thái và các di sản của đồng bào các dân tộc được Bộ VHTTDL ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Tất cả các di sản văn hóa rồi các lễ hội truyền thống của đồng bào của các dân tộc vùng Tây Bắc sẽ được tham gia trình diễn cũng như tổ chức trên không gian của nghi Lễ khai mạc để quảng bá giới thiệu về di sản văn hóa vùng Tây Bắc cho bạn bè trong nước và quốc tế biết đến.

Thứ hai, tại không gian hoạt động của Ngày hội thì chúng tôi không chia nhỏ các hoạt động mà tập trung ở tất cả khu vực Hùng Vương, tạo dựng không gian văn hóa rất là lớn để đáp ứng nhu cầu của các đoàn nghệ nhân, vận động viên và đoàn các tỉnh, thành về tham dự. Cùng với đó, tạo sự giao lưu gắn kết giữa các tỉnh với cộng đồng và nhân dân để các hoạt động văn hóa, hoạt động thể thao, hoạt động du lịch thực sự đúng là Ngày hội của nhân dân vùng Tây Bắc. Năm nay, có khu vực dành riêng cho người dân Phú Thọ để trực tiếp tham gia vào các hoạt động, nên có thể nói đây là Ngày hội văn hóa của nhân dân.

Thứ 3 là chúng tôi tăng cường giới thiệu các hoạt động quảng bá du lịch của tỉnh Phú Thọ để đáp ứng nhu cầu tham quan tìm hiểu của các nghệ nhân, các đoàn của các tỉnh thành với những hoạt động như là dâng hương tại Khu di tích lịch sử quốc gia Đền Hùng, tổ chức khám phá các tour tuyến cũng như các danh lam thắng cảnh, di sản văn hóa của tỉnh...

Điểm mới thứ 4 là chúng tôi có những không gian trưng bày các sản phẩm OCOP gắn với du lịch để thông qua đó có thể quảng bá giới thiệu những sản phẩm đặc trưng của từng địa phương để gắn kết phát triển du lịch là những sản phẩm quà tặng cho khách du lịch. Đồng thời ở đây có khu vực để tổ chức không gian trưng bày văn hóa đặc sắc của các dân tộc vùng Tây Bắc do Viện Bảo tàng dân tộc học Việt Nam thực hiện, mỗi gian trưng bày trong 100 mét vuông để giới thiệu các nét đặc sắc về văn hóa truyền thống, về ẩm thực, về các sản phẩm OCOP để quảng bá cho du khách trong nước và quốc tế.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông về những chia sẻ vừa rồi!