Những ngày qua, trên các trang báo, mạng xã hội rộ lên những luồng ý kiến liên quan đến câu chuyện danh xưng "The King” trong bộ phim điện ảnh thể loại tiểu sử về cuộc đời ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng. Từ đây, những lùm xùm về danh xưng của nghệ sĩ lại được khơi lại khi ngày càng có nhiều người tự xưng, tự gán cho mình mác nghệ sĩ với những cái tên thật kêu: ông hoàng, nữ hoàng, hoàng tử, công chúa… đã khiến những người hoạt động nghệ thuật chân chính chạnh lòng, cũng như tạo nên sự ảo tưởng trong một bộ phận nghệ sĩ, làm ảnh hưởng đến nhận thức của giới trẻ.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, rõ ràng chúng ta đang thể hiện sự dễ dãi trong thị trường giải trí. Sự dễ dãi này đến từ rất nhiều bên liên quan đã khiến cho danh xưng trở thành một vấn nạn. "Tôi nghĩ rằng, nghệ sĩ là một nghề quan trọng trong xã hội, mà đã là một nghề rồi thì cần phải có những tiêu chuẩn nhất định chứ không thể nào chỉ sáng tác 1-2 bài thơ, một vài bài hát hay là làm MV này kia mà có thể xưng danh là nhà thơ, là nhạc sĩ hay là một nghệ sĩ nào đó... Điều này cần phải chấn chỉnh chứ không thể dễ dãi với một danh hiệu mà chúng ta tôn vinh như vậy".

Ai cũng hiểu, nghệ sĩ ngoài những đóng góp, cống hiến cho hoạt động nghệ thuật thì họ cũng là những con người rất đỗi bình thường trong cuộc sống, cũng có hỉ nộ ái ố, cũng có điều này, điều kia và không phải lúc nào cũng vẹn toàn. Tuy nhiên, điều mà chúng ta kỳ vọng là các nghệ sĩ khi đã có được danh hiệu thì phải luôn có ý thức phấn đấu để làm sao giữ danh hiệu và xứng với danh hiệu đó.

Cũng theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn, trước đây, khán giả chỉ biết đến những danh hiệu cao quý được Nhà nước trao tặng: Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú. Hoặc những diễn viên đóng đinh với vai nào đó sẽ có thêm “nick name”. Ví dụ, diễn viên Trà Giang được gọi là Chị Tư Hậu hay diễn viên Lan Hương được gọi là Em bé Hà Nội… chứ không loạn “vua”, “nữ hoàng”, “ngọc nữ”, “thánh nữ”… như bây giờ. Chính sự dễ dãi dẫn đến việc loạn danh xưng như vậy đã khiến cho giá trị của 2 từ “nghệ sĩ” cũng phôi phai đi ít nhiều.

"Chúng ta cũng phải thấy rằng, khi những danh xưng đó không xứng đáng, không phù hợp với một nghệ sĩ nào đó thì nó tạo ra những rối loạn, ảnh hưởng đến các định hướng nhận thức cũng như là định hướng về thẩm mỹ, thậm chí là những vấn đề liên quan đến đạo đức của xã hội nữa. Chính vì thế chúng ta phải rất cân nhắc với các danh hiệu này. Các cụ nói rằng "Quý hồ tinh bất quý hồ đa" chúng ta cần những danh xưng nghệ sĩ thực sự thực chất, là tôn vinh từ phía khán giả, từ phía xã hội chứ không phải là dùng các chiêu trò để có những danh xưng không phù hợp", PGS.TS Bùi Hoài Sơn phân tích.

Bản thân danh xưng không có lỗi bởi người tặng danh xưng nhằm thể hiện tình cảm, sự ngưỡng mộ đối với nghệ sĩ mình yêu thích. Nhưng danh xưng cần được đặt đúng chỗ, đúng người thay vì tùy tiện như hiện nay bởi đôi lúc, nó trở thành chiếc áo quá rộng đối với nghệ sĩ, khiến người thì áp lực, người lại tự cao, tự mãn.

Đặc biệt, ở nước ta vai trò nghệ thuật đặt khá cao khi chúng ta cũng coi văn hóa nghệ thuật là một mặt trận, anh chị em văn nghệ sỹ là những chiến sĩ trên mặt trận đó. Chúng ta mong muốn các nghệ sĩ luôn luôn giữ hình ảnh trong lối sống, phát ngôn phải chuẩn mực. Vì các nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn đến công chúng, họ hình thành nên một môi trường nghệ thuật và xã hội lành mạnh, tích cực để trên cơ sở đó mỗi người, mỗi cá nhân sẽ phát triển nhân cách đạo đức của mình theo hướng tích cực, từ đó tạo sự lành mạnh trong phát triển nghệ thuật nói riêng, phát triển xã hội nói chung.

Mời nghe âm thanh tại đây: