Đó là nguyên văn lời nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trong buổi giao lưu tại nhà sách Le Phesnix, Paris năm 2002. Để rồi 9 năm sau, ông trút hơi thở cuối cùng vào chiều xuân u ám, mưa nặng hạt sau dăm năm đau yếu và nhất là cơn tai biến liệt nửa người năm ngoái. Ra đi như một sự “giải thoát” khỏi tật bệnh dày vò.

“Nguyễn Huy Thiệp- Người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại” là nhận định của nhà văn Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Chính sự ra đi ấy khiến những người bạn, người đồng nghiệp, những nhà văn, nhà phê bình và cả người yêu văn ông bắt tay làm cuốn sách: “Về Nguyễn Huy Thiệp” từ sự khởi xướng của họa sỹ Lê Thiết Cương.

“Nhóm bạn bè trong đó có tôi muốn làm một cuốn sách để tưởng nhớ anh. Lúc đầu chúng tôi định làm trong dịp 50 ngày anh ra đi nhưng thời gian quá gấp. Và chúng tôi quyết định như lời in ngay phần mở đầu cuốn sách: như một nén nhang tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp nhân 100 ngày ông đi xa”. Họa sỹ Lê Thiết Cương đã chia sẻ một cách giản dị, ngắn gọn như vậy trong buổi ra mắt sách online cũng cực kỳ đặc biệt, chưa từng có trong tiền lệ ra mắt sách ở Việt Nam.

Những tác động của dịch bệnh, những yêu cầu dừng tập trung đông người, những yêu cầu giữ khoảng cách không cho phép một buổi gặp gỡ giữa những người bạn, người yêu văn Nguyễn Huy Thiệp. Cuộc ra mắt sách qua nền tảng zoom, livestream trên Facebook lần đầu tiên được tổ chức như một sự pha trộn lạ giữa việc kết nối thời công nghệ để kể câu chuyện về một con người “thấp, nhỏ con, hơi gầy, khắc khổ…” song đã từng tạo nên “những cuộc cãi vã sôi nổi, ầm ĩ, lan cả ra ngoài văn họa” như lời nhà văn Nguyên Ngọc.

Nhà văn Di Li, người được coi “cứng tay” trong các cuộc họp báo, talkshow, ra mắt sách, khá lo lắng khi nhận trọng trách dẫn chương trình cho buổi ra mắt sách công nghệ lần lần này. Nhắn đến từng khách mời đường link, mật khẩu, cách thức đăng nhập, ban tổ chức còn cho chạy thử từ trước buổi chính thức, chuẩn bị chu đáo tất cả các phần việc nhỏ nhất với mong muốn đem tới một không gian của sẻ chia, nỗi nhớ và tình cảm với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp.

Tối chủ nhật đầu tiên của tháng 7, từ trước giờ chính thức buổi ra mắt sách trực tuyến, phòng zoom đã hầu như đầy đủ khách mời. Một chút ngỡ ngàng, bối rối từ các khách mời với nút nhấn, với thao tác để phát biểu, để xuất hiện hình ảnh khiến cuộc trò chuyện chậm một chút so với dự kiến. Họa sỹ Lê Thiết Cương, “tay chơi” phố cổ còn có thêm một chuyên gia hỗ trợ kết nối. Sau đôi chút trục trặc kỹ thuật nhưng rồi mọi sự đâu vào đấy. Bên cạnh những chia sẻ, cảm xúc thì có lẽ điều thú vị nhất ở cuộc ra mắt sách lần này có sự tham gia của bạn bè, nhà văn ở cả các quốc gia khác nhờ công nghệ xóa đi khoảng cách địa lý. Họ là bạn bè, đồng nghiệp và người yêu văn chương Nguyễn Huy Thiệp.

Các khách mời lần lượt điểm lại hành trình 20 năm tỏa sáng của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp trên văn đàn, cùng nhắc nhớ những tác phẩm đã làm nên tên tuổi của ông, vượt khỏi biên giới văn chương để bước sang điện ảnh, để đến với độc giả nhiều quốc gia và để giải thưởng trong và ngoài nước được trao đến nhà văn. Các tác giả góp bài để “Về Nguyễn Huy Thiệp” hoàn thiện đúng dịp 100 ngày nhà văn ra đi cũng có mặt.

Hơn 200 trang gồm 36 bài viết của 36 tác giả cùng phần phụ bản được sắp đặt trong khổ gần vuông với bìa sách tối giản bằng hình ảnh tác giả trên nền tối màu gợi nhớ về những bức ảnh đen trắng của thời quá vãng cũng như vẽ nên cảm xúc về con người Nguyễn Huy Thiệp đơn giản trong đời thường nhưng lại là tác giả của “những thiên truyện lạnh buốt đến rùng mình” (Trích điếu văn).


Một ấn bản khó định hình thể loại khi bao gồm cả bài viết, ghi chép, phê bình, phỏng vấn, ảnh tư liệu... song gói ghém trọn vẹn tình cảm tới một nhà văn bước vào văn đàn muộn nhưng đã làm “thay đổi một cách sâu sắc thi pháp và tinh thần văn xuôi Việt Nam”.

Hơn hai giờ đồng hồ, khách mời trong phòng zoom và khách theo dõi Livesstream trên trang cá nhân của nhà văn Di Li cộng hưởng những lượt chia sẻ khiến lượng người tham gia vượt khuôn khổ một cuộc ra mắt sách thông thường. Nó phần nào cho thấy tình cảm và sự coi trọng của văn đàn, của độc giả dành cho người văn đã khuất.

“Nếu ở những buổi ra mắt sách tôi từng dẫn, chỉ khoảng 2/3 thời gian đã thấy vắng nhiều. Nhưng lần này, dù máy móc lúc đầu có đôi chút trục trặc nhưng đến phút cuối cùng vẫn đông đủ. Điều này khiến tôi rất cảm động”. Nhà văn Di Li chia sẻ trước khi khép lại chương trình.