Trong giai đoạn nửa sau thế kỷ 19, dù triều đình có nhiều giai đoạn không tỏ rõ ý chí chống lại thực dân Pháp, nhưng trong dân chúng xuất hiện những nghĩa sĩ yêu nước. Các phong trào yêu nước khởi nghĩa như Cần Vương, Bình Tây sát tả, Dân chúng tự vệ… nổi lên từ khắp các vùng. Tuy tôn chỉ mục đích khác nhau nhưng các phong trào kháng Pháp ở giai đoạn này đều mang không khí sôi sục. Từ các phong trào đã xuất hiện các bậc anh hùng, thủ lĩnh nghĩa sĩ. Trong đó, ở vùng Nam Bộ, 4 thủ lĩnh được nhắc nhiều nhất là Trương Định, Võ Duy Dương, Nguyễn Hữu Huân và Nguyễn Trung Trực.

Đặc biệt, anh hùng Nguyễn Trung Trực là thủ lĩnh nghĩa quân đầu tiên đánh chìm một tiểu hạm của giặc phương Tây, đó là vụ nổi tiếng “đốt cháy tàu L’ Espérance - tàu Hy vọng của thực dân Pháp” trên sông Nhật Tảo năm 1861. Ông cũng là người chỉ huy đầu tiên đánh chiếm được đồn cứ chiến sự của người phương Tây ở giai đoạn này, điều mà quân đội Pháp lúc bấy giờ không bao giờ ngờ tới, đó là đồn Rạch Giá - Kiên Giang.

Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Chơn, sau đổi thành Nguyễn Văn Lịch, dân gian thường gọi tôn kính là cụ Nguyễn. Ông sinh năm 1838, tại làng Bình Nhật, huyện Cửu An, phủ Tân An (ngày nay là xã Bình Ðức, huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Gia đình ông sống bằng nghề chài lưới trên sông Bến Lức. Gốc gác gia đình của ông là ngư dân ở huyện Phù Cát, Quy Nhơn, Bình Ðịnh, từ vài thế kỷ trước di cư vào Nam lập nghiệp.

Thời còn trẻ, ông giỏi cả văn, võ, nhưng nổi bật nhất là võ nghệ. Năm 16 tuổi đã tỉ thí võ đài ở địa phương. Do tính tình ngay thẳng chính trực, ông được thầy của mình đặt tên là Trung Trực. Là một thanh niên nghĩa hiệp, sớm có lòng yêu nước, nên Nguyễn Trung Trực sớm có tư tưởng kháng Pháp. Tháng 2/1859, thực dân Pháp đánh thành Gia Ðịnh, ông lập đội nghĩa dũng được nhiều người hưởng ứng, thể hiện một khí khái kiên quyết chống giặc xâm lược đến cùng.

Năm 1861, đội quân của Nguyễn Trung Trực tham gia nghĩa quân của Bình Tây đại nguyên soái Trương Ðịnh, ông được giao chức Quản đạo. Ðạo quân của ông hoạt động mạnh ở vùng Tân An (Long An). TS Sử học Nguyễn Hữu Tâm, nguyên Giám đốc Thư viện Viện Sử học cho biết: “Nguyễn Trung Trực lúc đó đang là một thanh niên 24 tuổi khỏe mạnh, chuyên nghề chài lưới, đã hăng hái tham gia vào đội quân khởi nghĩa của Trương Định. Sau một thời gian trong quân ngũ, vốn thông minh, nhanh nhẹn, lại cộng thêm lòng nhiệt tình chống giặc, Nguyễn Trung Trực nhanh chóng được cất nhắc lên giữ quyền sung Quản binh đạo, chỉ huy một đội nghĩa quân hoạt động ở vùng Tân An".

Trong công cuộc kháng Pháp giai đoạn nửa sau thế kỷ 19, nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực đã ghi nhiều chiến công, trong đó, chiến công lừng lẫy đầu tiên của ông đó chính là đốt cháy tàu L’ Espérance – tàu Hy vọng của Pháp trên vàm sông Nhựt Tảo ngày 10/12/1861.

Hồi đó, quân Pháp ỷ vào thế mạnh của thủy quân, đưa tàu chiến đi án ngữ các dòng sông, hy vọng có thể khống chế mọi sự chống đối của quân ta một cách hữu hiệu và kiểm soát toàn bộ tỉnh Định Tường trong thời gian ngắn nhất. Với ưu thế của các chiến thuyền có trang bị vũ khí tối tân, quân Pháp dự kiến lập được một tuyến căn cứ quân sự nổi, cơ động và không sợ bị nghĩa quân đột kích tấn công từ trong các thôn làng trên bờ sông.

Trong số các chiến thuyền được bố trí trên dòng Nhật Tảo, phía hữu ngạn sông Vàm Cỏ Đông có chiếc pháo hạm có tên là L’Espérance (Hy Vọng) thường đậu tại khúc sông trước làng Nhật Tảo, làm nhiệm vụ quan sát, canh phòng và liên hệ với các căn cứ quân sự khác quanh vùng. Tàu Hy vọng là một pháo hạm nhỏ, được trang bị một khẩu đại bác và một đội quân khoảng 25 lính Pháp và lính đánh thuê Tagan. Để hỗ trợ lực lượng cho pháo hạm này, quân Pháp bố trí một cứ điểm quân sự gồm có 20 lính mã tà ngay trên bờ sông, liền kề nơi tàu thường thả neo. Như vậy, tổng cộng quân địch cả trên đất liền và dưới tàu lên tới 45 tên, được trang bị hỏa lực mạnh và có thể ứng cứu nhau khi chiến sự nổ ra.

TS Nguyễn Hữu Tâm kể về sự kiện này: “Vào buổi trưa ngày 10 tháng 12 năm 1861, Nguyễn Trung Trực đem 89 nghĩa quân chia thành hai hướng tiến quân: đánh trực diện và phục kích. Đích thân Nguyễn Trung Trực dẫn đầu đội cảm tử đã mưu trí, giả dạng thành những nhà buôn trên 5 thuyền nhỏ có mái che, áp sát mạn tàu, nhanh chóng tấn công lúc quân địch đang nghỉ trưa khiến chúng nhầm tưởng thuyền buôn muốn xin kiểm tra giấy thông hành. Tiếp theo, đội quân phục kích lập tức phối hợp tấn công quân mã tà trên bờ. Do không kịp phát hiện và phòng bị, nên quân địch bị chuốc lấy thất bại thảm hại. Kết cục, 17 quân Pháp bị giết, 20 tên mã tà cũng bị tiêu diệt gần hết, chỉ còn lại khoảng 2-3 quân Pháp và 3-5 quân Tagan lẩn xuống xuồng chạy thoát, trong tay không còn thứ vũ khí nào. Nghĩa quân Nguyễn Trung Trực và nhân dân thôn Nhật Tảo chất củi, lá khô, có người đã dỡ cả mái nhà đang ở để đốt cháy tàu L’Espérance, sau đó chiếc tàu bị chìm xuống sông Vàm Cỏ Đông”.

Cũng theo TS Nguyễn Hữu Tâm, chiến thắng trên sông Nhật Tảo mang nhiều ý nghĩa: “Trận đánh tàu L’Espérance do Nguyễn Trung Trực chỉ huy là một chiến công xuất sắc và đem lại một ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây là trận thủy chiến đầu tiên giữa nghĩa quân cùng quân đội triều Nguyễn với hải quân hùng mạnh của Pháp. Kẻ thù run sợ, bàng hoàng thất kinh, quân dân ta thì phấn khởi, tin tưởng và hăng hái giết giặc. Học giả nước Pháp đưa ra nhận định về ảnh hưởng to lớn của thắng lợi này như sau: Đó là một sự kiện bi thảm đã khích lệ tâm trí người An Nam (Việt Nam) và gây một mối xúc động sâu xa cho những người Pháp. Từ sau thắng lợi vang dội này, hàng loạt cuộc tấn công vào tàu giặc đã được tiến hành ở Việt Nam, khiến phía Pháp cũng phải gọi chiến công Nhật Tảo: là khúc nhạc dạo đầu cho một cuộc tổng công kích hầu như toàn bộ các đồn Pháp”.

Sự nghiệp chiến đấu của Nguyễn Trung Trực mở đầu bằng một trận đánh lẫy lừng, đặt nền móng cho những chiến thắng tiếp theo trong cuộc kháng chiến chống Pháp kéo dài 8 năm (từ 1861 đến 1868) của ông. Với trận Nhật Tảo ông là người cầm quân đầu tiên ở Việt Nam tiêu diệt “pháo đài nổi” của quân đội Pháp. Sau đó, Nguyễn Trung Trực và nghĩa quân của ông còn lập nhiều chiến công khác khiến thực dân Pháp rất khiếp sợ. Năm 1867, ông được phong chức Lãnh binh tỉnh Gia Ðịnh, rồi Thành thủ úy Hà Tiên.

Ðêm 16/6/1868, Nguyễn Trung Trực cùng nghĩa quân đánh úp đồn Rạch Giá và chiếm giữ cả tuần lễ. Thực dân Pháp phải điều động quân đội, vũ khí hạng nặng từ Vĩnh Long sang tái chiếm Rạch Giá. Với trận tập kích đồn Rạch Giá, ông là thủ lĩnh nghĩa quân duy nhất ở đất Nam kỳ đánh chiếm lại được đồn trung tâm tỉnh lỵ sau tháng 8/1867 khi thực dân Pháp thôn tính 3 tỉnh miền tây Nam kỳ. Đồn được thực dân Pháp lúc đó coi là “chiến đồn bất khả xâm phạm” nhưng ông và nghĩa quân của ông đã chiếm giữ được 1 tuần. Đó là đòn đánh mạnh vào quân đội Pháp.

Tuy nhiên, lực lượng nghĩa quân của Nguyễn Trung Trực quá chênh lệch so với quân Pháp, vũ khí lại thô sơ, nên phải rút về Hòn Chông, rồi ra đảo Phú Quốc. Thực dân Pháp tiến đánh Phú Quốc, nghĩa quân chống cự quyết liệt, cuối cùng chúng phải dùng thủ đoạn bắt mẹ của ông làm con tin. Ngày 19-9-1868, Nguyễn Trung Trực bị thực dân Pháp bắt, chiêu hàng nhưng không thể lay chuyển được khí tiết của vị anh hùng, nên chúng đưa ông ra chợ Rạch Giá xử chém ngày 27/10/1868.

Nguyễn Trung Trực hy sinh để lại tấm gương anh hùng bất khuất và một câu nói bất hủ “Bao giờ người Tây nhổ hết cỏ nước Nam, thì mới hết người Nam đánh Tây”. Hiện nay, lăng mộ ông ở Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang.

Hơn 150 năm qua, tinh thần anh dũng và công ơn của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực vẫn được nhiều thế hệ nhân dân ghi nhớ. Nhiều sự kiện tưởng niệm ông đã được tổ chức trang trọng trong tháng 10 hằng năm ở nhiều đền thờ, ngôi đình khắp vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, đặc biệt là tại Kiên Giang. Lễ giỗ ông ngày nay trở thành ngày trọng đại của nhân dân trong vùng, thể hiện đạo lý "uống nước nhớ nguồn" và tấm lòng thành kính của con cháu hậu duệ đối với vị nhân sỹ nặng lòng yêu nước, thương dân, có công lao to lớn trong sự nghiệp chống ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập dân tộc.

Mời nghe âm thanh tại đây: