"Nhà & Người" chọn in gần 60 bài viết của họa sĩ Lê Thiết Cương trong hơn hai chục năm qua (khoảng từ năm 2000-2023) cho một số tạp chí về kiến trúc nội thất. Như tên gọi cuốn sách, qua chuyện nhà cửa, họa sĩ Lê Thiết Cương muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, mỗi nhà mỗi cảnh, qua nhà thấy người, qua người thấy nhà.

Trong cuốn sách “Nhà & Người”, họa sỹ Lê Thiết Cương viết về ngôi nhà của nhiều văn nghệ sĩ như: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, nhạc sĩ Phú Quang, nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, đạo diễn Đào Trọng Khánh… hay nhiều vùng đất ông từng đi qua như: thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Lạt, Sa Pa và Hà Nội - nơi ông sinh ra và lớn lên; một vài làng cổ ở Bắc Bộ, một ngôi chùa, một nhà thờ ngoài đê sông Hồng…

Họa sĩ Lê Thiết Cương cho biết, anh thường viết về kiến trúc, trang trí nhà cửa, phong cảnh vùng miền nhưng những chuyện ấy chỉ là cái vỏ, lõi của nó là chuyện người. Đất, nhà và người suy cho cùng là một, bởi chuyện gì trong đời cũng là chuyện người, chuyện gì thì cũng phải lấy những giá trị người làm căn bản. Chỉ có nết người mới tạo ra được nếp nhà. Thêm nữa, chuyện nhà, chuyện người cũng là chuyện của một thời. Một bộ bàn ghế, một bức tranh, một kiểu nhà hoặc cách này biện trong nhà của người ấy đều có dấu ấn của thời gian. Mỗi thời mỗi khác.

"Chuyện nhà cũng là chuyện người, ở đâu lâu hay nhanh, nhiều hay ít, khoan hẵng bàn đến, không gian sống nào làm cho tâm hồn mình cảm thấy gắn bó đó mới là ngôi nhà thực sự của mình, nơi chốn đi về của mình", họa sĩ Lê Thiết Cương bộc bạch.

Nói về tản văn "Nhà & Người" của họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà thơ - nhạc sĩ Nguyễn Thụy Kha cho rằng, giai điệu văn xuôi của Lê Thiết Cương là giai điệu đẹp, một cách kể mà không kể, những gì anh thổ lộ về không gian đó đều thắm thiết, đều da diết như chia sẻ với người đọc vẻ đẹp của người tình mà mình tận lòng yêu.

“Đóng góp của Cương với tản văn là anh đã văn xuôi hóa bao đúc rút văn hóa để đưa vào trang viết của mình. Phần văn xuôi ấy thường được để sau một đoạn kể ngắn. Nó như cách về các trung âm hoặc át âm sau một câu nhạc. Giai điệu thì cổ điển, nhưng cách dẫn dắt câu này sang câu khác lại rất hiện đại. Đọc tản văn của Lê Thiết Cương là đọc liền một mạch bởi sự cuốn hút, đọc rồi ngẫm nghĩ bởi giai điệu văn xuôi khác biệt của chàng họa sĩ tối giản này".

Bà Vũ Phương Liên, Giám đốc Công ty CP Văn hóa và truyền thông Liên Việt cho biết, họa sĩ Lê Thiết Cương là người viết rất chắc tay, anh sử dụng ngôn ngữ rất đời thường để chia sẻ với bạn đọc những cảm nhận, suy ngẫm của mình về những ngôi nhà, từ kiến trúc đến đồ nội thất và những con người liên quan đến ngôi nhà, đồ vật ấy, bằng những cảm nhận rất riêng.

Còn theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, cuốn sách “Nhà & Người” viết về một không gian mà ai cũng đã sống trong đó từ khi sinh ra nhưng lại không phát hiện ra những vẻ đẹp, những bí mật trong không gian đó. "Phát hiện ra “nhà” là phát hiện ra “người” và ngược lại. Những vẻ đẹp của “nhà” và “người” đã làm nên vẻ đẹp của văn hóa Việt. Tôi nhận thấy chúng ta đã đánh mất đi quá nhiều vẻ đẹp văn hóa Việt dù chúng ta đang sống trong chính những vẻ đẹp đó... Và họa sĩ Lê Thiết Cương là người đã tìm thấy chìa khóa và lặng lẽ mở những cánh cửa đó".

Nhà văn Đỗ Bích Thúy tìm ra điểm khác của Lê Thiết Cương ở cuốn sách này so với cách viết của nhiều nhà nghiên cứu khác. Đó là, từng trang, từng dòng một, dù rất kiệm lời nhưng giúp người đọc có cái nhìn thật thấu đáo về những điều anh viết.

"Quan sát và suy ngẫm, không bỏ qua bất kỳ chi tiết nào và không dừng đặt những câu hỏi. Đã hỏi thì phải tìm bằng được câu trả lời. Cứ thế, từng ngày từng tháng từng năm, bao nhiêu điều thú vị trong đời sống tưởng như ào ào, gấp gáp, tưởng như tạm bợ sống nay chả biết mai thế nào... đã được Lê Thiết Cương gọi tên và lý giải một cách cặn kẽ và tỉ mẩn. Tôi nhìn thấy anh cho đến giờ vẫn yêu đến si mê những vẻ đẹp được tạo ra từ đôi bàn tay, tâm hồn của rất nhiều kiếp người, trong những phố những làng, những nhà những ngõ, những ô cửa hay cánh cổng... in dấu thời gian. Cái được của việc đọc cuốn sách đầy cảm xúc và tri thức này là như vậy", nhà văn Đỗ Bích Thúy nhấn mạnh.